|
Ông Hoàng Việt Trung - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tiếp nhận bộ sách quý của vua Hàm Nghi do Tiến sĩ Amandine Dabat hiến tặng |
Những hiện vật mang “hồn quê hương”
Buổi ra mắt sách Hàm Nghi - Hoàng đế lưu vong, nghệ sĩ ở Alger tại thành phố Huế, những kỷ vật quý của vua Hàm Nghi đã được chủ nhân trao tặng cho Bảo tàng Cổ vật Cung đình (CVCĐ) Huế.
Tiến sĩ Amandine Dabat, hậu duệ đời thứ 5 của vua Hàm Nghi, cùng gia đình đã trao tặng những hiện vật gắn liền với cuộc đời nhà vua. Trong số đó có chiếc khay gỗ khảm xà cừ đem từ Việt Nam mà ông luôn giữ bên mình như một kỷ vật gợi nhớ quê hương và bộ sách chữ Hán bao gồm Ngự chế canh chức đồ (2 quyển), Đan đồ huyện chí (26 quyển), và Tăng đính thi kinh thể chí diễn nghĩa (5 quyển). Theo TS. Amandine Dabat, những kỷ vật quý giá ấy được Công chúa Như Mai - Trưởng nữ của vua Hàm Nghi lưu giữ cẩn thận tưởng nhớ vua cha.
Ngoài ra, “Đôi đũa cung đình bằng ngà hải mã”, được Thái hậu Từ Dũ giao cho bà Phan Thị Hòa sử dụng trong bữa ăn của ngài (giai đoạn Cần Vương 1885 -1889) và “Đôi tiềm bằng sứ”, vật dụng của gia đình vua Hàm Nghi cũng được các hậu duệ trao tặng cho bảo tàng dịp này. Các kỷ vật không chỉ mang giá trị văn hóa lịch sử, mà còn là những mảnh ghép quý giá trong hành trình tìm hiểu về một vị vua giàu nội tâm - hoàng đế lưu vong với nỗi khắc khoải, nhớ thương quê hương, đất nước xứ sở, với tâm hồn Việt, văn hóa Việt.
Giám đốc Bảo tàng CVCĐ Huế Ngô Văn Minh bày tỏ: “Đây là những món quà vô giá, thể hiện thái độ trân trọng của gia đình, các hậu duệ của vua Hàm Nghi hồi hương các kỷ vật của ông; đồng thời, làm giàu thêm Không gian trưng bày “Vua Hàm Nghi - Cuộc đời và nghệ thuật” tại Bảo tàng”.
Chiếc áo và câu chuyện lịch sử
Chiếc áo Nhật Bình - Lễ phục của Hoàng hậu Nam Phương, được gia đình bà Phan Thúy Khanh và con trai Trần Phan Anh, những người con gốc Huế hiện sống tại Hà Nội, mua và hiến tặng cho Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế.
“Báu vật chứa đựng linh hồn văn hóa Triều Nguyễn” được trao tặng trong lễ đón bằng công nhận Di sản tư liệu của UNESCO cho “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng Cung Huế”. Lễ phục này từng thuộc bộ sưu tập của Linda Wrigglesworth, một chuyên gia nổi tiếng thế giới về trang phục cổ. Chiếc áo không chỉ đơn thuần là một hiện vật quý giá, mà còn là cầu nối với một nhân vật lịch sử trí tuệ và đức hạnh – Hoàng hậu Nam Phương, người phụ nữ cuối cùng mang danh vị hoàng hậu của triều đại nhà Nguyễn và cả Việt Nam.
Theo người tặng, chiếc áo được hoàng hậu sử dụng và gìn giữ cẩn thận trong thời gian bà và các con sống xa quê hương, tại nước Pháp, như giữ một phần hồn Việt, một phần ký ức thiêng liêng về dân tộc.
