ClockThứ Bảy, 01/01/2011 19:21

Ăn ngọt bao nhiêu là vừa?

TTH - Vị ngọt thường tạo cảm giác ngon miệng. Vì thế có biết bao món ngon ra đời với vị ngọt lịm của đường cát hoặc đường phèn như các loại chè, bánh ngọt, thức uống ngọt… Ngay cả món ăn cùng cơm như canh chua, thịt cá kho, người miền Nam cũng vẫn thích thêm tí đường. Thế nhưng, cái gì cũng có mức độ thích hợp, nếu lạm dụng thực phẩm ngọt quá mức thì có thể dẫn đến những tác hại không lường.

Hảo ngọt, khổ thân

Không thêm đường vào các thức uống cũng là một cách để tập thói quen ăn giảm ngọt.

Đường là dạng đơn giản của chất carbohydrate, có thể là đường lactose (từ sữa), đường fructose (trong trái cây), hoặc phổ biến nhất là đường sucrose (đường mía mà chúng ta hay ăn). Ngày nay, việc tiêu thụ đường tinh (đường cát trắng) ngày càng gia tăng. Tất cả những loại đường này sẽ được hấp thu rất nhanh vào cơ thể và làm đường huyết tăng vọt. Khi đó, cơ thể bài tiết hormon insulin để đưa đường từ máu vào dự trữ ở gan hoặc cơ dưới dạng glycogen để sử dụng dần, hoặc chuyển hoá thành mỡ dự trữ. Do đó, nếu ăn quá nhiều đường sẽ gây tăng cân. Sau một thời gian thường xuyên ăn ngọt, cơ thể mất dần sự điều chỉnh (hoạt động chuyển hoá đường của insulin không còn hiệu quả) nên sự chuyển hoá đường bị rối loạn và đỉnh điểm là căn bệnh đái tháo đường tai hại. Đây là dạng bệnh đái tháo đường type 2 do lối sống gây ra. Hơn nữa, thường xuyên ăn ngọt cũng rất dễ bị sâu răng, làm mất vẻ đẹp của nụ cười và ảnh hưởng sức khoẻ do nhai không được vì đau răng.

Không ăn đường, cơ thể có bị thiếu?

Câu trả lời là “không”! Có nhiều thực phẩm khi vào cơ thể sẽ được chuyển thành đường glucose để tạo năng lượng cho cơ thể hoạt động, được gọi là nhóm thực phẩm giàu chất bột đường như cơm, xôi, bắp, khoai, bánh mì… Những thực phẩm này khi ăn vào sẽ được hấp thu từ từ vào cơ thể nên không làm đường huyết tăng vọt. Như vậy, đường trong máu luôn ở mức ổn định. Nếu ăn đầy đủ các bữa chính và có thể thêm một đến hai bữa phụ như sữa, trái cây… thì mức đường trong máu sẽ luôn ổn định mà không cần ăn bất kỳ loại thực phẩm chứa nhiều đường tinh.

Không dùng quá 20g đường/ngày

Hãy nhớ rằng, cơ thể chúng ta đã nhận đủ đường từ các thực phẩm giàu bột đường kể trên, do đó, không cần thêm tí đường tinh nào vẫn tốt. Tuy nhiên, do vị ngọt mang đến sự ngon miệng nên có thể gia giảm chút ít đường vào các món ăn hoặc thức uống nhưng không quá 20g đường/ngày (kể cả đường từ bánh kẹo, nước ngọt…) Hãy hình dung một lon nước ngọt có đến 40g đường! Một lượng đường quá mức cần thiết mà nếu dùng thường xuyên sẽ dễ dẫn đến béo phì.

Người khoẻ cũng phải bớt ăn ngọt

Không riêng gì người bệnh đái tháo đường phải kiêng ăn ngọt, ngay cả người khoẻ mạnh cũng nên hạn chế ăn ngọt. Không chỉ những thực phẩm chứa đường tinh mà kể cả các loại mật ong, xirô, các loại trái cây quá ngọt như nhãn, sầu riêng, vải, xoài chín… cũng chỉ ăn mức độ. Rất nhiều loại thực phẩm chứa đường có thể nhận biết dễ dàng như nước ngọt, bánh kẹo ngọt, chè… Tuy nhiên, cũng có không ít thực phẩm ẩn chứa đường mà chúng ta hay bỏ qua như các loại sữa chua có đường, sinh tố xay (thường có thêm đường và sữa đặc có đường), bơ đậu phộng, nước ép trái cây đóng hộp, càphê sữa (hoặc càphê có pha đường)… đều rất ngọt và nhiều đường.

TS.BS Trần Thị Minh Hạnh
Trưởng Khoa Dinh dưỡng cộng đồng, Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM
Theo SGTT

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển nhiều kỹ thuật chuyên sâu điều trị tim mạch

Can thiệp điều trị rối loạn nhịp, can thiệp mạch vành, bệnh tim bẩm sinh bằng dụng cụ, can thiệp điều trị suy tĩnh mạch... là một trong những kỹ thuật chuyên sâu được Khoa Nội Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 triển khai thường quy trong thời gian vừa qua, đem đến cơ hội điều trị khỏi bệnh cho những người bệnh mắc các bệnh lý tim mạch, mang lại chất lượng cuộc sống tốt hơn cho cộng đồng.

Phát triển nhiều kỹ thuật chuyên sâu điều trị tim mạch

TIN MỚI

Return to top