Ảnh minh họa. Nguồn: AFP/TTXVN

Các quan chức Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 4/11 lưu ý số ca nhiễm mới COVID-19 tại châu Âu đã tăng 55% trong 4 tuần vừa qua, bất chấp các chiến dịch tiêm chủng phòng bệnh, coi đây là sự cảnh báo đối với các khu vực khác trên thế giới.

Phát biểu tại họp báo, Giám đốc phụ trách tình trạng khẩn cấp của WHO, ông Mike Ryan cho biết: "Một số nước châu Âu có tỷ lệ bao phủ vaccine thấp hơn mong đợi dù sở hữu số lượng lớn vaccine sẵn sàng để tiêm. Đây là một phát súng cảnh báo để thế giới theo dõi những gì đang xảy ra ở châu Âu."

Theo số liệu cập nhật, Pháp ngày 4/11 ghi nhận 9.502 ca nhiễm mới COVID-19, theo đó số ca nhiễm mới trung bình hằng ngày trong một tuần tăng lên mức cao nhất trong vòng 6 tuần qua. Cụ thể, mức trung bình này tăng lên 6.226 ca, cao chưa từng thấy kể từ ngày 22/9.

Pháp cũng ghi nhận 49 ca tử vong mới, nâng tổng số lên 117.832 ca. Số ca tử vong trung bình theo tuần là 34 ca, cũng là mức cao nhất trong vòng 1 tháng trở lại đây. Một dấu hiệu khác cho thấy virus đang hoành hành trở lại là số bệnh nhân phải điều trị tích cực tăng 3 ca trong 24 giờ qua, lên tổng cộng 1.099 ca và tăng 62 ca trong vòng một tuần.

Trong khi đó, Bỉ cũng ghi nhận số ca nhiễm và nhập viện tăng trở lại các mức đã khiến nước này phải áp đặt phong tỏa vào tháng 10/2020. Trước tình hình này, Mỹ đã khuyến cáo công dân không nên đến trụ sở của Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Bỉ.

Số liệu của viện y tế Sciensano của Bỉ cho thấy số ca nhiễm mới trung bình hằng ngày trong 14 ngày qua là 6.728 ca, tăng 36% so với tuần trước đó. Trung bình 164 bệnh nhân COVID-19 phải nhập viện hằng ngày trong 7 ngày qua, tăng 31%, và 343 bệnh nhân phải điều trị tích cực.

Bỉ đã phải áp đặt phong tỏa lần thứ hai hồi tháng 10/2020, vài ngày sau khi ghi nhận số ca nhập viện ở mức cao tương tự.

Tại Tây Ban Nha, tỷ lệ lây nhiễm ngày 4/11 đã vượt mức 50 ca/100.000 dân, trở lại ngưỡng mà Bộ Y tế nước này xác định là "nguy cơ trung bình," chỉ 4 tuần sau khi cơ quan này hạ mức xuống "nguy cơ thấp".

Hơn 80% dân số Tây Ban Nha đã được tiêm chủng đầy đủ và nước này đã dỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế đi lại và hoạt động xã hội, tuy vẫn duy trì yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang tại các không gian kín.

Theo Vietnam+