Xe máy chở hàng cồng kềnh vô tư lướt trên đường Bùi Thị Xuân, TP. Huế

Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện nay tại nhiều tuyến phố ở TP. Huế, người dân thường tận dụng mô tô, xe máy để vận chuyển hàng hóa, thuận tiện khi muốn đi vào từng ngõ, ngách. Tuy nhiên, nhiều trường hợp chở hàng cồng kềnh, chênh vênh, dễ ngã đổ xe hay xảy ra va chạm.

Đáng chú ý, nhiều chiếc xe đã cũ, đèn sau bể nát, biển số lung lay nhưng vẫn lưu thông trên đường, lấn làn các phương tiện khác, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.

Bên cạnh việc chở hàng cồng kềnh, vượt quá quy định cho phép, nhiều người còn chằng buộc hàng hóa sơ sài, che chắn thiếu cẩn thận khiến hàng rơi xuống đường, làm ảnh hưởng đến những người tham gia giao thông.

Ông Hoàng Mạnh Nam (ở đường Lê Thánh Tôn, TP. Huế) cho biết, nhiều lần ông chứng kiến hàng hóa rơi ra từ các xe máy chở quá tải, không được che chắn kín, trở thành vật cản trên đường, do đó, không ít lần đã xảy ra va chạm giao thông.

Còn chị Lê Hoài An (đường Kinh Nhơn, KQH Bàu Vá, phường Thuỷ Xuân, TP. Huế) cũng chia sẻ: “Nhiều lần tham gia giao thông tôi đã chứng kiến rất nhiều người chạy xe máy tự chế chở nhiều hàng cồng kềnh hoặc chở những thanh sắt hay một đống tôn lợp dài gần cả chục mét mà vô tư chạy trên đường như chốn không người trông rất dễ va quệt, gây tai họa cho người tham gia giao thông.

Hành động chở hàng cồng kềnh trên xe máy hay xe tự chế rất nguy hiểm. Để giải quyết tình trạng trên, trước hết người dân cần nâng cao ý thức và trách nhiệm với cộng đồng, thấy được sự nguy hiểm của việc chở hàng cồng kềnh khi tham gia giao thông. Trường hợp di chuyển trong khu vực đông người, đường ngõ nhỏ, phương tiện cần giảm tốc độ, tập trung quan sát để lưu thông an toàn. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý Nhà nước tăng cường tuyên truyền; lực lượng chức năng cần xử phạt nghiêm những trường hợp vi phạm.

Theo Thông tư số 46/2015/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ quy định khi tham gia giao thông bằng mô tô, xe gắn máy, không được xếp hàng hóa, hành lý vượt quá bề rộng giá đèo hàng theo thiết kế của nhà sản xuất về mỗi bên 0,3m, không vượt quá phía sau giá đèo hàng 0,5m, chiều cao xếp hàng hóa tính từ mặt đường xe chạy không vượt quá 1,5m.

Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt cũng quy định người điều khiển xe hoặc người ngồi trên xe mang vác vật cồng kềnh, xếp hàng hóa vượt quá giới hạn quy định sẽ bị phạt tiền từ 400.000 đến 600.000 đồng.

Ngoài ra, theo khoản 2 điều 82 Nghị định 100/2019 (được sửa đổi bởi Nghị định 123/2021) thì người có thẩm quyền xử phạt có thể quyết định tạm giữ phương tiện, giấy tờ có liên quan đến người điều khiển và phương tiện vi phạm để đảm bảo thi hành quyết định hoặc xác minh tình tiết để quyết định xử phạt.

Người chở hàng cồng kềnh, vượt quá giới hạn mà gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 2 tháng đến 4 tháng.

Bài, ảnh: MINH HOÀI