ClockChủ Nhật, 30/05/2021 10:53

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Phải tổng tiến công toàn lực, mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn để dập dịch

Trong lúc này toàn hệ thống chính trị và toàn dân phải “tổng tiến công toàn lực, toàn diện, mạnh mẽ và hiệu quả hơn nữa, với quyết tâm cao hơn, với nỗ lực lớn hơn, với hành động quyết liệt hơn, hiệu quả hơn, tập trung cao hơn nữa nhưng phải có trọng tâm trọng điểm để khoanh vùng, dập dịch, ổn định tình hình nhanh hơn nữa”.

Hỗ trợ khách hàng khó khăn do dịch COVID-19Đề nghị hỗ trợ kit tách chiết RNA và test nhanh kháng thể phục vụ phòng chống dịchChấn chỉnh, xử lý nghiêm hoạt động tụ tập đông người không đúng quy địnhĐộc đáo hình thức bỏ phiếu phòng ngừa bệnh COVID-19 tại Phần LanUỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh kêu gọi ủng hộ phòng, chống dịch COVID - 19Xây dựng phương án phòng chống dịch phù hợp trong trạng thái bình thường mới4 bệnh nhân nhiễm COVID-19 được xuất việnChỉ có 5-10% doanh nghiệp, nhà máy cập nhật Bản đồ chung sống an toàn với COVID-19

 

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ ngành kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các địa phương, nhất là các địa phương trọng điểm với phương châm “BA KHÔNG": Không nói thiếu tiền, không nói thiếu nguồn nhân lực và không nói thiếu thể chế. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình, giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, lãnh đạo các địa phương bày tỏ ủng hộ mạnh mẽ các giải pháp, chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia, đồng thời phân tích và rút ra các bài học kinh nghiệm quý báu từ thực tiễn phòng, chống dịch.

Thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, những ngày qua, các địa phương, nhất là Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, TPHCM đã dồn lực cho công tác chống dịch, tăng cường năng lực phòng, chống dịch trong tất cả các khâu từ truy vết, xét nghiệm, khoanh vùng, cách ly, điều trị… với nhiều giải pháp đồng bộ, linh hoạt, sáng tạo, quyết liệt.

Lãnh đạo một số bộ, ngành cũng báo cáo thêm các vấn đề cụ thể về ngân sách mua vaccine, vật tư, thiết bị y tế, ứng dụng các công cụ công nghệ thông tin phục vụ công tác phòng, chống dịch; bảo đảm đời sống, an sinh xã hội cho công nhân, hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh;…

Đề nghị tiêm vaccine phòng COVID-19 cho công nhân KCN

Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn cho biết ngân sách nhà nước đã bố trí 13.400 tỷ đồng cho việc mua vaccine phòng COVID-19. Trong tuần tới Bộ sẽ có hướng dẫn về quy chế hoạt động Quỹ vaccine, trước mắt có thể huy động được ngay 3.000 tỷ đồng gồm có 1.000 tỷ đồng đã được ủng hộ qua Bộ Y tế, 1.000 tỷ đồng qua Mặt trận Tổ quốc và các doanh nghiệp nhà nước cũng sẵn sàng đóng góp 1.000 tỷ đồng.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh cho biết Bộ đã có văn bản chỉ đạo việc ôn tập cho học sinh lớp 12 chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh cao đẳng, đại học năm 2021; ban hành hướng dẫn cụ thể đối với các học sinh là F0, F1, F2. Bộ GD&ĐT vẫn quyết định giữ nguyên ngày thi tốt nghiệp diễn ra trong hai ngày 7 và 8/7.

Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, Việt Nam đã có đủ bộ giải pháp công nghệ phòng, chống COVID-19 từ quản lý nhập cảnh, xét nghiệm, truy vết, giám sát cách ly đến tiêm vaccine. Bộ TT&TT đã thành lập Trung tâm Công nghệ phòng, chống COVID-19 vừa quản lý thống nhất, kết nối tập trung, phát triển các giải pháp công nghệ mới bảo đảm phát hiện nhanh hơn, truy vết chính xác hơn, triệt để hơn những ca nhiễm bệnh, người bị lây nhiễm…

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, đợt dịch lần này đã tác động tới 9,1 triệu lao động, đặc biệt các KCN, chế xuất, DN lớn đang bị tác động mạnh, trong khi đây là động lực tăng trưởng quan trọng của kinh tế đất nước. Ông đề nghị, các địa phương có nhiều KCN, đông công nhân phải quan tâm, quản lý công nhân, có phương án giãn cách, cách ly đi đôi duy trì sản xuất kinh doanh, quản lý công nhân ở nơi làm việc và nơi cư trú. Tại các khu cách ly, phong tỏa phải hết sức quan tâm đến đời sống công nhân.

