leftcenterrightdel
Ông Bùi Ngọc Tấn với công việc hằng ngày trong Tổ xe thương binh 

Trở về từ chiến trường Campuchia và mang trên mình nhiều dấu tích chiến tranh, ông Bùi Ngọc Tấn, trú tại phường Đông Ba, TP. Huế là thương binh 2/4, bị cụt 1 chân phải mang chân giả. Những ngày sau chiến tranh, ông luôn mặc cảm và xem mình là gánh nặng của người thân bởi không làm được việc gì để phụ giúp vợ con trang trải cuộc sống. Thế rồi, đầu năm 2000, được một người đồng đội cũ giới thiệu, ông Tấn ra khu vực cầu Gia Hội (cũ) để tham gia vào tổ giữ xe. Sau khi cầu Gia Hội xây dựng, các tổ xe ở khu vực đó sáp nhập lại và thành lập Tổ xe thương binh và ông Tấn làm việc cho đến bây giờ.

“Tham gia vào tổ giữ xe, được làm việc với những người đồng đội, anh em cùng tham gia chiến trường ngày xưa nên rất vui. Mặc dù nguồn thu nhập không cao nhưng công việc này đã giúp anh em thương binh vận động thể lực, giảm căng thẳng bệnh tật và quan trọng là ngày ngày được trò chuyện cùng nhau nên giảm đi những cơn đau thể xác, đồng thời cũng kiếm thêm thu nhập giúp được phần nào cho gia đình”, ông Tấn chia sẻ.

Tổ trưởng Tổ xe thương binh, ông Trương Ngọc Hạnh cho rằng, tổ xe ra đời từ năm 1986 với 22 người, tất cả đều là thương binh. Qua thời gian, một số anh em do tuổi cao sức yếu nên đã mất, số khác bị bệnh không thể tiếp tục công việc nên hiện còn 14 người. Tổ phân thành 2 ca nên anh em được nghỉ ngơi hợp lý, đảm bảo sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ. Mỗi người trong tổ xe đều mang trong mình những vết tích chiến tranh, song bằng nghị lực và ý chí của người lính cụ Hồ, tất cả đều vượt qua nỗi đau, chiến thắng bệnh tật để hoàn thành công việc của mình đó là bố trí, sắp xếp các loại xe máy, xe đạp của tiểu thương và khách hàng đến chợ Đông Ba kinh doanh và tham quan mua sắm.

“Trong các anh em, có người khỏe, người yếu tùy theo mức độ thương tật nên mọi người luôn hỗ trợ nhau trong công việc. Hằng tháng, ngoài mức lương chi trả cho 14 anh em trong tổ và tiền thuê bãi giữ xe, Tổ xe dành lại một khoản nhỏ để thắp nhang, quà bánh cho những anh em trong tổ trước đây đã mất hoặc bệnh nặng không thể tham gia công việc. Vào ngày Thương binh liệt sĩ 27/7 hàng năm, tổ trích kinh phí chung để viếng Nghĩa trang liệt sĩ, thắp nhang cho đồng đội cũ và tổ chức bữa tiệc nhỏ để cùng nhau ôn lại truyền thống đấu tranh anh dũng của các anh em”, ông Hạnh chia sẻ.

Cùng với công việc hằng ngày, các ông, các bác luôn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, như tham gia phong trào Ngày Chủ nhật xanh nhằm tổng dọn vệ sinh trong khuôn viên dọc bờ sông Hương và khuôn viên chợ Đông Ba vào các sáng chủ nhật, tham gia các hoạt động thiện nguyện do Ban Quản lý chợ Đông Ba và địa phương tổ chức với tinh thần xung kích của người lính cụ Hồ, xứng đáng với danh xưng “tàn nhưng không phế”.

Bài, ảnh: Minh Thư