FDI hỗ trợ tăng trưởng và tương lai phát triển, thịnh vượng của Trung Quốc và ASEAN. Ảnh minh họa: VCG/TTXVN/Vietnam+ |
Trong một thập kỷ kể từ năm đó, Trung Quốc và ASEAN đã và đang tận hưởng sự kết nối ngày càng tăng, hội nhập kinh tế sâu rộng và quan hệ kinh doanh mạnh mẽ.
Kỳ vọng cao
Từ năm 2020, ASEAN đã vượt qua Liên minh châu Âu (EU) để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc, đánh dấu việc chính thức hình thành mô hình hợp tác kinh tế - thương mại khu vực mới, trong đó Trung Quốc và ASEAN là đối tác thương mại lớn nhất của nhau. Hơn nữa, Trung Quốc cũng là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cao thứ hai của Indonesia.
Vào năm 2022, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) có hiệu lực, mang lại cho Trung Quốc mức tăng trưởng hàng năm chạm mốc 15% với ASEAN.
Có thể nói rằng, khi quan hệ đối tác giữa hai nền kinh tế tiếp tục sâu rộng, ngoài thương mại, các chuyên gia kỳ vọng sẽ nhìn thấy dấu ấn ngày càng tăng của Trung Quốc tại ASEAN thông qua đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), gieo hạt giống cho tăng trưởng ở Trung Quốc và tương lai chung của ASEAN.
Trung Quốc và ASEAN, với tư cách là hai trong số các khu vực phát triển nhanh nhất thế giới, được nhận định là có tính bổ sung cao cho các cấu trúc công nghiệp.
Về phía ASEAN, khu vực Đông Nam Á này có năng lực sản xuất và chế tạo mạnh, dân số tiêu dùng trong nước trẻ và đang tăng, cũng như tốc độ đô thị hóa ngày càng tăng. Dòng vốn và thương mại ngày càng phát triển của khu vực, cùng với việc tiếp tục chuyển đổi kỹ thuật số và tập trung nhiều hơn vào tính bền vững đang tạo ra những cơ hội vô cùng to lớn cho khu vực.
Trong khi đó, nền kinh tế hiện đại của Trung Quốc được xây dựng dựa trên sức mạnh vững chắc của lĩnh vực sản xuất, cộng thêm nhiều hỗ trợ và thế mạnh giúp nước này trở thành nhà sản xuất lớn nhất thế giới hiện nay. Khi Trung Quốc tiếp tục phát triển và nâng cao chuỗi giá trị theo hướng sản xuất nhiều hàng hóa và dịch vụ công nghệ cao hơn, đồng thời đầu tư vào lĩnh vực Nghiên cứu và Phát triển (R&D) nhiều hơn, có khả năng một số ngành sản xuất của Trung Quốc có sử dụng nhiều lao động, công nghệ thấp sẽ dễ dàng giành được cơ hội.
Được biết, ASEAN được kỳ vọng sẽ nổi lên như một trụ cột tăng trưởng thứ ba của châu Á, cùng với Trung Quốc và Ấn Độ. Bối cảnh đang thay đổi trong lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc sẽ mang đến những cơ hội quan trọng cho ASEAN để nắm bắt một số ngành sản xuất của Trung Quốc và trở thành nguồn tiêu thụ chính của thế giới.
FDI - Hạt giống cho tăng trưởng
Trong bối cảnh ngày càng có nhiều công ty Trung Quốc tìm kiếm sự đa dạng hóa về mặt địa lý và áp dụng chiến lược “Trung Quốc +1”, khu vực Đông Nam Á sẽ tiếp tục giành được thị phần, cũng như một phần lớn hơn của đầu tư trực tiếp nước ngoài toàn cầu, khi trọng tâm sản xuất của toàn cầu tiếp tục thay đổi.
Như thông tin đăng tải trên trang Jakarta Post, FDI chảy vào ASEAN tính theo tỷ lệ phần trăm của tổng dòng vốn thế giới đã tăng lên mức cao kỷ lục 11% vào năm 2021, gần như ngang bằng với Trung Quốc, ở mức 12%. Sau đó 1 năm, tức vào năm 2022, hầu hết các dự án FDI của Trung Quốc đại lục tại ASEAN đều rơi vào những lĩnh vực mà nước tiếp nhận có lợi thế cạnh tranh. Trong những năm qua, Trung Quốc đã đầu tư mạnh vào lĩnh vực sản xuất đang bùng nổ của ASEAN, từ chuỗi cung ứng xe điện ở Indonesia và Thái Lan, đến đồ điện tử tiêu dùng ở Việt Nam, cũng như ngành dược phẩm đầy triển vọng của Singapore.
Điều này được thể hiện rõ nhất khi đầu tư của Trung Quốc đóng vai trò then chốt trong việc tạo điều kiện cho sự bùng nổ của nhà máy luyện niken ở Indonesia, nguyên liệu đầu vào chính để sản xuất pin EV. Cùng lúc, BYD, nhà sản xuất xe điện EV hàng đầu của Trung Quốc cũng đang có kế hoạch xây dựng một trung tâm sản xuât ở Thái Lan. Điều này sẽ đưa Thái Lan trở thành trung tâm sản xuất đầu tiên của ASEAN…
Nhìn chung, chuỗi cung ứng lan rộng khắp châu Á đã giúp nâng cao năng lực và chất lượng sản xuất ở các quốc gia gần Trung Quốc nhất. Tiếp tục đầu tư, quan hệ đối tác phù hợp và sự có mặt của các hiệp định thương mại mới như RCEP có thể sẽ mang lại cho khu vực Đông Nam Á rộng lớn hơn một mức độ tiến bộ về kinh tế mà Trung Quốc đã và đang được hưởng.
ASEAN có tiềm năng to lớn để trở thành một trong những trung tâm sản xuất quan trọng của thế giới. Tuy nhiên, để thu hút sản xuất toàn cầu nhiều hơn và duy trì khả năng cạnh tranh, khu vực cần triển khai những cải tiến sâu rộng hơn về hiệu quả trong khu vực.
Bất chấp những tác động tiêu cực của đại dịch toàn cầu trong vài năm qua và những bất ổn khác của thị trường, giới chuyên gia nhận thấy năm 2024 là thời kỳ đầy hứa hẹn đối với Đông Nam Á, với rất nhiều tiềm năng từ tính bền vững và công nghệ kỹ thuật số, đến thương mại và tiềm năng thịnh vượng. Điều này cũng tạo ra những cơ hội chưa từng có cho các công ty Trung Quốc đang tìm kiếm sự tăng trưởng liên tục và sự hiện diện toàn cầu trong thời kỳ hậu COVID-19.
Nói một cách tổng quát, chìa khóa để mở ra cơ hội không chỉ là hiểu được động lực của từng thị trường, mà còn là hiểu cách giúp các doanh nghiệp trên khắp thị trường kết nối và làm việc cùng nhau.