Y tế đã đẩy lùi “con ma”
Bệnh viện A Lưới vừa khánh thành và đưa vào hoạt động, tôi thấy khá nhiều người dân đến đây với trang phục của người dân tộc. Một cô gái có đôi mắt rất đẹp, nước da ngăm ngăm trên khuôn mặt bầu bĩnh. Sơn nữ này có niềm vui gì mà cứ ríu rít suốt với đám bạn bè ở sân bệnh viện, tay cứ chỉ trỏ liên tục về những căn phòng cao tầng. Họ nói với nhau bằng tiếng Katu, tôi chẳng hiểu gì cả.
- Chào các em! Sao không vào khám bệnh mà đứng ở ngoài sân thế này? - Tôi bắt chuyện.
Các cô gái đều cười rất tươi.
- Chúng em không đi khám bệnh. Đi xem bệnh viện thôi. Có bệnh viện mới, ai cũng vui lắm mà.
- Các em ở xã nào?
- Ở Hồng Vân. Người già ở làng nói, có bệnh viện đẹp rồi, khi bị đau là không đi cúng con ma nữa. - Cô gái tiếp tục nói. Hỏi chuyện, tôi biết cô gái tên Lung
Lâu nay, người dân ở vùng xa vẫn thường mong muốn có một cơ sở khám, chữa bệnh đàng hoàng. Bây giờ mong ước được toại nguyện, họ đến để sẻ chia niềm vui. Nếu những người thầy thuốc biết được điều này, hẳn họ cũng thật hạnh phúc.
Một ca phẫu thuật ở Bệnh viện Phú Vang
Chuyến lên A Lưới gần đây, tôi kể lại chuyện này với bác sĩ Lê Quang Phú, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện, ông xúc động: “Đó cũng là niềm vui của chúng tôi, những người khám và điều trị bệnh cho người dân vùng cao”. Bác sĩ Phú, người đứng đầu của Bệnh viện A Lưới vui bởi từ khi bệnh viện được xây dựng mới, có phòng ốc rộng rãi, trang bị thêm thiết bị máy để triển khai các kỹ thuật khó, tạo điều kiện cho đội ngũ bác sĩ, công chức phát huy được năng lực trong việc khám bệnh điều trị cho nhân dân, nâng cao uy tín của bệnh viện.
Nhiều kỹ thuật mới, khó, được thực hiện thành công như mổ cấp cứu sản, mổ đẻ, cắt u nang buồng trứng, mổ cắt trĩ. Ba năm về trước, những trường hợp này bệnh viện đều phải chuyển lên tuyến trên. Năm 2009 - 2010, công suất giường bệnh của bệnh viện huyện đạt 120%. Bệnh nhân chuyển viện giảm 20% so với năm 2008.
“Bây giờ người dân tộc ít người ở đây, mỗi lần bị ốm, dù bệnh nặng, hay nhẹ, họ đều đến khám ở bệnh viện”. Bác sĩ Phú cho biết. Bằng chứng là 80 giường bệnh, hầu như lúc nào cũng phủ kín bệnh nhân.
Tôi vẫn thấy trên gương mặt bác sĩ Phú thoáng nét buồn: “Nếu có thêm kinh phí đầu tư cho vấn đề xử lý chất thải rắn, khu vui chơi cho bệnh nhân, nhà công vụ cho cán bộ công chức của bệnh viện đang phải sống xa nhà thì chúng tôi yên tâm hơn”.
Ngỡ ngàng với các bệnh viện miền xuôi
So với các đơn vị y tế mới được xây dựng, Bệnh viện thị xã Hương Thuỷ là cơ sở hoành tráng nhất. Thênh thang trên một khu đất rộng 35.000m2, với 3 khối nhà. Một khối nhà 3 tầng, một khối nhà 1 tầng và một khối nhà 2 tầng. “Từ ngày xây dựng mới, bệnh viện có đủ phòng ốc, tranh thủ các dự án trang bị thêm các máy xét nghiệm, máy siêu âm, máy phân tích huyết học tự động chất lượng cao. Đặc biệt máy siêu âm có đầu dò hiện đại, máy Xquang di động giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh chính xác, hiệu quả hơn, chất lượng khám bệnh nâng cao”. Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Văn Vỹ, Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Hương Thuỷ nói. Cùng với cơ sở vật chất, Bệnh viện Hương Thuỷ triển khai nhiều kỹ thuật khá phức tạp so với y tế tuyến huyện, như: Mổ u xơ tử cung, mổ lấy thai lần 2, lần 3, u nang buồng trứng, mổ kết hợp xương. Chính nhờ cơ sở vật chất rộng rãi, máy thiết bị đáp ứng được nhu cầu khám, điều trị bệnh so với tiêu chuẩn y tế tuyến huyện nên Trường đại học Y Dược Huế chọn Bệnh viện Hương Thuỷ làm cơ sở thực tập cho sinh viên. Đây cũng là điều mong mỏi của Ban giám đốc và các bác sĩ của bệnh viện. Họ sẽ được các GSTS Trường đại học Y dược “cầm tay, chỉ việc” mỗi khi đưa sinh viên về thực tập, giảng dạy. Cách đây 2 tháng, hai bên thống nhất, Bệnh viện Trường đại học Y Dược Huế sẽ hỗ trợ chỉ đạo tuyến, hợp tác trao đổi chuyên môn cùng Bệnh viện thị xã Hương Thuỷ. Với hạ tầng cơ sở, điều kiện cơ sở vật chất ngày càng nâng cao, lại có sự giúp đỡ của Bệnh viện Trường đại học Y Dược Huế, chắc chắn Bệnh viện thị xã Hương Thuỷ sẽ nhanh chóng trở thành địa chỉ tin cậy của bệnh nhân.
Chỉ mấy tháng không đến Bệnh viện Phú Vang, giờ về lại, tôi ngỡ ngàng trước sự phát triển nhanh chóng của cơ sở này. Nhờ được nâng cấp, mở rộng thêm về mặt bằng, năm 2010, Bệnh viện huyện Phú Vang thành lập thêm 6 khoa, phòng quan trọng: Khoa hồi sức tích cực chống độc, xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, tai-mũi-họng-răng-hàm-mặt, phòng chống nhiễm khuẩn, dinh dưỡng. Đây là cơ sở y tế tuyến huyện đầu tiên của tỉnh được thành lập hoàn chỉnh các khoa, phòng theo quy định của ngành y tế. Nhờ vậy, bệnh viện đã chủ động triển khai một số kỹ thuật đã được đào tạo ở Bệnh viện Trường đại học Y Dược Huế và các cơ sở y tế tiên tiến khác trên toàn quốc như: Phẫu thuật cấp cứu như mổ đẻ, mổ ruột thừa viêm, mổ u nang buồng trứng, thoát vị bẹn... Triển khai một số kỹ thuật lâm sàng mới như phẫu thuật mở sào bào thượng nhĩ, mở sàn hàm, hạ tinh hoàn ẩn. Để đáp ứng với trình độ kỹ thuật mới, trước đó bệnh viện đã thực hiện đào tạo, chuẩn hoá cán bộ với trên 80% bác sĩ học sau đại học, 22% điều dưỡng đào tạo cử nhân...
Đinh Hoàng Xuân Hồng