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết Tổng Liên đoàn đã triển khai nhiều biện pháp chung tay cùng các cấp, các ngành, các địa phương, các doanh nghiệp chăm lo cho người lao động, như hỗ trợ mỗi ca F0 tối đa 3 triệu đồng, F1 tối đa 1,5 triệu đồng, lao động nữ đang mang thai, người lao động nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi tối đa 500.000 đồng/người…

Để phòng ngừa dịch bệnh từ xa, từ sớm, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị bổ sung cho công nhân trong KCN vào nhóm ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19. Bộ LĐ-TB&XH cũng đã xây dựng, đang xin ý kiến các bộ ngành để hoàn thiện chính sách hỗ trợ người dân, DN, người lao động bị ảnh hưởng trong đợt dịch lần này trước khi trình Chính phủ xem xét ban hành.

Phải nỗ lực gấp 10 lần

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ: Các địa phương quyết định giãn cách xã hội trên phạm vi toàn tỉnh phải báo cáo Thủ tướng, không phải để xin phép mà là để Thủ tướng chỉ đạo các bộ ngành, địa phương lân cận phối hợp đồng bộ, hỗ trợ tối đa, bảo đảm việc giãn cách xã hội hiệu quả, mà không gây ra những ảnh hưởng không cần thiết đến các địa phương lân cận và cả nước. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, đợt dịch lần này chủng mới lây nhanh hơn, triệu chứng nặng hơn. Xuất hiện hình thái lây nhiễm là cả xâm nhập và trong cộng đồng, khu công nghiệp (KCN), ở bệnh viện tuyến cuối. “So với trước đây chúng ta phải nỗ lực gấp 10 lần để đuổi kịp tốc độ lây lan của dịch”.

Phó Thủ tướng nhận định, tại các địa phương có dịch, cấp ủy, chính quyền và các lực lượng đều “rất lăn lộn, máu lửa”, nhưng những nơi chưa có dịch thì vẫn còn biểu hiện chưa cảnh giác lắm. Tình trạng này dứt khoát phải chấn chỉnh.

Phó Thủ tướng dẫn chứng, hơn 1 năm nay, Ban Chỉ đạo quốc gia và các bộ ngành đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, yêu cầu các địa phương đôn đốc, giám sát các trường học, cơ sở lưu trú, nhất là các nhà máy, xí nghiệp phải tự đánh giá định kỳ việc thực hiện phòng, chống COVID-19, cập nhật lên hệ thống an toàn COVID-19 (antoancovid.vn). Tuy nhiên, đến nay tỷ lệ còn rất thấp. Tương tự, các địa phương còn chậm thực hiện khai báo y tế bắt buộc đối với công nhân làm việc trong các KCN trên cả nước để phục vụ công tác phòng, chống dịch, cũng như chuẩn bị thông tin để tiêm vaccine phòng COVID-19 cho công nhân, tin học hóa công tác xét nghiệm…

Về cách ly, khoanh vùng dập dịch, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải rất linh hoạt để thực hiện mục tiêu kép. Các địa phương quyết định giãn cách xã hội trên phạm vi toàn tỉnh phải báo cáo Thủ tướng, không phải để xin phép mà là để Thủ tướng chỉ đạo các bộ ngành, địa phương lân cận phối hợp đồng bộ, hỗ trợ tối đa, bảo đảm việc giãn cách xã hội hiệu quả, mà không gây ra những ảnh hưởng không cần thiết đến các địa phương lân cận và cả nước.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý, khi dịch bùng phát, nếu chưa đủ thông tin để khoanh hẹp thì ban đầu có thể khoanh rộng hơn, nhưng sau đó thu hẹp lại dần. Đặc biệt, phải kiểm soát chặt chẽ trong khu vực khoanh vùng, phong tỏa, nếu không sẽ rất nguy hiểm, gây lây nhiễm chéo.

