Dự buổi làm việc có các Ủy viên Trung ương Đảng; Ủy viên Ban Thường vụ Quốc hội; Chủ nhiệm, Bộ trưởng, lãnh đạo các uỷ ban Quốc hội; các Bộ, ngành Trung ương cùng các Vụ, đơn vị, văn phòng Quốc hội, lãnh đạo Quân khu 4 .
Tiếp và làm việc với đoàn có UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Trường Lưu; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh uỷ.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành buổi làm việc |
Các chỉ số đáng ghi nhận
Mở đầu buổi làm việc, Bí thư Tỉnh uỷ Lê Trường Lưu cho biết, tỉnh đang tập trung cao điểm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, nhất là tập trung các nguồn lực để thực hiện thắng lợi mục tiêu đến năm 2025 Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo tinh thần Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.
Bí thư Tỉnh uỷ Lê Trường Lưu khẳng định, nhiệm vụ trong thời gian tới của tỉnh đòi hỏi sự quyết tâm của địa phương cũng như sự quan tâm hỗ trợ tích cực của Trung ương, đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Báo cáo với đoàn công tác về tình hình thực hiện các nhiệm vụ trong thời gian qua, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương thông tin, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành 10 nghị quyết, 2 kết luận, 1 chương trình về các lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội, văn hoá, giáo dục, y tế, khoa học công nghệ; đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, định hướng 2050 và quy hoạch bảo tồn, phát huy giá trị quần thể di tích Cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2050.
Về phát triển kinh tế 6 tháng đầu năm 2023, ông Phương nhấn mạnh đến tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 6,51%, là mức tăng trưởng khá so với các tỉnh, thành phố trong khu vực. Ông Phương cũng thông tin định hướng mô hình đô thị Thừa Thiên Huế trong tương lai.
Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu nêu rõ quyết tâm của tỉnh trong thực hiện Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị |
Để tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị; Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đề ra 14 chỉ tiêu, 6 chương trình trọng điểm, 9 nhiệm vụ, giải pháp trong năm 2023, đồng thời, xác định nhiều nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết 38 của Quốc hội, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cho biết, Quỹ Bảo tồn di sản Huế đã kêu gọi các tổ chức, cá nhân đóng góp và đã tiếp nhận hơn 7,5 tỷ đồng; với mức dư nợ vay tăng lên 40%, thì mức dư nợ vay của địa phương năm 2022 và năm 2023 là gần 3.500 tỷ đồng, tăng 1.700 tỷ đồng; thu từ xuất nhập khẩu năm 2022 đạt 625 tỷ đồng, tuy nhiên, thuế nhập khẩu, xuất khẩu chỉ đạt 96 tỷ đồng...
Tỉnh kiến nghị nhiều vấn đề
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương đã kiến nghị, đề xuất đến Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng đoàn công tác nhiều nhóm vấn đề.
Theo đó, tỉnh đề nghị Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành quan tâm, hỗ trợ sớm hoàn thành các thủ tục có liên quan đến việc xây dựng Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương theo quy định và cho phép bổ sung Đề án vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 của Quốc hội, trình Quốc hội xem xét và quyết định tại kỳ họp cuối năm 2024.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm |
Về hạ tầng giao thông, cảng biển, tỉnh kiến nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm sớm bố trí nguồn lực cho dự án đầu tư xây dựng đường lăn song song và các đường lăn nối tại Cảng Hàng không Quốc tế Phú Bài; quan tâm cho chủ trương nghiên cứu đầu tư xây dựng đường chuyên dụng để vận chuyển hàng hóa từ nước bạn Lào đến cảng chuyên dụng Điền Lộc qua đường 71 với tổng chiều dài khoảng 54km; tiếp tục hỗ trợ địa phương thực hiện nhu cầu đầu tư đê chắn sóng ở cảng Chân Mây; sớm ban hành Chương trình mục tiêu Quốc gia về văn hóa để có nguồn lực thực hiện việc trùng tu di sản của Quốc gia.
Tỉnh cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo xem xét sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, cho phép mở rộng điều kiện thanh lý tài sản đối với các tài sản không phù hợp quy hoạch theo hình thức thanh lý.
Ngoài ra, quan tâm hỗ trợ tỉnh trong việc xây dựng các đề án và hỗ trợ nguồn lực để xây dựng Bệnh viện Trung ương Huế, trung tâm y tế chuyên sâu; xây dựng Đại học Huế trở thành Đại học Quốc gia.
Nhận diện những khó khăn
Thảo luận tại buổi làm việc, lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương đánh giá cao những thành quả mà tỉnh đạt được trong thời gian qua. Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng kinh tế của tỉnh có bước phát triển đáng ghi nhận.
Trong tiến trình xây dựng tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, lãnh đạo Bộ, ban, ngành đã chỉ rõ những điểm nghẽn, khó khăn mà tỉnh cần khắc phục. Điển hình như, quy mô kinh tế còn nhỏ, thu hút đầu tư còn hạn chế, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, sản phẩm du lịch còn đơn điệu...
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đánh giá, Huế đã gìn giữ được bản sắc và tập trung tốt vào công tác bảo tồn di sản; đồng thời cho rằng, văn hóa và con người Huế chính là nền tảng để phát triển.
