leftcenterrightdel

 Dự án đầu tư công Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới tại xã Kim Long, huyện Châu Đức đang được khẩn trương thi công. Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN

Bộ Tài chính cho biết tỷ lệ ước giải ngân vốn đầu tư công 2 tháng mới đạt 6,55% kế hoạch năm 2023, nếu so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thì tỷ lệ giải ngân đạt 6,97%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022 (8,61%); trong đó vốn trong nước đạt 7,24% (cùng kỳ năm 2022 đạt 9,22%), vốn nước ngoài đạt 0,40% (cùng kỳ năm 2022 đạt 0,20%).

Theo Bộ Tài chính, tính đến hết tháng 2, có 10 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 10%.

Một số bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao gồm Điện Biên (23,44%), Tiền Giang (21,04%), Lâm Đồng (20,31%).

Ngoài ra, có 50/52 Bộ và 19/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 5%, trong đó có 44 Bộ chưa giải ngân kế hoạch vốn.

Theo Bộ Tài chính, trong tháng 2/2023, các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương đang tập trung triển khai phân bổ chi tiết kế hoạch vốn cho các dự án và đang hoàn thiện thủ tục đầu tư để giải ngân kế hoạch vốn nên tỷ lệ giải ngân đạt thấp.

Để có kết quả giải ngân tốt, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính căn cứ quy định của pháp luật về đầu tư công khẩn trương hướng dẫn và tổng hợp chung nhu cầu của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương về việc kéo dài thời gian bố trí vốn của các dự án sử dụng ngân sách trung ương sang năm 2023 và kéo dài thời gian thực hiện, giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2022 sang năm 2023 theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tại công văn số 129/VPCP-KTTH ngày 7/1/2023 của Văn phòng Chính phủ.

Bên cạnh đó, sớm trình cấp có thẩm quyền giao kế hoạch vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội cho các dự án để các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có cơ sở giao kế hoạch vốn năm 2023 cho các dự án thuộc Chương trình.

Đối với các bộ, cơ quan trung ương, Bộ Tài chính đề nghị phải thực hiện đôn đốc phân bổ, nhập dự toán Tabmis và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước năm 2023.

Trong số đó, khẩn trương phân bổ hết kế hoạch vốn năm 2023 cho các dự án để triển khai thực hiện ngay từ đầu năm.

Đối với các Chương trình mục tiêu quốc gia, Bộ Tài chính đề nghị các chủ Chương trình/dự án/tiểu dự án thành phần (Ủy ban Dân tộc, Bộ Thông tin và Truyền thông) và Ủy ban Nhân dân các tỉnh ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành đầy đủ cơ chế chính sách và kịp thời hướng dẫn tổ chức triển khai, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Theo TTXVN/Vietnam+