Theo Phó Thủ tướng, khi dịch bùng phát mạnh trong KCN, không thể áp dụng các biện pháp cách ly, xét nghiệm thông thường do số lượng công nhân rất lớn. Vừa qua, Bắc Ninh, Bắc Giang đã thực hiện thí điểm cách ly F1 tại nơi cư trú có các biện pháp giám sát chặt chẽ như trong khu cách ly tập trung; công nhân tự lấy mẫu để xét nghiệm nhanh…

Về bảo đảm hậu cần, Phó Thủ tướng cũng đề nghị phải áp dụng cơ chế mua sắm tập trung đối với một số loại vật tư, thiết bị y tế, đặc biệt là sinh phẩm xét nghiệm, đảm bảo các tỉnh, thành phố có đủ nguồn lực cần thiết phòng, chống dịch, không để bị động.

Nhấn mạnh tinh thần phải dập bằng được ổ dịch ở Bắc Giang sớm nhất có thể, không để lây lan ra cả nước, Phó Thủ tướng đề nghị xem xét điều chuyển vaccine để tiêm chủng cho các lực lượng chống dịch và công nhân trong các KCN tại đây.

Chúng ta đang kiểm soát được tình hình

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, các ý kiến đã bám sát, nắm chắc tình hình và đề xuất các giải pháp hết sức thiết thực, có tính khả thi, đề nghị Văn phòng Chính phủ tiếp thu các ý kiến đóng góp và ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam để thông báo về buổi làm việc.

Về đặc điểm tình hình, Thủ tướng đánh giá, về tổng thể chúng ta đang kiểm soát được tình hình, nhưng cục bộ có một số địa phương đang gặp rất nhiều khó khăn, diễn biến càng ngày càng phức tạp hơn, khó kiểm soát như: Bắc Giang, Bắc Ninh, TPHCM và một phần nào đó ở Hà Nội. Thứ hai, là đặc điểm biến chủng virus lần này nguy hiểm hơn, phức tạp hơn, gây bệnh nặng hơn và khó kiểm soát hơn. Thứ ba, là dịch bệnh lây nhiễm từ cộng đồng sang KCN và từ KCN sang cộng đồng thông qua người lao động, thông qua công nhân; đặc biệt đã xuất hiện lây nhiễm trong các hoạt động đông người, hoạt động tôn giáo.

Về nguyên nhân, Thủ tướng nhấn mạnh, có nguyên nhân chủ quan và khách quan nhưng nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu. Một số cơ quan, địa phương, đơn vị khi chưa có dịch thì chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Một số địa phương, cơ quan đơn vị cũng không nắm chắc tình hình, không đánh giá đúng tình hình, không đưa ra được giải pháp phù hợp để giải quyết ngay từ đầu, từ sớm, từ xa. Một bộ phận nhân dân lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, cộng với việc thiếu nghiêm túc trong thực hiện các quy định phòng, chống dịch, dẫn tới lây lan.

Về các giải pháp ngăn chặn, Thủ tướng nhấn mạnh: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo ở các cấp đã bám sát tình hình, kịp thời, quyết liệt, đúng hướng và đưa ra các giải pháp khả thi. Tổ chức thực hiện nói chung là toàn diện, tích cực, hiệu quả. Đồng thời việc huy động các nguồn lực con người và vật chất đã được thực hiện rất bài bản và hiệu quả. Các bộ, ngành làm tốt việc tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách. Phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả giữa phòng ngừa và tấn công, lấy tấn công là chính, trong đó đã thực hiện rất quyết liệt và tích cực chiến lược vaccine.

Thủ tướng đánh giá, kết quả chung của các cấp, các ngành trong phòng, chống COVID-19 đã góp phần rất quan trọng vào thành công tốt đẹp của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, kinh nghiệm rút ra từ công tác phòng, chống dịch vừa qua là phải nắm chắc tình hình, chỉ đạo, lãnh đạo quyết liệt, kịp thời, đúng hướng, hiệu quả. Đồng thời, phải tổ chức thực hiện nghiêm túc, đúng quy định nhưng vận dụng sáng tạo, linh hoạt vào điều kiện cụ thể để huy động mọi nguồn lực, phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc. Khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh. Tập trung tháo gỡ kịp thời các vướng mắc.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng biểu dương các lực lượng tuyến đầu như y tế, quân đội, công an, các địa phương có dịch, các đồng chí lãnh đạo “ngày đêm sớm tối”, cùng với các lực lượng chức năng và nhân dân vào cuộc đồng bộ đã góp phần cùng Đảng, Nhà nước, MTTQ và các đoàn thể, các lực lượng chức năng phòng, chống dịch có hiệu quả.

