ClockThứ Tư, 31/05/2017 13:46

Đề phòng bệnh liên cầu lợn

TTH - Thông tin từ Phòng Kế hoạch tổng hợp, BV Trung ương Huế, hàng năm BV đón, điều trị từ 5 - 10 trường hợp mắc bệnh liên cầu lợn. Các bác sĩ ở đây cảnh báo nguy cơ mắc và tử vong về bệnh liên cầu lợn rất cao nếu người dân có thói quen ăn tiết canh, nem, hay những sản phẩm chưa chín từ lợn.

Điều trị bệnh nhân nhiễm viên cầu lợn tại Khoa Hồi sức Cấp cứu BV Trung ương Huế

Bác sĩ Bùi Mạnh Hùng, Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu, BV Trung ương Huế cho biết, bệnh liên cầu lợn có thể lây truyền qua người khi tiếp xúc với lợn bệnh, hay lợn mang vi khuẩn qua các tổn thương nhỏ, trầy xước trên da của những người giết mổ, chế biến và ăn thịt lợn bệnh hay lợn mang vi khuẩn mà không được nấu chín. Khả năng nhiễm và gây bệnh của vi khuẩn ở lợn con cao hơn ở lợn trưởng thành.

Bệnh nhân nhiễm liên cầu lợn thường có ba thể: viêm màng não giống như các viêm màng não mủ khác, nhiễm trùng huyết và thể thứ 3 là kết hợp cả hai. Bệnh nhân mắc ở thể nhiễm trùng huyết thường rất nguy hiểm vì diễn tiến nhanh thành nhiễm độc toàn thân, gây suy đa phủ tạng khiến cho việc điều trị khó khăn và kéo dài. Người bệnh khi nhiễm liên cầu khuẩn có những triệu chứng điển hình của viêm màng não, như nhức đầu, buồn nôn,  sốt cao, thậm chí co giật, hôn mê… Những trường hợp bị nhiễm khuẩn huyết thì sốt, rét run, da đen, xuất hiện những bang hoại tử xuất huyết dưới da... Ngoài ra, có những người tử vong là do nhiễm độc tố vi khuẩn, gây hiện tượng sốc. Có bệnh nhân chỉ qua 3 ngày đã bị sốc nhiễm khuẩn, có người phải 10 ngày mới diễn biến nặng, tùy vào cơ địa của từng người. Bệnh ban đầu không có dấu hiệu điển hình ngoài việc sốt cao, vì thế dễ chẩn đoán nhầm với các bệnh khác. Người từng nhiễm liên cầu khuẩn lợn vẫn có thể mắc lại. Thông thường, một bệnh nhân bị liên cầu khuẩn lợn thể viêm màng não mủ phải nằm viện điều trị ít nhất là 3 tuần. Còn những người bị nhiễm trùng huyết phải điều trị đến 2 tháng, chi phí hàng trăm triệu đồng, tùy thuộc di chứng có trầm trọng hay không trầm trọng

PGS.TS. Nguyễn Đình Sơn, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh cho biết, hiện chưa có vắc xin phòng bệnh bệnh liên cầu lợn. Để phòng bệnh, quan trọng nhất là giữ gìn vệ sinh an toàn thực phẩm. Người dân không nên giết mổ lợn ốm, chết, không xử lý sản phẩm sống từ lợn với tay trần, nhất là khi có vết thương ở tay. Rửa tay sạch sau khi chế biến. Tuyệt đối không ăn lợn bệnh, thịt lợn sống, nội tạng lợn chưa nấu chín, đặc biệt là tiết canh. Trong trường hợp tiếp xúc với lợn ốm, chăm sóc, nuôi hoặc giết mổ, tiêu hủy phải có các phương tiện phòng hộ.

PGS. TS. Nguyễn Đình Sơn thông tin thêm, thời gian ủ bệnh liên cầu lợn ngắn, chỉ từ vài giờ đến 3 ngày. Khi có biểu hiện sốt cao, buồn nôn và xuất hiện các mảng xuất huyết hoại tử dưới da, tiêu chảy, cứng cổ; nhất là người có tiền sử tiếp xúc với lợn bệnh, hoặc có ăn các thực phẩm chế biến chưa nấu kỹ từ thịt lợn, tiết canh... phải đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế để được điều trị sớm, tránh bệnh diễn biến nặng, gây tử vong.

Bài, ảnh: Minh Văn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bệnh hiếm, hiểm nghèo, phẫu thuật kỹ thuật cao được lên thẳng tuyến cuối, hưởng BHYT 100%

Từ năm 2025, đối với một số trường hợp mắc các bệnh hiếm, hiểm nghèo, cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao... người bệnh được lên thẳng tuyến khám chữa bệnh chuyên sâu (tuyến cuối) mà không cần phải thực hiện thủ tục chuyển tuyến như hiện hành mà vẫn được hưởng 100% mức hưởng.

Bệnh hiếm, hiểm nghèo, phẫu thuật kỹ thuật cao được lên thẳng tuyến cuối, hưởng BHYT 100

TIN MỚI

Return to top