Góp ý cho tỉnh, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng mong muốn tỉnh quan tâm hơn nữa đến kinh tế du lịch; hướng đến việc xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng góp ý tại buổi làm việc |
“Huế có slogan “Kinh đô xưa, trải nghiệm mới” đã thu hút du khách chưa? Trong khi đó, Quảng Ninh đơn giản chỉ là “Nụ cười Quảng Ninh” nhưng đằng sau đó là một loạt sản phẩm hiệu quả cao. Do vậy, Huế cần nghiên cứu, tăng cường công tác truyền thông, quan tâm thu hút đầu tư trong du lịch”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói, và nhấn mạnh: Văn hóa du lịch là nền kinh tế tổng hợp, Huế cần phát triển du lịch nghỉ dưỡng và tạo ra gói sản phẩm phù hợp; có thể đề xuất phương án thí điểm để doanh nghiệp khai thác các di tích…
Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng đề nghị tỉnh phải nắm bắt cơ hội để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương khi đã có Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 38 của Quốc hội. Ông Hùng nói: “Thời gian không còn nhiều nên tỉnh cần nỗ lực hơn nữa, đặc biệt là phát huy nguồn lực về văn hóa di sản. Toàn bộ hệ thống chính trị cần vào cuộc quyết liệt, tận dụng sự ủng hộ của các Bộ, ngành Trung ương và các cơ quan Quốc hội”.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhận định, quy mô kinh tế hiện của tỉnh vẫn còn nhỏ, du lịch dịch vụ chưa phát triển xứng tầm, chưa thu hút đầu tư. Ngoài ra, quy hoạch tỉnh vẫn chưa hoàn thiện gây ra những khó khăn trong tiến trình phát triển kinh tế.
“Dù đạt được nhiều kết quả, song kết cấu hạ tầng của tỉnh vẫn chưa hoàn thiện, nhất là Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô. Tỉnh cần xác định rõ nhu cầu thu hút đầu tư vào Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô để tạo thế mạnh phát triển kinh tế”, ông Thanh nêu quan điểm.
Triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp
Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao và đồng tình với báo cáo của tỉnh do Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương trình bày.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ kết luận buổi làm việc |
Qua báo cáo của tỉnh và các phát biểu của các thành viên trong đoàn công tác, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ấn tượng với sự đổi thay của tỉnh nói chung và TP. Huế nói riêng, nhất là bộ máy đã năng động, đoàn kết và sáng tạo hơn.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá, 6 tháng đầu năm, tỉnh đã đạt kết quả khá toàn diện, đồng thời triển khai tích cực, đạt kết quả bước đầu trong việc tổ chức thực hiện Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 38 của Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội dẫn chứng một số chỉ tiêu minh họa điều này, như tốc độ tăng trưởng kinh tế 2021-2023 ở mức cao; thu nhập bình quân đầu người, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo đúng định hướng, phù hợp với tiềm năng thế mạnh của tỉnh; tăng thu ngân sách đến 12%/năm là con số đáng nể, tỉnh cũng hướng đến cân đối ngân sách trong một vài năm tới; kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trưởng tốt; hoạt động du lịch phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch; giải ngân đầu tư công có sự nỗ lực lớn;...Về mặt đầu tư, kết cấu hạ tầng, một số công trình hoàn thành đưa vào sử dụng, đặc biệt là nhà ga T2, Cảng Hàng không Quốc tế Phú Bài đã tạo ra điểm nhấn trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ấn tượng với công tác cải cách hành chính của tỉnh với những chỉ số mà tỉnh đã đạt được.
"Các chuyển động về văn hóa rất đáng ghi nhận; giáo dục, y tế cũng có sự chuyển biến lớn. Thừa Thiên Huế dần trở thành trung tâm văn hóa lớn, để tiến đến một đô thị di sản. Tôi chúc mừng, ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao những thành tích mà Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thừa Thiên Huế đạt được trong thời gian qua", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị tỉnh tiếp tục bám sát tinh thần các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, tập trung vào các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới.
Thường trực Tỉnh ủy tặng quà lưu niệm Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sau khi kết thúc buổi làm việc |
Thứ nhất, tỉnh cần rà soát, đánh giá kỹ hơn nữa kết quả thực hiện các nghị quyết; cụ thể hóa, thể chế hóa cho được các nghị quyết của Trung ương, đặc biệt là Nghị quyết 54. Trên cơ sở đó có định hướng, quản lý khai thác các nguồn lực, hướng đến năm 2025 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Trong công tác quy hoạch, khu vực Chân Mây - Lăng Cô cần định hướng theo mô hình thành phố trong thành phố.
Thứ hai, tỉnh cần chuẩn bị tốt đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương, nỗ lực đển cuối năm 2024 trình Quốc hội xem xét. Trong các nhiệm vụ, đưa huyện A Lưới ra khỏi danh sách huyện nghèo là vấn đề phải đặc biệt quan tâm, đây là nhiệm vụ chính trị.
Thứ ba, phải nỗ lực, phát huy khả năng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội đúng hướng.
Thứ tư, tiếp tục làm tốt công tác xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, đây là vấn đề trọng tâm, then chốt. Các hoạt động của đoàn ĐBQH cũng phải được quan tâm, đặc biệt là làm tốt công tác cán bộ cho nhiệm kỳ tới. Ngoài ra, chú trọng đến nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.
Trong khuôn khổ chương trình làm việc của Chủ tịch Quốc hội tại tỉnh, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đã tài trợ Dự án đầu tư xây dựng Trạm Y tế xã Bình Thành, TX. Hương Trà |
Về các kiến nghị của tỉnh, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cơ bản đồng tình, đồng thời cho ý kiến cụ thể với các kiến nghị như, đầu tư xây dựng đường lăn Cảng Hàng không quốc tế Phú Bài; đê chắn sóng cảng Chân Mây; các chủ trương mở đường tại tuyến biên giới; chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa….
Chủ tịch Quốc hội giao Văn phòng Quốc hội tổng hợp gửi các cơ quan liên quan nghiên cứu, xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.
Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu đã cảm ơn, tiếp thu ý kiến phát biểu chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, đồng thời cho biết, sẽ lồng ghép ý kiến vào các chương trình, đề án để triển khai thực hiện có hiệu quả, hướng đến mục tiêu đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.