leftcenterrightdel
 Doanh nghiệp địa phương chủ động đổi mới công nghệ để sản xuất theo hướng xanh, sạch

Xác định xã hội hóa (XHH) là một trong những biện pháp tích cực, góp phần thực hiện hiệu quả công tác bảo vệ môi trường (BVMT), thời gian qua công tác XHH BVMT ở Thừa Thiên Huế đã mang lại nhiều kết quả thiết thực…

Mới đây, qua trao đổi với chuyên gia môi trường đến từ Hà Nội, điều mà chúng tôi nhận thấy, khi nguồn vốn ngân sách Nhà nước hạn chế việc huy động các nguồn lực XHH thông qua đóng góp từ doanh nghiệp (DN), hộ gia đình kinh doanh và người dân sẽ hỗ trợ thực hiện thành công nhiệm vụ BVMT.

Thừa Thiên Huế vận dụng hiệu quả khi ban hành các chính sách và cơ chế huy động thích hợp mọi nguồn lực trong cộng đồng. Nhiều mô hình, hoạt động XHH trong BVMT đạt kết quả tốt do các tổ chức đoàn thể thực hiện tại cơ sở; mô hình trường học, bệnh viện, đường thôn ngõ xóm sạch, đẹp... Vận dụng rõ nét nhất là công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn. Từ hoạt động thu gom, vận chuyển đến xử lý rác thải đều được các địa phương huy động nguồn lực XHH.

Nhiều DN tham gia XHH thông qua việc chủ động đầu tư thay đổi dây chuyền, công nghệ sản xuất giảm tiêu hao nguyên, nhiên liệu, giảm chất thải, phát thải khí nhà kính, đầu tư công nghệ sản xuất thực hiện kinh tế xanh… Khá nhiều DN hỗ trợ kinh phí, phối hợp với cộng đồng, các cơ quan, đơn vị để triển khai các hoạt động BVMT trên địa bàn như: Công ty Panasonic Việt Nam tham gia chương trình trồng 1 tỷ cây xanh do Chính phủ phát động; đầu tư trang, thiết bị thu gom phân loại rác tại nguồn ở TP. Huế do Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam tài trợ…

Ông Đặng Phước Bình, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường chia sẻ: “Nhờ có XHH nguồn lực của cộng đồng mà Nhà nước đã giảm được rất nhiều chi phí, kinh phí cho công tác BVMT; trong đó cái được lớn nhất là làm thay đổi được nhận thức, trách nhiệm chung tay BVMT của cả cộng đồng”.

Bên cạnh hoạt động XHH, ngân sách Nhà nước vẫn đóng vai trò chủ đạo trong việc đầu tư thực hiện nhiệm vụ BVMT dưới các hình thức dự án, chương trình BVMT, vì đây là hoạt động có tính liên ngành, liên vùng và mang tính cộng đồng, xã hội cao.

Hiện ở Việt Nam, chi phí đầu tư cho hoạt động BVMT được ước tính theo 3 phương án. Phương án thứ nhất với chi phí đầu tư BVMT ở mức thấp, bằng 1% GDP. Phương án thứ hai là chi phí BVMT tính theo đầu người, như giai đoạn 2011-2015 là 25 USD/người/năm, giai đoạn 2016-2020 là 35 USD/người/năm. Phương án thứ ba, chi phí đầu tư cho BVMT bằng khoảng 3% GDP. Đây là phương án có mức đầu tư tương đối cao, đòi hỏi sự cố gắng của các cấp, các ngành để huy động nhiều vốn trong và ngoài nước đầu tư cho việc BVMT. Với mức đầu tư theo phương án này sẽ có những tác động tích cực đến người gây ô nhiễm để họ thấy rõ trách nhiệm BVMT cao hơn nếu không muốn phải trả tiền do gây ô nhiễm lớn.

Vận dụng các phương án trên, thời gian qua, tỉnh cũng khá quan tâm, có những giải pháp về tài chính, như trích không dưới 1% tổng chi ngân sách địa phương và tăng dần hằng năm để thực hiện các đề án, dự án về môi trường. Thời gian gần đây, bình quân kinh phí chi cho nhiệm vụ BVMT mỗi năm trên 150 tỷ đồng. Kinh phí được phân bổ cũng tăng lên hàng năm, nên một số vấn đề lớn, cấp bách về môi trường của địa phương, như  ý thức BVMT của các cấp, ngành và cộng đồng; rác thải sinh hoạt; ô nhiễm trong khu dân cư, khu công nghiệp; hoạt động quan trắc môi trường; diệt trừ sinh vật ngoại lai... từng bước được giải quyết.

Bài, ảnh: SONG MINH