Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” hỗ trợ nhiều phụ nữ A Lưới đã vươn lên thoát nghèo

Chuyển biến

Được chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” hỗ trợ 30 triệu đồng năm 2018, chị Hồ Thị Huế, ở thôn Kê, xã Hồng Vân, huyện A Lưới vay mượn thêm xây được ngôi nhà kiên cố. Có nhà khang trang, chị Huế như được tiếp động lực. Chị tận dụng mặt bằng trước hiên nhà và năng khiếu chế biến món ăn của bản thân để mở quán bán hàng ăn. Buôn bán thuận lợi lại chịu khó vun vén chi tiêu, chị Huế vừa trả hết nợ vừa có điều kiện đầu tư mở rộng hàng quán. Đầu năm 2020, chị Huế chính thức thoát khỏi hộ nghèo.

Sở hữu 6 con bò, một cặp heo giống, hơn 100 con gà thịt và 2 ha keo tràm là cơ sở giúp vợ chồng chị Hồ Thị Pả, thôn Ta Lo A Hố, xã Hồng Vân thoát nghèo vào đầu năm nay. Chị Pả kể, vợ chồng chị kết hôn với hai bàn tay trắng, sống bằng nghề phát rẫy thuê. Đến lúc sinh con lại càng vất vả hơn, rơi vào hộ nghèo. Được chính quyền, hội phụ nữ xã và chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” hỗ trợ vốn vay, tặng con giống, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc nên vợ chồng chị chăn nuôi hiệu quả, gầy giống tăng đàn hàng năm nên thoát nghèo.

Cũng được hỗ trợ 2 con dê, tạo sinh kế, gia đình anh Trần Đại Nghĩa, thôn Mu Nú - Ta Rá, xã Hương Nguyên, huyện A Lưới vay mượn đầu tư thêm cặp dê giống. Là tài sản quý, vợ chồng anh Nghĩa dành công chăm sóc nên đàn dê phát triển tốt và sinh sản nhanh, sau gần 2 năm 2 cặp dê ban đầu đã được nhân lên hơn 10 con. Hiện 2 con dê mẹ sắp sinh lứa tiếp theo. “Tôi sẽ chăm sóc tốt đàn dê để vươn lên thoát nghèo trong thời gian tới”, anh Nghĩa tâm sự.

Chị A Rét Thị Hằng, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Hương Nguyên cho biết, chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” đã trao tặng 12 con dê giống cho hội viên, phụ nữ nghèo của xã. Cán bộ phụ nữ xã thường xuyên phối hợp với các chiến sĩ biên phòng trực tiếp về bản hỗ trợ, hướng dẫn cho hội viên nắm vững kiến thức, kinh nghiệm trong chăm sóc và phòng ngừa dịch bệnh cho đàn dê để đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất.

Chương trình“Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” được Hội LHPN tỉnh phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh thực hiện từ năm 2018. Qua 4 năm thực hiện, hai đơn vị đã huy động các nguồn lực hỗ trợ trên 2,7 tỷ đồng. Trong đó, trao 7 mái ấm tình thương, xây dựng công trình phòng học cho Trường tiểu học Hồng Vân,  trao 14 sổ tiết kiệm, hỗ trợ 36 mô hình sinh kế là dê giống và bò giống cho 36 hộ gia đình hội viên, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Trung tâm Dạy nghề và Giới thiệu việc làm Hội LHPN tỉnh chủ động phối hợp với các ngành chức năng, doanh nghiệp tư vấn, hỗ trợ, giới thiệu việc làm cho trên 7.822 lao động nữ. Qua đó, giúp 26 hộ thoát nghèo, 11 hộ chuyển từ hộ nghèo lên diện cận nghèo.

Tiếp tục đồng hành

Theo chị Trần Thị Kim Loan, chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” đã và đang góp phần giảm bớt những khó khăn cho phụ nữ, trẻ em ở các xã vùng biên giới, giúp họ thêm động lực vươn lên ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế. Để chương trình được liên tục và tiếp nối bền vững, hàng năm, hai đơn vị  đã xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể và thiết thực. Phân công trách nhiệm rõ ràng cho từng bộ phận, chú trọng công tác kiểm tra, rút kinh nghiệm qua từng hoạt động.

Ngoài phối hợp, mỗi đơn vị còn có cách hỗ trợ riêng, gắn với nhiệm vụ thường xuyên của hai đơn vị. Chẳng hạn Hội LHPN tỉnh phối hợp với tổ chức AC – Thụy Điển trang bị kiến thức kỹ năng bảo vệ bản thân cho phụ nữ và trẻ em huyện A Lưới với nhiều nội dung thiết thực. Qua đó, đội ngũ cán bộ, hội viên, phụ nữ đã có sự thay đổi tích cực. Nhiều chị biết vận dụng kiến thức được trang bị để nuôi con tốt, dạy con ngoan, chấp hành tốt vai trò người công dân của xã vùng biên.

Chị Trần Thị Kim Loan thông tin, hiện hai đơn vị đang tiếp tục thực hiện chương trình giai đoạn 2021 – 2025. Trong đó, tập trung bám sát nhu cầu hội viên, phụ nữ các xã biên giới. Công tác đồng hành hỗ trợ hội viên, phụ nữ biên giới khó khăn được triển khai theo hướng trao sinh kế để có tính bền vững. Đồng thời, hướng dẫn và nhân rộng các mô hình tín dụng tiết kiệm, tạo thói quen trong quản lý, sử dụng tài chính cho phụ nữ dân tộc thiểu số. Bên cạnh hỗ trợ vật chất, chương trình còn tổ chức tuyên truyền bổ sung kiến thức, hướng dẫn kỹ năng cho phụ nữ các xã biên cương phương pháp hoạch định kinh tế chi tiêu trong gia đình, kỹ năng xây dựng gia đình hạnh phúc, phòng chống dịch.

Bài, ảnh: HẢI THUẬN