Thuốc lá điện tử được chứng minh là cũng có thể gây nghiện. Ảnh: Shutterstock |
Được tổ chức 2 năm/lần, hội nghị kiểm soát thuốc lá năm nay sẽ quy tụ các đại biểu từ hơn 180 quốc gia trên thế giới, tập trung thảo luận các vấn đề về quảng cáo và tài trợ thuốc lá, cũng như các sản phẩm thuốc lá mới - chẳng hạn như thuốc lá điện tử theo xu hướng.
Dù số lượng người hút thuốc trên khắp thế giới đang giảm dần, nhưng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo rằng các công ty thuốc lá lớn đang tìm cách để thu hút giới trẻ.
Thống kê của WHO cho thấy việc sử dụng thuốc lá ước tính giết chết hơn 8 triệu người mỗi năm, trong đó có khoảng 1,3 triệu người không hút thuốc mà chỉ tiếp xúc thụ động với khói thuốc.
Cơ quan Liên Hiệp Quốc này cảnh báo rằng mặc dù tỷ lệ hút thuốc đang giảm nhưng sẽ phải mất nhiều thập kỷ số ca tử vong liên quan đến thuốc lá mới giảm theo.
Cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Chile Ricardo Fabrega nói rằng “hút thuốc lá gây ra nhiều thiệt hại những lại nhận được tương đối ít sự chú ý” vì phần lớn tác động của nó là về lâu dài, trong khi các chính phủ chỉ tập trung vào “cuộc sống hàng ngày”. Ngoài ra, còn có các chuyên gia nghiên cứu về việc kích thích người hút thuốc ở độ tuổi rất sớm”.
Hội nghị lần thứ 10 (COP10) của các bên tham gia Công ước khung về kiểm soát thuốc lá (FCTC) ban đầu dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 11 năm ngoái, nhưng đã bị hoãn lại do các cuộc biểu tình rầm rộ ở Panama yêu cầu đóng cửa một mỏ đồng.
Được biết, Hiệp ước kiểm soát thuốc lá có hiệu lực cách đây 2 thập kỷ.
Sau cuộc họp chính sẽ là các cuộc đàm phán về việc loại bỏ các sản phẩm thuốc lá bất hợp pháp, với sự tham dự của khoảng 70 quốc gia. Trước cuộc họp, Ban thư ký hội nghị cảnh báo có thể sẽ có xung đột lợi ích vì “một số bên đã được đại diện của ngành thuốc lá và các ngành khác tiếp cận để đề nghị hỗ trợ chi phí đi lại và kỹ thuật”...
Theo WHO, vào năm 2022, cứ 5 người trưởng thành trên thế giới thì có khoảng 1người hút thuốc hoặc tiêu thụ các sản phẩm thuốc lá khác, giảm hơn so với cứ 3 người thì có 1 người hút thuốc vào năm 2000.
Một báo cáo mới của WHO xem xét xu hướng phổ biến của việc sử dụng thuốc lá từ năm 2000 đến năm 2030 cho thấy 150 quốc gia đã giảm thành công việc sử dụng thuốc lá thông qua việc thắt chặt các quy định, đánh thuế cao và các biện pháp khác.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Ruediger Krech, Giám đốc bộ phận nâng cao sức khỏe của WHO, cho rằng ngành công nghiệp thuốc lá đang sử dụng “các nỗ lực phạm pháp” để phá hoại tiến trình này và thu hút giới trẻ.
Mối lo ngại đang gia tăng về nguy cơ thanh thiếu niên nghiện nicotine thông qua việc sử dụng thuốc lá điện tử (vape) dùng một lần có màu sắc, với nhiều hương vị như chocolate và kẹo cao su.
Ban đầu, thuốc lá điện tử được xem như một cách để cai thuốc lá, nhưng nó đã được chứng minh có gây nghiện, với khoảng 82 triệu người dùng vape trong năm 2021, theo dữ liệu từ tổ chức phi chính phủ Giảm thiểu tác hại của thuốc lá trên toàn cầu.
Mới đây, Thủ tướng Anh Rishi Sunak đã công bố kế hoạch cấm bán thuốc lá điện tử dùng một lần, nhằm ngăn chặn trẻ em sử dụng và nghiện thuốc lá điện tử. Kế hoạch này được đưa ra sau một động thái tương tự từ Pháp. Được biết, Đức và Bỉ cũng đang theo đuổi lệnh cấm thuốc lá điện tử dùng một lần.