ClockThứ Ba, 29/03/2011 05:00

Cứu sống bệnh nhân nhồi máu cơ tim

TTH - Sau 13 ngày điều trị tại Khoa Hồi sức tim (Bệnh viện Trung ương Huế), bệnh nhân Đinh Văn Sơn, 53 tuổi, Hiệu phó Trường PTTH Hoà Vang (Đà Nẵng) đã tỉnh táo. Dù giọng nói vẫn chưa rõ, nhưng sắc mặt của ông đã trở lại bình thường. Ông vừa thoát chết sau một cơn nhồi máu cơ tim cấp.


Bệnh nhân Đinh Văn Sơn được cứu sống

Đinh Nguyễn Tuấn Anh, con trai của ông Sơn kể: Ngày 19/2, ông Sơn đang làm việc thì bị ngất xỉu, được mọi người đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng. Tại đây bệnh viện đã dùng các biện pháp để cấp cứu nhưng không thành công. Tình trạng sức khỏe của bệnh nhân mỗi lúc càng xấu. 2 giờ sáng ngày 20/2, Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng đành trả bệnh nhân về nhà để lo chuyện hậu sự.

“Gia đình đã lo chuyện đất chôn, quan tài. Ba tôi lúc ấy đã “ngáp cá”, Khi rút ống nội khí quản ra, tự nhiên thấy mạch của ba tôi đập trở lại, nhưng rất yếu. Sau khi liên lạc ngay với người cháu gọi bằng cô ruột đang công tác tại Bệnh viện Trung ương Huế, chúng tôi nhanh chóng đưa ba tôi vào Bệnh viện Trung ương Huế lúc 11 giờ trưa ngày 20/2. Sau 13 ngày điều trị, ba tôi đã tỉnh táo không bị di chứng gì về trí tuệ cũng như tứ chi”.
Bệnh nhân được chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp và nhiễm trùng phổi. Hai bệnh nặng trên một cơ thể đã lớn tuổi nên không dễ điều trị. Khi tim ngừng đập, tình trạng thiếu máu trong vòng vài phút có thể gây tổn thương não không hồi phục. Tử vong sẽ xảy ra trong vòng 8 - 10 phút. Kíp trực hôm đó đã hết sức khẩn trương hồi sức để cứu sống bệnh nhân và tiếp tục điều trị bằng nhiều biện pháp: Cho bệnh nhân ngủ sâu để giảm nhu cầu tiêu thụ ô xy của cơ tim, thở máy, điều trị thuốc chống đông máu, thuốc trợ tim, thuốc giãn mạch vành, nhờ vậy chỉ sau 2 tuần điều trị, ông Sơn đã qua được nguy hiểm. Hiện, ông Sơn đang tiếp tục điều trị bệnh nhiễm trùng phổi tại khoa Ngoại - Lồng ngực. Thạc sĩ Trần Hoài Anh, Phó khoa Ngoại - Lồng ngực cho biết: Sau khi sức khoẻ bệnh nhân phục hồi, khoa sẽ thực hiện mổ bắc cầu nối chủ vành để giải quyết tình trạng tắc nghẽn mạch vành gây nhồi máu cơ tim.
Còn khá mệt, nhưng ông Sơn vẫn cố gắng nói rằng, ông vượt qua cái chết nhờ hai điều may mắn: đồng nghiệp đã phát hiện ông bị ngất xỉu sớm và đưa đi bệnh viện kịp thời. Thứ hai là Bệnh viện Trung ương Huế có phương tiện máy, thiết bị hiện đại và trình độ chuyên môn của bác sĩ giỏi, đã tận tình cấp cứu, điều trị. Hai điều đó đã đem lại sự sống cho ông.
Đinh Hoàng Xuân Hồng
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển nhiều kỹ thuật chuyên sâu điều trị tim mạch

Can thiệp điều trị rối loạn nhịp, can thiệp mạch vành, bệnh tim bẩm sinh bằng dụng cụ, can thiệp điều trị suy tĩnh mạch... là một trong những kỹ thuật chuyên sâu được Khoa Nội Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 triển khai thường quy trong thời gian vừa qua, đem đến cơ hội điều trị khỏi bệnh cho những người bệnh mắc các bệnh lý tim mạch, mang lại chất lượng cuộc sống tốt hơn cho cộng đồng.

Phát triển nhiều kỹ thuật chuyên sâu điều trị tim mạch

TIN MỚI

Return to top