Sự suy giảm dân số và dân số lão hoá ở nhiều nước châu Á có thể ảnh hưởng đến nguồn cung lao động. Ảnh minh hoạ: Yonhap/TTXVN

Châu Á - Thái Bình Dương là khu vực lớn nhất trên thế giới cả về quy mô địa lý và dân số. Do đó, tình trạng dân số giảm và dân số già ngày càng tăng ở châu Á - Thái Bình Dương đang ảnh hưởng đến nguồn cung lao động của thế giới.

Theo Liên Hiệp Quốc, quy mô gia đình ở Đông Á đã giảm xuống còn 1,7 con/phụ nữ trong khi quy mô gia đình ở Nam Á vẫn ở mức 2,5 con/phụ nữ.

Trên thị trường lao động (hay thị trường việc làm), người lao động và người tìm việc cung cấp nguồn cung lao động, trong khi người sử dụng lao động cung cấp nhu cầu lao động. Sự hiểu biết thực sự về nguồn cung lao động trong tương lai sẽ cho phép các chính phủ và các công ty đối phó với những trở ngại để duy trì đủ nguồn lực lao động.

Những thách thức chính

Theo các nhà phân tích, nguồn cung lao động ở châu Á - Thái Bình Dương sẽ phải đối mặt với hai thách thức lớn trong thời gian tới. 

Thứ nhất, khu vực này sẽ đối mặt với sự sụt giảm dân số trong độ tuổi sản xuất (hay dân số trong độ tuổi lao động). Mặc dù thế hệ trẻ ở nhiều quốc gia, ví dụ như Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Singapore và Philippines, đã được thúc đẩy để có được các kỹ năng cần thiết cho công việc trong tương lai (như những kỹ năng của thế kỷ 21), thì nguồn nhân lực vẫn là không đủ để thay thế cho dân số già.

Trong vài thập kỷ qua, các nước Đông Á và ASEAN có tiềm năng thu hút các tập đoàn đa quốc gia, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất. Do việc giảm dân số trong độ tuổi lao động trong khu vực sẽ gây tác động đến năng suất, nên nhiều khả năng robot và trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ ngày càng được sử dụng nhiều hơn trong các ngành công nghiệp.

Do đó, người lao động phải thích ứng với môi trường công nghệ mới. Họ nên sẵn sàng làm việc với robot và AI. Trong khi đó, họ cũng phải học các kỹ năng cụ thể, ví dụ như tư duy phản biện và kỹ năng giải quyết vấn đề phức tạp mà trí tuệ nhân tạo vốn không thể thay thế được con người.

Xét về chất lượng nguồn nhân lực trong khu vực, Singapore là một ví dụ điển hình về hệ thống giáo dục chất lượng cao, đánh mạnh vào các kỹ năng cần thiết cho công việc tương lai như kỹ năng phân tích, kỹ năng làm việc nhóm và kỹ năng sáng tạo. Có thể nói, tay nghề của lực lượng lao động phụ thuộc vào trình độ phát triển của mỗi quốc gia.

Thứ hai, số lượng người lao động cao tuổi sẽ được tăng lên. Khi số lượng lao động trong độ tuổi sản xuất không đủ để đạt được năng suất cao, chính phủ và các công ty cần những người lao động cao tuổi tiếp tục làm việc. Nhưng người lao động cao tuổi có thể thiếu các kỹ năng cần thiết trong thế kỷ 21, ví dụ như các kỹ năng về công nghệ…  Do vậy, họ cần được đào tạo để thành thạo các kỹ năng đó, và các công ty nên đầu tư vào việc đào tạo công nhân cao tuổi để có đủ số lượng nhân viên có năng lực.

Tuy nhiên, một nghiên cứu về nguồn cung lao động ở người cao tuổi tại Thái Lan do Học viện Ngân hàng Phát triển châu Á tài trợ cho thấy những người lớn tuổi có đủ lương hưu ít có khả năng tiếp tục làm việc hơn, trong khi những người lớn tuổi ở khu vực phi chính thức (không có lương hưu) có xu hướng tiếp tục tham gia thị trường lao động để kiếm thu nhập trang trải cuộc sống. Hiện tượng này có thể không chỉ ở Thái Lan mà cũng có thể xảy ra ở các nước châu Á khác.

Ngoài ra, các chính phủ ở châu Á-Thái Bình Dương nên quan tâm đến nguồn cung lao động trong tương lai bằng cách xây dựng và thực hiện các chính sách liên quan đến người lao động lớn tuổi, bao gồm các chính sách về tiền lương và phúc lợi, đào tạo và phát triển, môi trường làm việc… Đồng thời, các chính phủ cũng nên nỗ lực cải thiện kỹ năng của thế hệ trẻ để có thể phù hợp với nhu cầu trong tương lai.

TỐ QUYÊN (Lược dịch từ Jakarta Post)