Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh đã đến dự.

Sản xuất nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao phát triển ở nhiều địa phương

Năm 2021, đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, đã ảnh hưởng lớn đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trong đó có ngành NN&PTNT.

Theo báo cáo tại hội nghị, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp năm 2021 đạt 3,62%, tăng 0,67% so với kế hoạch đề ra, tổng giá trị sản xuất ước đạt 7.627 tỷ đồng, tăng 4,4%, đảm bảo an sinh xã hội, thực hiện có kết quả “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch, vừa góp phần vào tăng trưởng kinh tế địa phương.

Một số lĩnh vực phát triển nổi bật như chăn nuôi đang có bước chuyển dịch từ phân tán, nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung, theo hướng công nghiệp, trang trại; chất lượng con giống, kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng ngày được nâng cao. Các mô hình chăn nuôi công nghệ cao, VietGAP, hữu cơ, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh dần định hình, từng bước tạo ra sản phẩm đạt chất lượng, nâng cao giá trị gia tăng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng; thủy sản tiếp tục duy trì và phát triển ổn định. Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản năm 2021 đạt 7.726 ha, tăng 1,2% so với năm 2020, trong đó nuôi nước lợ 5.751 ha (diện tích nuôi tôm đạt 3.380 ha), nuôi nước ngọt 1.975 ha. Sản xuất giống ước đạt 194,6 triệu con tôm, cua cá các loại, tăng 2,6%. Tổng sản lượng thủy sản ước đạt 58.615 tấn tăng 3,3%.

Năm 2021, đã trồng mới khoảng 6.700 ha rừng sản xuất, 300 ha rừng phòng hộ, đặc dụng. Trồng rừng gỗ lớn đạt 1.285 ha, trong đó có 290 ha cây bản địa, 995 ha rừng sản xuất gỗ lớn các loài keo; đã có thêm hơn 842 ha được cấp chứng chỉ FSC nâng tổng diện tích rừng trồng gỗ lớn được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững toàn tỉnh đạt hơn 10.700 ha. Ngoài ra, đã giao khoán BVR với 169.000 ha; sản lượng khai thác gỗ rừng trồng đạt khoảng 597 nghìn m3 (tăng 1,7%)...

Năm 2022, mục tiêu ngành tiếp tục thực hiện hiệu quả kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp; phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn, hữu cơ.

Nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh của nông sản thông qua tăng năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng; duy trì tăng trưởng và đảm bảo an sinh xã hội địa phương. Phấn đấu tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp đạt 7.800 tỷ đồng, tăng 2,3% so với năm 2021.

Năm 2021, có 31 dự án đăng ký tham gia phát triển sản phẩm OCOP, UBND tỉnh đã công nhận 15 sản phẩm OCOP và lập hồ sơ đề nghị Bộ NN&PTNT đánh giá, phân hạng 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao, nâng tổng số sản phẩm OCOP đến nay là 40 sản phẩm. Một số sản phẩm OCOP của tỉnh đã được bán trên các trang thương mại điện tử Shopee, Lazada, Post mart và một số đã xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Nhật.

Tin, ảnh: Hà Nguyên