Bìa sách

Trong bối cảnh di sản văn hóa vật thể thời Chúa Nguyễn không còn nhiều, trên cơ sở khảo sát kỹ lưỡng, chu tất, họ đã có những kết luận bước đầu về đặc trưng và giá trị nghệ thuật tạo hình của các lăng mộ thời Chúa Nguyễn, từ đó hướng tới mục đích của công trình: “Mạnh dạn xới lên vấn đề về những khoảng trống trong lịch sử nghiên cứu văn hóa nghệ thuật (VHNT) Đàng Trong, đặc biệt là mỹ thuật, làm cơ sở tiền đề cho những bước khảo sát, nghiên cứu sâu rộng về sau… ; góp phần thiết thực vào việc lấp bớt những khoảng trống cần thiết, có giá trị học thuật, đồng thời cũng nhằm lưu ý lại, xác quyết một số vấn đề có liên quan đến lịch sử VHNT đương thời”.

Dù rất ít ỏi, nhưng đối tượng khảo sát của công trình là các di sản lăng mộ “hiếm hoi còn sót lại của một thời kỳ lịch sử - một di sản văn hóa vào hàng đặc biệt quý hiếm cần được bảo tồn, trân trọng”.
Phần “Dẫn luận” dành nhiều trang đề cập đến văn hóa Đàng Trong, đặc biệt là vấn đề “vận dụng và thiêng hóa nhiều hiện tượng đậm chất tâm linh trong buổi đầu dẫn dắt lưu dân xuôi Nam của các Chúa Nguyễn”; phân tích hoàn cảnh lịch sử, tâm trạng các thủ lĩnh, từ đó phát sinh các quyết sách xây dựng đời sống tinh thần trên vùng đất mới, là cơ sở tạo nên những tương đồng và dị biệt với di sản văn hóa Đàng Ngoài.
Phần “Khái quát nghệ thuật tạo hình xứ Đàng Trong” dẫn dắt câu chuyện về nghệ thuật tạo hình thời các Chúa Nguyễn trong giai đoạn đầu phản ánh sự nối tiếp nghệ thuật thời Lê và xa hơn nữa – thời Lý Trần: kiến trúc vương phủ thế kỷ XVII ở Đàng Trong; nghệ thuật tạo hình trên chất liệu đồng; kỹ thuật mộc, chạm; chủ thể sáng tạo là lính thợ; xác lập phong cách mỹ thuật riêng thời các Chúa Nguyễn với sự ảnh hưởng của các yếu tố văn hóa bản địa, qua quy luật giao thoa và tiếp biến văn hóa (tiếp biến mỹ thuật Champa - Việt qua việc cản biến hệ thống tượng thờ; tiếp nhận nhiều yếu tố mới từ mỹ thuật Trung Hoa, Nhật Bản, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha)…
Phần chính của cuốn sách: “Đặc trưng mỹ thuật thời Chúa Nguyễn – dẫn liệu từ di sản lăng mộ” đặt ra các vấn đề quan trọng: Mục “Lăng mộ và bia mộ trong quan niệm người Á Đông” cho biết, đối tượng tập trung khảo tả và nghiên cứu là những kiến trúc “âm trạch” được xây dựng kiên cố, hiển lộ trên mặt đất dưới thời các Chúa Nguyễn. Các bia mộ được nghiên cứu cho thấy có ba yếu tính cơ bản: kế thừa kiểu dáng, hoa văn bia mộ Đàng Ngoài, giao lưu (khá nhiều lưu dân từ Trung Quốc du nhập), tiếp thu và cải biến với hình thức độc đáo.