Về nhiệm vụ, mục tiêu sắp tới, Thủ tướng nêu rõ, mục tiêu đầu tiên là chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân trong lúc này là trên hết, trước hết. Thứ hai là kiềm chế, đẩy lùi, kiểm soát, dập tắt dịch, nhất là tại các địa bàn trọng điểm như: Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, TPHCM, các KCN. Thứ ba là, tiếp tục phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm “an ninh, an dân, an toàn”. Thứ tư là phải kết thúc tốt đẹp năm học 2020-2021, đây là việc liên quan đến tương lai.

Những tư tưởng chỉ đạo chính

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung tham dự cuộc họp. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng nêu rõ những tư tưởng chỉ đạo chính trong công tác phòng, chống dịch thời gian tới.

Thứ nhất, tinh thần là “chống dịch như chống giặc”, trong lúc này toàn hệ thống chính trị và toàn dân phải “tổng tiến công toàn lực, toàn diện, mạnh mẽ và hiệu quả hơn nữa, với quyết tâm cao hơn, với nỗ lực lớn hơn, với hành động quyết liệt hơn, hiệu quả hơn, tập trung cao hơn nữa nhưng phải có trọng tâm trọng điểm để khoanh vùng, dập dịch, ổn định tình  hình nhanh hơn nữa”.

Thứ hai, phát huy những kết quả, thành quả đã đạt được trong các đợt chống dịch lần trước và những kết quả bước đầu của lần này để phát huy hơn nữa, đẩy mạnh hơn nữa và vận dụng tốt hơn nữa trên cơ sở bám sát thực tiễn, linh hoạt, chủ động, sáng tạo, hiệu quả trong lãnh đạo, trong chỉ đạo, trong tổ chức thực hiện, trong xây dựng cơ chế, chính sách, huy động nguồn lực, tuyên truyền vận động, trong việc lấy người dân làm trung tâm, làm chủ thể trong phòng, chống dịch.

Thứ ba, phải tiếp tục nắm chắc và dự báo tốt tình hình, kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa phòng ngừa và tấn công, nhưng phải tấn công là chính, là đột phá, phải làm ngay, phòng ngừa là vấn đề cơ bản, chiến lược, lâu dài, thường xuyên và quyết định. Không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác khi chưa có dịch, nhưng ngược lại cũng không lo sợ, hốt hoảng, mất bình tĩnh, thiếu bản lĩnh, thiếu kiên trì khi có dịch dẫn đến các quyết định không phù hợp, kém hiệu quả.

Thứ tư, từng cơ quan, đơn vị, địa phương, cá nhân, nhất là người đứng đầu phải phát huy cao độ tinh thần yêu nước, tất cả vì nhân dân, lấy người dân làm trung tâm, làm chủ thể; trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, căn cứ các quy định, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, Chính phủ để vận dụng sáng tạo, linh hoạt, hiệu quả trong phòng, chống dịch.

Thứ năm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, khuyến khích đổi mới sáng tạo, linh hoạt, chủ động trong chống dịch; tăng cường kiểm tra, giám sát đi đôi với đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân để dễ theo dõi, dễ kiểm tra, dễ đánh giá.

Thứ sáu, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, tổng kết những cách làm hay, hiệu quả để bổ sung vào kinh nghiệm và lý luận chống dịch. Coi trọng tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân để người dân biết, hiểu, cùng làm, cùng bàn bạc, cùng thụ hưởng những thành quả chống dịch. Mỗi người phải tự bảo vệ mình tức là bảo vệ cộng đồng, ngược lại bảo vệ cộng đồng tức là bảo vệ mình, góp phần vì lợi ích quốc gia, dân tộc.

Thứ bảy, càng trong lúc khó khăn, phức tạp, càng phải đoàn kết, lấy đó làm động lực phấn đấu vươn lên, trưởng thành, khẳng định mình như truyền thống lịch sử của dân tộc, “biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể” trên tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, tự lực, tự cường, phát huy trí tuệ tập thể, dân chủ, tránh khuynh hướng những lúc khó khăn thì mất đoàn kết, đổ lỗi, phân tán lực lượng… Đồng thời xử lý nghiêm những cá nhân có tư tưởng, hành động, biểu hiện lợi dụng phòng, chống dịch để chống phá, xuyên tạc, dựng chuyện, làm méo mó sự thật, gây rối, làm hoang mang, mất lòng dân.

