Được tổ chức trong khuôn khổ Festival Huế bốn mùa, mới đây, không gian trưng bày và sắp đặt đèn lồng diễn ra trước thềm Tết Trung thu thực sự tạo dấu ấn đẹp cho người thưởng lãm. Một nghìn chiếc lồng đèn từ quý tộc đến bình dân, phong phú về hình dáng, màu sắc… cho thấy, chỉ riêng văn hóa lồng đèn, đã có nhiều câu chuyện được kể, nhiều tiềm năng cần được đào sâu, khai phá.

Lễ hội lồng đèn là một trong rất nhiều những cuộc trưng bày, triển lãm, trình diễn đã được cất công đầu tư tổ chức trong khuôn khổ Festival Huế. Với yêu cầu, Festival Huế có gì mới sau mỗi kỳ tổ chức, nhiều ý tưởng, nhiều công sức được dốc tâm cho những cuộc trưng bày, triển lãm, tạo đấu ấn độc đáo, đặc sắc, góp phần làm nên hồn cốt cho  thương hiệu Festival Huế.

Như câu chuyện về Huế lần này cùng đèn lồng của Nghệ nhân Trịnh Bách. Tâm huyết với di sản văn hóa truyền thống, ông là người đã cất công phục dựng trang phục cung đình triều Nguyễn. Ông cũng là người đã cất công nghiên cứu, tái hiện những chiếc lồng đèn xưa đầu thế kỷ 20. Có những mẫu đèn, được ông phục dựng từ nguyên mẫu hiện vật được lưu giữ ở các bảo tàng Pháp. Không chỉ dùng để rước Trung thu, những chiếc đèn lồng mô phỏng dòng tranh Đông Hồ, tái hiện các con giống… còn dược sử dụng làm các loại đèn quý, có tính trang trí.

Không chỉ lồng đèn, Huế hiện đang lưu giữ nhiều giá trị di sản từ Nhã nhạc, ca Huế, áo dài, nón lá, ẩm thực, tranh làng Sình, hoa giấy Thanh Tiên, nghề làm diều, mây tre đan, đúc đồng…Những giá trị di sản, cùng tiến trình xây dựng Huế - thành phố du lịch, thành phố Festival - đã từng bước được lưu giữ, phục hiện, trưng bày, triển lãm, quảng bá… Tuy nhiên, sau trưng bày, quảng diễn, sắp đặt, làm gì nữa để di sản phát huy giá trị trong thực tiễn, đi vào cuộc sống, trở thành sản phẩm hàng hóa, trở lại phục vụ cuộc sống và tạo giá trị kinh tế, là vấn đề đặt  ra.

Mới đây, trò chuyện cùng một chuyên gia văn hóa - du lịch, ông cho rằng, để lâu dài và có hiệu quả bền vững, cần nhìn nhận di sản văn hóa dưới góc độ kinh tế, để có chiến lược chuỗi về bảo tồn, phục dựng, phát huy giá trị. Đây cũng là bài toán Thừa Thiên Huế cần nhìn nhận sâu để có chiến lược khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng văn hóa, di sản.

Cần chiến lược như thế nào về cơ chế, chính sách kêu gọi, hỗ trợ đầu tư; liên kết Nhà nước - nhà nghiên cứu - người dân - doanh nghiệp để khai thác hiệu quả di sản, chứ không chỉ dừng lại ở những cuộc trưng bày, sắp đặp, quảng diễn, hội thi đến hẹn lại lên, không ít tốt kém nhưng hết lễ hội, thì “hết xôi rồi việc”?.

Rõ ràng, sau những lễ hội quảng bá, trưng bày, sắp đặt, trình diễn, khoảng trống của lồng đèn, áo dài, ẩm thực, xe cổ, đua ghe, quảng diễn mặt nạ tuồng… trong thực tiễn đang chờ giải pháp, chiến lược để lấp đầy, tạo sự tương tác thực tiễn giữa văn hóa - kinh tế để hình thành bằng được nền công nghiệp văn hóa Huế, trên nền tảng bảo tồn di sản, tạo việc làm, tạo nguồn thu cho dân sinh và đem lại nguồn thu ngân sách từ di sản. Đó chính là chìa khóa để mở cánh cửa thành phố trực thuộc Trung ương mà Thừa Thiên Huế đang hướng đến, cùng với mục tiêu đô thị cảnh quan, đô thị thông minh, tạo thế chân kiềng…

KIM OANH