Với những ai được chiêm ngưỡng lễ phục áo Nhật Bình được treo trang trọng trước điện Thái Hòa hôm đó, có lẽ đều xúc động, bồi hồi như được “chạm” đến ký ức vàng son của một triều đại. Mỗi đường thêu, họa tiết trên áo đều khắc họa câu chuyện lịch sử, chứa đựng tình yêu và tâm huyết lớn lao. “Món quà này không chỉ là hiện vật, mà còn là nhịp cầu nối thế hệ trẻ với lịch sử nước nhà”, đại diện người hiến tặng chia sẻ.
Giám đốc Trung tâm BTDTCĐ Huế Hoàng Việt Trung cho rằng: “Chiếc áo Nhật Bình của Hoàng hậu Nam Phương, giúp Trung tâm có thêm hiện vật cùng thông tin lịch sử và văn hóa Triều Nguyễn, phục vụ cho nghiên cứu, giáo dục và đáp ứng nhu cầu thưởng lãm của du khách”.
Kể tiếp cho mai sau
Việc tìm mua và hiến tặng chiếc áo của Nam Phương hoàng hậu là một hành trình đáng trân trọng, nhưng gia đình ông Trần Phan Anh lại chọn cách khiêm nhường kể về mình: “Được đóng góp phần nhỏ bé trong việc lưu giữ giá trị lịch sử, văn hóa với tôi là điều may mắn”. Sự giản dị trong lời nói ấy càng làm nổi bật tấm lòng cao cả của gia đình ông đối với di sản Cố đô: Hiến tặng không vì danh tiếng, mà vì trách nhiệm gìn giữ những giá trị vượt thời gian.
Câu chuyện chiếc áo Nhật Bình không phải là trường hợp duy nhất. Trước đây, Huế từng đón nhận nhiều hiện vật, cổ vật, tư liệu quý giá nhờ tấm lòng của các nhà hảo tâm trong và ngoài nước.
Nhà nghiên cứu và sưu tầm cổ vật Trần Đình Sơn từng hiến tặng các cổ vật quý của Triều Nguyễn. Ông Jean Dabat hiến tặng bảo tàng bức tranh “Hồ trên dãy núi Alpes” do vua Hàm Nghi sáng tác tại Pháp. Các nhà sưu tập cổ vật Nguyễn Hữu Hoàng, Mai Bá Thiện, Phạm Hy Tùng, Đoàn Phước Thuận… từng hiến tặng các hiện vật quý cho Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế. Ẩn sâu trong mỗi sự hiến tặng là mong muốn góp phần “trả lại” giá trị văn hóa cho quê hương.
Một trường hợp khác là câu chuyện về chiếc mũ quan đại thần và áo Nhật Bình cung tần Triều Nguyễn được Tập đoàn Sunshine đấu giá thành công tại nước ngoài và hồi hương, hiến tặng về Cố đô, với mong muốn “trao tặng để Huế gìn giữ và bảo tồn, để các thế hệ Việt Nam cùng chiêm ngưỡng và tự hào về lịch sử”. Như lời lãnh đạo tập đoàn Sunshine khi trao tặng, “mỗi cổ vật trở về không chỉ làm phong phú thêm di sản quốc gia, mà còn “thắp sáng” niềm tự hào dân tộc”.
Theo ông Hoàng Việt Trung, trải qua 143 năm tồn tại, Triều Nguyễn đã để lại cho hậu thế những di sản văn hóa vô cùng phong phú, nhưng chiến tranh và những biến động thời cuộc khiến nhiều cổ vật quý giá bị thất lạc. Việc các cá nhân, tổ chức sẵn sàng tìm kiếm, bảo tồn và “hồi hương” cổ vật là hành động trân quý.
“Hiến tặng di sản không chỉ đơn thuần là trả lại một hiện vật về nơi nó thuộc về, mà còn là cách mỗi cá nhân thể hiện tinh thần yêu nước và trách nhiệm gìn giữ văn hóa, trách nhiệm với quá khứ và tương lai của dân tộc”, ông Trung nói. Chúng nhắc nhở mỗi người dân Việt Nam về giá trị của việc bảo tồn và phát huy di sản, để những câu chuyện của hôm qua tiếp tục được kể cho mai sau.