ClockThứ Tư, 21/10/2020 06:45

Bảo đảm mọi người dân được chăm sóc sức khỏe ban đầu

TTH - Là tuyến y tế ban đầu, gần dân nhất, mạng lưới y tế cơ sở của Thừa Thiên Huế ngày càng phát huy hiệu quả, bảo đảm mọi người dân được chăm sóc sức khỏe ban đầu, dễ dàng tiếp cận các dịch vụ y tế ít tốn kém.

Những “thiên thần áo trắng” trắng đêm trong lũHỗ trợ lao động nữ chăm sóc sức khỏe sinh sảnNơi 34 năm chờ bác sĩ

Bác sĩ Thêm thăm khám cho người cao tuổi tại trạm y tế xã

Không để gián đoạn cấp cứu và bùng phát dịch bệnh

Trong và sau mưa lũ, vô số các vi sinh vật, bụi, rác, chất thải… theo dòng nước tràn ra nhiều nơi, gây ô nhiễm môi trường. Đây cũng là thời điểm các nguy cơ dịch bệnh đe dọa sức khỏe cộng đồng. Những dịch bệnh phổ biến trong mùa mưa lũ như: sốt xuất huyết, sốt rét, các bệnh đường tiêu hóa như tả, lỵ, thương hàn, tiêu chảy, bệnh nước ăn chân, cảm cúm, đau mắt đỏ… Do vậy, nhiệm vụ quan trọng được ngành y tế các cấp nỗ lực, khắc phục mọi khó khăn thực hiện là đảm bảo công tác khám, chữa bệnh không bị gián đoạn và không để dịch bệnh bùng phát.

Ngay từ đầu mùa mưa bão năm nay, ngành y tế Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị xây dựng các tình huống cụ thể đảm bảo an toàn cho tính mạng người bệnh, nhân viên y tế, bảo vệ tài sản, các trang thiết bị của đơn vị khi có thiên tai, bão lụt. Ở những vùng dễ bị chia cắt, ngành cũng tăng cường cán bộ chuyên môn kỹ thuật để hỗ trợ, nhất là bác sĩ ngoại sản. Đồng thời, củng cố các đội cấp cứu lưu động, đội xử lý môi trường và phòng chống dịch với đầy đủ y dụng cụ, thuốc men, hóa chất khử trùng nước cho các địa phương để xử lý kịp thời mọi tình huống tại các vùng xảy ra ngập úng, lũ quét.

Tiếp tục hỗ trợ các địa phương đang chịu ảnh hưởng của mưa lũ, bên cạnh cơ số thuốc men, hóa chất diệt khuẩn, áo phao, phao cứu sinh, bè cứu sinh… đã phân về, Bộ Y tế tiếp tục phân công nhiệm vụ để các bệnh viện tuyến Trung ương hỗ trợ y tế trong phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Theo đó, tại Thừa Thiên Huế, Bộ Y tế phân công Bệnh viện Trung ương Huế và Viện sức khỏe nghề nghiệp và môi trường hỗ trợ địa phương trong công tác khám, chữa bệnh và công tác phòng, chống dịch.

Trạm y tế Phú Gia truyền thông sức khỏe cho người dân

Chịu khó để dân được lợi

Trạm Y tế xã Phú Gia hiện đang thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho hơn 11.000 người dân hai xã Vinh Thái và Vinh Phú trước đây của huyện Phú Vang. Trưởng trạm là bác sĩ Nguyễn Thị Thêm. Chị cũng là người đã dẫn dắt Trạm Y tế Vinh Thái (nay là Phú Gia) trở thành điểm sáng trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân ở tuyến cơ sở nhiều năm liền. Đây là nền tảng quan trọng để bác sĩ Thêm và tập thể cán bộ, nhân viên Trạm Y tế Phú Gia tiếp tục thực hiện nhiệm vụ được giao trong tình hình mới.

Tính đến thời điểm này, bác sĩ Thêm có 10 năm gắn bó với Trạm Y tế Vinh Thái. Liên tục nhiều năm liền, cá nhân chị và tập thể trạm cũng nhận được khen thưởng, công nhận từ các cấp. Năm 2012, xã Vinh Thái là một trong những đơn vị đầu tiên của huyện Phú Vang được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011- 2020.

Cùng với 7 cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp hoạt động tại trạm, Trạm Y tế Phú Gia còn được trang bị đầy đủ các thiết bị y tế hiện đại, phục vụ khám chữa bệnh ban đầu của người dân. Trạm thường xuyên phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, y tế thôn đẩy mạnh các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe đến từng cụm dân cư. Đồng thời, đẩy mạnh truyền thông trên hệ thống truyền thanh xã về vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống suy dinh dưỡng, lao, HIV/AIDS, chăm sóc sức khỏe sinh sản.

Theo bác sĩ Thêm, trong những tháng đầu năm 2020, khi Phú Gia mới sáp nhập, người dân Vinh Phú hầu như không vào thăm, khám bệnh tại trạm y tế xã. Họ chưa quen với trạm y tế mới, nơi chốn mới và cả những con người mới nên chưa thực sự coi trạm là địa chỉ y tế gần bên để chăm sóc sức khỏe ban đầu cho mình.

