Việc nâng cao độ các tuyến đường Võ Nguyên Giáp, Tố Hữu sẽ dẫn đến tăng chênh lệch cao độ với khu dân cư hiện hữu

Cứ mưa là ngập

Những năm gần đây, tới mùa mưa bão, khi mặt đất đã “no” nước, lượng mưa đột biến trung bình từ 500-1.000mm đều xảy ra ngập diện rộng trên địa bàn tỉnh, đặc biệt ở khu vực đô thị.

Đợt lụt giữa và cuối tháng 10/2022 vừa qua, mực nước trên sông Hương tại trạm Kim Long đạt đỉnh +4m. Sáng 15/10 trên báo động III khoảng 0,5m, thấp hơn đỉnh lũ năm 2020 là 0,17m (đỉnh lũ 2020 +4,17m), tuy nhiên đã gây ngập úng khu vực đô thị trên diện rộng, nhiều nơi sâu hơn 1m, cư dân vùng thành phố phải đi lại bằng thuyền.

Bà T.T.N, cư dân khu đô thị (KĐT) An Cựu City (thuộc khu A KĐTM An Vân Dương do Công ty cổ phần Đầu tư IMG Huế làm chủ đầu tư) cho biết, là đô thị kiểu mẫu, sở hữu căn hộ người dân mong muốn được sống ở khu vực tiện nghi hiện đại. Tuy nhiên, cứ đến mùa lũ, cứ mưa lớn là ngập cục bộ, mưa kéo dài là ngập dài ngày, nước tràn vào nhà, đặc biệt là khu vực trục đường thấp trũng như đường số 7, số 10… Trận lũ năm 2020, nhiều hộ dân phải di chuyển xe ô tô lên công viên tránh lũ nhưng cũng bị thiệt hại. Trận lũ giữa tháng 10 vừa qua tuy mực nước có thấp hơn nhưng cũng ngập đường sá, đi lại rất khó khăn.

Tương tự, người dân sống ở khu vực gần trục đường Tố Hữu, Võ Nguyên Giáp… cũng chịu cảnh ngập lụt ngày một trầm trọng hơn khi các tuyến này nâng cao độ mặt đường. Dù biết là việc nâng cao độ một số tuyến đường trong khu vực KĐTM An Vân Dương nhằm cải thiện và mở rộng mạng lưới giao thông, từng bước hoàn thiện đồng bộ cơ sở hạ tầng đô thị và giảm thiểu tình trạng ngập lụt tại các tuyến đường chính kết nối các KĐTM và khu hành chính tập trung tỉnh, tuy nhiên, với việc làm “chữa cháy” trên vô hình chung tạo những tuyến đê chắn nước gây ngập úng cho các khu dân cư lân cận và làm cho mặt đường cao hơn khu vực nền nhà người dân.

Theo Ban Quản lý dự án Chương trình phát triển đô thị loại II (đô thị xanh) - tiểu dự án Thừa Thiên Huế - chủ đầu tư hạng mục xây dựng gói thầu nâng cao độ mặt đường Tố Hữu, Võ Nguyên Giáp, trước mắt, để giảm thiểu tình trạng ngập úng khi nâng cốt cao độ 2 tuyến đường, đơn vị này đã thiết kế bổ sung các cống ngang đường. Theo đó, bổ sung 1 cống hộp 4x4m tại vị trí cống 3 cửa trên đường Võ Nguyên Giáp trùng với vị trí mương quy hoạch nối từ hói Phát Lát đến kênh sinh thái; bổ sung 1 cống hộp 2x4x4m trên đường Tố Hữu trùng với vị trí mương quy hoạch nối từ hói Lăng Xá Cồn đến sông Như Ý.

Nhiều nơi trên địa bàn Khu đô thị mới An Vân Dương, người dân phải đi lại bằng thuyền trong đợt lụt tháng 10/2022

Đảm bảo không gian nước

Để phù hợp với định hướng phát triển đô thị hiện nay, giúp KĐT thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ thiên tai, UBND tỉnh đã điều chỉnh Quy hoạch phân khu (tỷ lệ 1/2000) Khu A - KĐTM An Vân Dương tại Quyết định số 432/QĐ-UBND ngày 21/2/2019.

Theo đó, cao độ các tuyến đường ven sông, các tuyến đường nội bộ đi qua khu vực dân cư hiện hữu vẫn giữ nguyên cốt thiết kế san nền, giao thông như quy hoạch phân khu trước đây từ +2.1 đến +2.3, riêng các điểm nút giao với đường liên khu thì được điều chỉnh nâng cao độ cho phù hợp với quy hoạch chung của toàn khu vực.

Cao độ các tuyến đường chính liên khu được điều chỉnh nâng cao độ trung bình là +2.64. Giao lộ các trục đường chính như Võ Nguyên Giáp giao Tố Hữu, Võ Nguyên Giáp giao Văn Tiến Dũng được điều chỉnh nâng lên +2,76 - 3,0m.

Đồ án điều chỉnh Quy hoạch phân khu B cũng đang thực hiện điều chỉnh để nâng cao độ một số tuyến đường chính như tuyến đường mặt cắt 60m, tuyến đường Võ Nguyên Giáp nâng lên +2,64.

Trước mắt, cần thực hiện công tác nạo vét cống rãnh thoát nước, khơi thông cửa xả vào lòng hói, rạch hiện trạng, vệ sinh tấm chắn rác, họng thu nước trên các tuyến đường dự án trên địa bàn An Vân Dương. Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án thoát nước, các công trình thuộc Dự án Chương trình phát triển đô thị loại II để đảm bảo đấu nối với hạ lưu.

Cần ưu tiên tập trung đầu tư mới hệ thống kênh trong khu A, hệ thống công viên cây xanh trung hạn 2021-2025. Nạo vét hệ thống sông hiện có, kêu gọi đầu tư thực hiện các dự án công viên cây xanh, hồ cảnh quan… Đồng thời, nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch và thực hiện hoàn chỉnh hệ thống không gian dành cho nước, bao gồm cả hành lang thoát lũ theo quy hoạch.

Ông Võ Văn Việt, Giám đốc Ban QLDA Chương trình phát triển đô thị loại II khẳng định, việc điều chỉnh nâng cao độ tuyến đường Tố Hữu, Võ Nguyên Giáp và nâng cao độ các tuyến đường thuộc Khu Hành chính tập trung tỉnh kết nối với tuyến đường Tố Hữu, Võ Nguyên Giáp và đường mặt cắt 36m nhằm thích ứng tình hình ngập lụt, tăng trưởng xanh theo hướng bền vững và giảm thiểu ùn tắc giao thông là thật sự cần thiết.

Hiện nay, các dự án đang triển khai trên địa bàn KĐTM An Vân Dương gồm hệ thống hạ tầng kỹ thuật, thoát nước mưa, nước thải,… đang tuân thủ theo quy hoạch phân khu được duyệt và quy hoạch chi tiết 1/500 của dự án được duyệt, tuy nhiên chưa hoàn chỉnh, hầu như chưa được đấu nối với hạ lưu. Bên cạnh đó, một số dự án đã và đang triển khai theo quy hoạch nhằm mục đích thoát lũ và môi trường sinh thái, nhưng chưa hoàn thành.

Bài, ảnh: Hà Nguyên