Ảnh chụp bệ đá chùa Hà Trung

 
Mục “Những đặc trưng và giá trị nghệ thuật tạo hình của hệ thống lăng mộ thời Chúa Nguyễn” cho thấy trước đây, “trong các công trình nghiên cứu mỹ thuật Việt Nam, dù tiếp cận dưới góc độ tổng thể hay từng thời kỳ riêng, kiến trúc hay điêu khắc, đình chùa hay lăng mộ, cung đình hay dân gian, giai đoạn Chúa Nguyễn Đàng Trong vẫn bị bỏ qua, hoặc chỉ được nhắc đến một cách chiếu lệ”. Các đặc trưng được đề cập đến gồm: chất liệu xây dựng lăng mộ, chất liệu xây dựng la thành, chất liệu tạo lập bia, chất liệu đá, chất liệu vôi hồ. Đặc trưng về bố cục cấu trúc đề cập đến bố cục mộ trạch; cấu trúc la thành (đơn thành, song thành, tam thành) với các bản vẽ, ảnh minh họa công phu; cấu trúc lăng môn; cấu trúc mô hình; cấu trúc bình phong.
Về “Đặc trưng điêu khắc và trang trí”, các tác giả đã mô tả các đồ án chủ đạo (long, phụng, kỳ lân, quy, liên hoa); các đồ án điêu khắc, trang trí khác (chẳng hạn long ngư hí thủy), các dạng hoa văn và hồi văn… với nhiều đoạn khảo tả rất lý thú, sâu sắc; đặc biệt là nhận định: Trên nhiều lăng mộ vào thế kỷ 17-18, các phù điêu bằng vôi, phổ biến các chủ đề tứ linh, tứ quý hay tứ thời, hệ bát bửu của Nho và Phật, các loại cây trái nhiều hạt… luôn được thể hiện dưới dạng cách điệu hoặc theo motif long hóa, giao hóa. Đây chính là nền tảng căn bản định hình cho các mô thức thể hiện nằm trong tinh thần mỹ thuật của triều đại các Vua Nguyễn sau này… Những gì tạo nên nét riêng cho mỹ thuật vua Nguyễn sau này, chính là tinh thần biểu hiện sự biến ảo phong phú trên cùng một chủ đề…
 Về “Đặc trưng bia và văn bia”, các tác giả nghiên cứu các kiểu dáng và kích thước, trong đó lưu ý sự hiện diện của bia “Chiêu Nghi Từ mẫn Trần liệt Phu nhân” có thể xem là một “cột mốc” quan trọng của sự phát triển bia mộ ở vào giai đoạn cuối chúa Nguyễn, mở đầu cho sự xuất hiện ngày một phổ biến của phong cách “tam sơn”, “ngũ nhạc” sau này… Kỹ thuật chạm khắc và bố cục nội dung cho thấy hệ bia thời Chúa Nguyễn mang đặc trưng đường nét tỉa tót chỉn chu, thanh minh…, nổi bật nhất là sự xuất hiện của hai chữ “Việt Cổ”…
Phần “Lời kết” của công trình nhắc lại tính kế thừa và biến cải của mỹ thuật thời Chúa Nguyễn, nhấn mạnh lăng mộ thời Chúa Nguyễn phản ánh tính chất điển chế và nghiêm cẩn của không gian tâm linh Nho Khổng, niềm tin Phật trong tâm thức người đương thời, dấu ấn bàn tay phi Việt, những gợi mở mang tính nền tảng cho mỹ thuật Nguyễn về sau…
Phần “Phụ lục” có bản dịch các văn bia thời chúa Nguyễn, khoảng 100 hình ảnh của 25 mẫu lăng mộ, hàng trăm hình ảnh motif trang trí, hàng chục hình ảnh bia mộ, hàng chục hình ảnh thác bản văn bia, danh mục 130 tài liệu tham khảo. Xem hàng trăm bức hình với chú thích cẩn thận, sẽ hiểu rõ hơn công phu vô cùng lớn của những người bỏ công nghiên cứu.
Sách dày 350 trang với cách thức trình bày khoa học, in ấn nền nã, sang trọng, xứng đáng là một công trình quý giá của văn hóa Huế.
Bài, ảnh: HỒ ĐĂNG THANH NGỌC