11 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm

Về nhiệm vụ giải pháp, trọng tâm tới đây, Thủ tướng nêu rõ, trước hết, trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, cấp uỷ, chính quyền địa phương phải bám sát tình hình, nhanh chóng, kịp thời đưa ra quyết định, phương hướng, giải pháp cụ thể để thực hiện nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả và chịu trách nhiệm trước quyết định của mình.

Với tinh thần đó, trong thời gian trước mắt, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phân công nhiệm vụ cho các Phó Thủ tướng trong thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống dịch.

Cụ thể, Phó Thủ tướng Vũ  Đức Đam trực tiếp làm Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia, chỉ  đạo chung trên "mặt trận" chống dịch COVID-19.

Ở “mặt trận” TPHCM, Thủ tướng đề nghị Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, ngoài công việc được phân công, trực tiếp theo dõi, cùng chỉ đạo lãnh đạo TPHCM trong lúc này.

Đối với địa bàn Bắc Ninh, Bắc Giang là những địa bàn công nghiệp, sản xuất công nghiệp, tổ chức sản xuất liên quan đến công thương, Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Lê Văn Thành trực tiếp chỉ đạo công việc phòng, chống dịch, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh tại hai tỉnh này.

Còn ở Hà Nội, Bí thư Thành uỷ Đinh Tiến Dũng trực tiếp chỉ đạo; các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ với thành phố trong công tác phòng, chống dịch.

Đối với những vấn đề lớn, phức tạp, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành sẽ trao đổi, thống nhất với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.

Đối với các cơ quan, đơn vị, địa phương, Thủ tướng yêu cầu phải phân công, phân cấp, phân quyền rõ ràng, đi đôi với kiểm tra giám sát. Vừa qua, tại những địa bàn trọng điểm, Trung ương đã lập các tổ công tác về phối hợp trên tinh thần chặt chẽ, có hiệu quả và thực tế cũng đã chứng minh hiệu quả. Đồng thời vừa làm phải vừa hoàn thiện các thể chế, các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình chống dịch một cách căn cơ, bài bản và có hệ thống, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, nóng vội. Về mặt thể chế, quy định phải hoàn thiện, việc biên soạn thành lý luận để phát huy, phổ biến, không để bị động, lúng túng.

Thứ hai, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các địa phương, nhất là các địa phương trọng điểm với phương châm “BA KHÔNG: Không nói thiếu tiền, không nói thiếu nguồn nhân lực, không nói thiếu thể chế và phương tiện vật chất, vật tư y tế, sinh phẩm, thuốc men… Trong quá trình thực hiện, các bộ, ngành quyết định những vấn đề trong thẩm quyền, nếu vượt quá thẩm quyền thì báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét.

Thứ ba, thực hiện chiến lược vaccine, phải tiếp cận mọi khả năng để mua vaccine, trong lúc nguồn vaccine còn thiếu, cả thế giới đều lo vaccine, đây là một trong những biện pháp tấn công của các nước, tất cả đều đi mua, mà sản xuất thì có hạn, nên chúng ta phải quyết tâm. Đó là khó khăn khách quan, nhưng không vì thế mà chậm trễ. Do đó chúng ta phải dùng mọi biện pháp từ: biện pháp ngoại giao, doanh nghiệp, Chính phủ, người dân, các biện pháp khác… để tiếp cận mua vaccine. Đồng thời phải đẩy nhanh nghiên cứu sản xuất vaccine trong nước.

Bên cạnh đó, tiến hành mua công nghệ sản xuất vaccine từ nước ngoài, Thủ tướng giao cho các cơ quan liên quan “bằng mọi biện pháp phải có công nghệ”.

Thứ tư, tuyên truyền tổ chức tiêm vaccine theo thứ tự ưu tiên một cách hợp lý, hiệu quả cho các lực lượng và các địa bàn trọng điểm như: Bắc Ninh, Bắc Giang, thành phố Hà Nội, TPHCM. Đồng thời, phải giải thích cho nhân dân đây là biện pháp phòng ngừa tốt nhất, một biện pháp chủ động tấn công phòng, chống dịch trong tình hình hiện nay.

