|
Nạn săn bắt gấu hoang dã lấy mật ở Việt Nam đang báo động "S.O.S" (Nguồn: Internet) |
Tiến sĩ Tuấn Bendixsen – Trưởng đại diện Việt Nam của Tổ chức Động vật Châu Á (AAF) đã tiết lộ thông tin trên tại buổi công bố báo cáo "Phân tích thái độ và hành vi đối với việc sử dụng mật gấu ở Việt Nam" của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên thuộc Liên hiệp các hội khoa học và kĩ thuật Việt Nam, ngày 23/11, tại Hà Nội.
Mật gấu không chữa được bách bệnh
Theo kết quả báo cáo "Phân tích thái độ và hành vi đối với việc sử dụng mật gấu ở Việt Nam", có đến 22% trong hơn ba nghìn người khi được phỏng vấn ngẫu nhiên tại ba thành phố lớn là Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh đã thừa nhận từng sử dụng mật gấu hoang dã.
Được khởi động từ tháng 4 đến cuối 2009, báo cáo này đã khảo sát cho thấy động cơ xã hội về nguồn gốc của hành vi sử dụng mật gấu là một loại thần dược, chữa được bách bệnh, từ bênh ngoài da như sưng tấy, bầm tím, đến bệnh nội khoa như tiêu hóa, thậm chí bệnh nan y là ung thư. Mật gấu cũng là vị thuốc có trong y học cổ truyền Trung Quốc cách đây ba nghìn năm.
Có đến 73% người khi được hỏi cho rằng, họ chủ yếu sử dụng mật gấu để chữa một bệnh cụ thể, sử dụng vì mục đích giải trí chỉ chiếm 16%. Thủ đô Hà Nội có tỷ lệ sử dụng mật gấu cao nhất, chiếm 35%. Đặc biệt, phần lớn người đã từng sử dụng mật gấu có trình độ học vấn cao trong xã hội.
Ngoài ra, đối tượng mua mật gấu trái phép ở Việt Nam là khách du lịch nước ngoài, đặc biệt là từ Hàn Quốc chiếm tỷ lệ lớn.
Tuy nhiên, hiện nay, chưa có một công trình khoa học hay ví dụ thực tế nào chứng minh, mật gấu chữa được bách bệnh như trong quan niệm y học cổ truyền.
Ông Chris Gee – Giám đốc Chương trình Động vật hoang dã quốc tế, Hiệp hội Bảo vệ Động vật Thế giới (WSPA) nói: "Qua một số công trình nghiên cứu khoa học, mật gấu có một số hợp chất hóa học, hỗ trợ cho sức khỏe con người và được tìm thấy trong một số dược liệu có ở Việt Nam".
Còn Tiến sĩ Tuấn Bendixsen – Trưởng đại diện Việt Nam của Tổ chức Động vật Châu Á (AAF) cho biết: “Ít người biết rằng, qua điều tra chất lượng mật gấu được bán ở Việt Nam hầu như không sạch và tinh chất. Thậm chí hơn 50% số mật gấu không đảm bảo vệ sinh, biến chất, nếu sử dụng có thể dẫn đến ung thư.”
Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, điều đáng mừng là việc sử dụng mật gấu đang có dấu hiệu giảm khi những khảo sát mới đây cho thấy, có đến 50% người cho biết đã ngừng sử dụng mật gấu vì không thấy có hiệu quả tích cực về sức khỏe.
Nam giới sử dụng mật gấu nhiều gấp 10 lần phụ nữ
Các nhà khoa học cho biết, hiện nay, Việt Nam có khoảng 3.500 cá thể gấu hoang dã, đang bị săn bắt, nuôi nhốt để khai thác lấy mật trái phép và chỉ còn vài trăm cá thể gấu còn sót lại trong tự nhiên và có thể đây là những cá thể gấu cuối cùng.
Để gấu tự nhiên không bị tuyệt chủng, các nhà khoa học cho rằng Việt Nam cần giảm thiểu tiêu thụ mật gấu như tìm, nghiên cứu một vị thuốc thay thế, khảo sát để đóng cửa các trang trại gấu, tăng cường hành lang pháp lý đủ mạnh cũng như nâng cao nhận thức con người bảo vệ tài nguyên động vật hoang dã.
Theo các nhà khoa học, công tác tuyên truyền về sử dụng mật gấu đúng cách cần được làm tốt hơn, nhất là với nam giới. Theo khảo sát, nam giới sử dụng mật gấu gấp 10 lần nữ giới vì mục tiêu giải trí, trong đó chủ yếu là uống rượu mật gấu.
Hiện nay, cũng có những dự án bảo vệ cá thể gấu trong tự nhiên như gắn chíp điện tử vào cá thể gấu, dự án ra mắt Trung tâm cứu hộ, khu bán hoang dã đầu tiên dành cho gấu ở Tam Đảo. Trung tâm đã từng đưa 200 con gấu nuôi nhốt về phục hồi và cho hoà nhập vào thiên nhiên, kết quả thu được đã giảm 50% tỷ lệ săn bắt và mua bán mật gấu trái phép.
Nhưng trên thực tế, còn nhiều cá thể gấu trong các trang trại chưa được gắn chíp, hoặc cá thể gấu được gắn chip đang bị nuôi nhốt trái phép vẫn chưa được tịch thu, trả về môi trường tự nhiên. Vì vậy, hơn bao giờ hết cần một hành lang pháp lý chặt chẽ để giảm thiểu tình trạng này.
Bà Vũ Thị Quyên, Giám đốc sáng lập và tác giả của báo cáo trên cảnh báo: “Cần có những biện pháp cấp bách và mạnh mẽ để ngăn chặn, chấm dứt tình trạng nuôi nhốt và buôn bán mật gấu để bảo vệ những cá thể gấu, có thể là cuối cùng trong tự nhiên Việt Nam.”
“Các loài gấu Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng, chúng ta phải đưa ra một quyết định khó khăn, không thể có cả hai, gấu và mật gấu”, bà Quyên kết luận./.
Việt Nam phân bố hai loài Gấu ngựa và Gấu chó, cả hai loài được bảo vệ trong nghị định 32/2006/NĐ-CP, nhóm IB nghiêm cấm khai thác vì mục đích thương mại và có trong phụ lục II của CITES.
Hiện nay, cả hai loài trên đang bị đe dọa nghiêm trọng và có thể có nguy cơ bị tuyệt chủng do nạn săn bắt, buôn bán trái phép ngày càng gia tăng, phức tạp của con người.
|
Theo Vietnam+