Trước khó khăn đó, bác sĩ Thêm đã tổ chức kế hoạch cụ thể, hàng tuần. Nhân viên của trạm kết hợp, lồng ghép trong các buổi họp thôn, họp dân để truyền thông cho người dân hiểu về trạm, nhất là với người cao tuổi. Tại mỗi buổi gặp dân, nhân viên y tế vừa kết hợp truyền thông và khám, đo huyết áp tại chỗ. Ai có vấn đề về sức khỏe đều được tư vấn cụ thể, tận tình.

“Trạm y tế có đầy đủ máy siêu âm, điện tim, xét nghiệm… và chúng tôi luôn chịu khó làm để dân được lợi. Quan trọng là cố gắng hết sức để giúp dân không phải đi xa để khám và điều trị những bệnh trạm xử lý, nhất là các bệnh mãn tính, bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp, đái tháo đường… Một lần đưa được bà con đến với trạm, những lần sau cứ vậy bà con lại tin tưởng. Nhờ đó, tần suất khám chữa bệnh của trạm ngày càng tăng dần. Trong tháng 8 và tháng 9, số lượt người dân đến khám, chữa bệnh tại trạm đã cao bằng cùng kỳ năm trước của trạm y tế Vinh Thái”, bác sĩ Thêm thông tin.

Chất lượng khám, chữa bệnh ngày càng cao

Mạng lưới y tế cơ sở bao gồm y tế thôn, bản, xã, phường, thị trấn, huyện, thị xã, là tuyến y tế ban đầu gần dân nhất, bảo đảm cho mọi người dân được chăm sóc sức khỏe cơ bản với chi phí thấp nhất và hiệu quả nhất. Tại Thừa Thiên Huế, hệ thống y tế cơ sở ngày càng khẳng định được năng lực thông qua chất lượng khám, chữa bệnh, công tác y tế dự phòng và phòng, chống dịch bệnh.

Trong công tác phòng, chống các loại dịch bệnh, nhất là dịch COVID-19, sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi... các trung tâm y tế tăng cường giám sát, kịp thời phát hiện, đề ra các giải pháp chủ động phòng, chống một cách hiệu quả. Đồng thời, thường xuyên tổ chức theo dõi, giám sát và kịp thời khống chế khi có các loại dịch bệnh nguy hiểm xảy ra, không để xảy ra dịch lớn trên địa bàn. Chương trình tiêm chủng được quan tâm và ngày càng có chất lượng. Từ năm 2017 đến năm 2019, có >95,0% trẻ em dưới 1 tuổi, phụ nữ có thai được tiêm vắc xin đầy đủ. Các trạm y tế cấp xã cơ bản thực hiện tốt các kỹ thuật theo tuyến. Một số trạm triển khai kỹ thuật của tuyến trên, như: siêu âm, xét nghiệm cơ bản, vật lý trị liệu...

Thông qua các hoạt động của mạng lưới y tế cơ sở, chương trình phòng, chống HIV/AIDS của Thừa Thiên Huế những năm qua cũng đạt được những kết quả tích cực. Các hoạt động tuyên truyền, giáo dục và truyền thông thay đổi hành vi cho các đối tượng có nguy cơ cao được duy trì và có hiệu quả, dự án phòng chống lây truyền HIV từ mẹ sang con được chú trọng. Nhờ đó, nhiều năm qua, Thừa Thiên Huế giữ được tỷ lệ nhiễm HIV dưới mức 0,3%. 100% bệnh nhân điều trị HIV/AIDS tại các cơ sở y tế có thẻ bảo hiểm y tế.

TS. Nguyễn Nam Hùng, Giám đốc Sở Y tế ghi nhận, chất lượng khám chữa bệnh của hệ thống y tế cơ sở không ngừng được cải tiến, tiếp tục đổi mới và có chất lượng hơn. Các đơn vị đã có nhiều cải tiến trên nhiều lĩnh vực. Chất lượng bệnh viện liên tục được cải thiện, nhất là những điều kiện hướng đến người bệnh. Người bệnh hài lòng với khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế, được điều trị trong môi trường cảnh quang sạch đẹp, thái độ nhân viên y tế đúng mực. Công tác chuyển tuyến ngày càng được thực hiện theo đúng quy định chung, tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh chuyển tuyến kịp thời và tiếp cận được các dịch vụ cao của tuyến trên.

Bài, ảnh: ĐỒNG VĂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Để Nghị định 168 đi vào cuộc sống - Bài 1: Ý thức tham gia giao thông của người dân tốt hơn

Từ ngày 1/1/2025, Nghị định 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ (NĐ168) quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông (ATGT) trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe (GPLX) có hiệu lực, tạo chuyển biến trong nhận thức của người dân. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số ý kiến trái chiều, thậm chí là luận điệu xuyên tạc xung quanh nghị định này.

Để Nghị định 168 đi vào cuộc sống - Bài 1 Ý thức tham gia giao thông của người dân tốt hơn

TIN MỚI

Return to top