Phải phòng, chống từ sớm, từ xa, từ trước khi có dịch với phương châm 5K + vaccine và kết hợp giải pháp công nghệ; tăng cường áp dụng công nghệ cao vào công tác truy vết, kiểm soát an toàn COVID-19, cách ly, đấu tranh với những cá nhân chưa chịu chấp hành các quy định phòng, chống dịch.

Thứ năm, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần, phòng bệnh phải thường xuyên, phát hiện phải sớm, cách ly nhanh, điều trị tích cực, hiệu quả, nhanh chóng ổn định tình hình phát triển sản xuất, kinh doanh. Thủ tướng giao Bộ LĐ-TB&XH thực hiện ngay các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị tác động bởi dịch COVID-19 nói chung, trong đó có đợt dịch bùng phát lần này.

Thứ sáu, phải kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh và rà soát các đối tượng cư trú trái phép.

Thứ bảy, huy động mọi nguồn lực hợp pháp cho phòng, chống dịch, đặc biệt là mua vaccine. Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi toàn thể nhân dân, mọi doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, địa phương trong điều kiện có thể đóng góp trí tuệ, ý kiến, phương pháp, tiền của, phát huy các mối quan hệ để mua vaccine, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine... Huy động mọi nguồn lực hợp pháp từ nhân dân, cộng đồng, từ các cơ quan, đơn vị, địa phương cho Quỹ vaccine phòng COVID-19 vừa được Chính phủ thành lập.

Thứ tám, Ban quản lý các KCN, chủ doanh nghiệp phải tập trung bảo vệ sức khỏe cho công nhân, cho người dân trong lúc này. Tinh thần là hài hòa lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và nhà nước. Lúc thuận lợi, khi có lợi ích thì cùng nhau thụ hưởng, phân chia một cách hợp lý, khi có khó khăn thì cùng chia sẻ cho nhau để cùng có lợi.

 

Theo Thủ tướng hiện nay Ban Quản lý các KCN, các doanh nghiệp đang rất chủ động bảo vệ công nhân. Ông đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam giao trách nhiệm cho các chủ doanh nghiệp, cơ quan quản lý các KCN, khu kinh tế có trách nhiệm bảo vệ người lao động.

Thứ chín, Bộ Y tế phải huy động các nguồn lực từ các trường y, thay nhau hỗ trợ lực lượng y tế cơ sở.

Thứ mười, trong công tác tuyên truyền phải đảm bảo toàn diện, hiệu quả. Trước hết phải làm cho người dân hiểu được chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến phòng, chống dịch. Thứ hai là phải hướng dẫn để người dân vào cuộc cùng với cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị để chống dịch hiệu quả. Thứ ba là phải truyền cảm hứng để người dân tự tin, tin tưởng vào công tác chống dịch của Đảng, Nhà nước. Thứ tư là huy động sức lực của người dân đóng góp một cách hiệu quả.

Thứ mười một, phải tập trung bảo đảm sản xuất kinh doanh, nhất là trong các KCN và các lĩnh vực dịch vụ.

Thủ tướng kêu gọi toàn dân chung sức đồng lòng chống dịch

Với tinh thần này, Thủ tướng yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, linh hoạt, cùng với sự hợp tác của người dân để chỉ đạo tổ chức triển khai chống dịch nhanh chóng, hiệu quả.

Về kiến nghị của các địa phương, Thủ tướng yêu cầu các bộ, các ngành, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, giải quyết nhanh, khẩn trương, hiệu quả, để tháo gỡ khó khăn với tinh thần “BA KHÔNG”.

Một lần nữa, Thủ tướng kêu gọi toàn dân, cùng toàn thể hệ thống chính trị chung sức đồng lòng chống dịch; mong muốn cấp ủy, chính quyền các cấp với tinh thần sáng tạo, chủ động, tấn công để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phòng, chống dịch hiện nay, cũng như các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội trong năm nay.

Theo Cổng TTĐT Chính phủ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khẳng định vai trò, vị thế của người nông dân

Sáng 31/12, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2024 với chủ đề: "Khơi dậy khát vọng làm giàu để phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; vững tin bước vào kỷ nguyên mới".

Khẳng định vai trò, vị thế của người nông dân
Sớm đưa các luật, nghị quyết vào cuộc sống

Chiều 25/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đồng chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt, triển khai thi hành các luật, nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XV. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh chủ trì tại điểm cầu Thừa Thiên Huế.

Sớm đưa các luật, nghị quyết vào cuộc sống

TIN MỚI

Return to top