ClockThứ Hai, 25/10/2021 06:35

Giữ cốt cách Huế - Bài 1: “Đặc sản” riêng có chốn kinh kỳ

TTH - Văn hóa, đạo đức, lối sống và cốt cách của người Huế cũng là “đặc sản” làm nên bản sắc riêng có của vùng đất Cố đô. Nếu biết cách bồi đắp, phát huy, những giá trị ấy sẽ là nền tảng tinh thần, sức mạnh nội sinh quan trọng để Thừa Thiên Huế phát triển bền vững về mọi mặt theo định hướng đô thị di sản.

Sáng đẹp cốt cách phụ nữ HuếGiữ cốt cách HuếCốt cách Huế trong tranh của họa sĩ Tôn Thất Đào

Nói đến cốt cách của người Huế, có thể dùng câu hát: “Vẻ đẹp Huế chẳng nơi nào có được, nét dịu dàng pha lẫn trầm tư…” trong ca khúc “Huế tình yêu của tôi” của nhạc sĩ Trương Tuyết Mai để hình dung.

 

Nét duyên dáng của phụ nữ Huế. Ảnh: Định Phước

Tìm lại nét xưa

Nói đến người Huế, không thể không nhắc đến hình ảnh người phụ nữ đã đi vào bao tác phẩm thi ca, nhạc, họa. Muốn bắt gặp nét Huế xưa, có thể tìm thấy ở những “con yêu bánh nậm”, một cách gọi yêu các cô gái Huế tinh nghịch. Nhiều lần được gặp, trò chuyện với những nữ sinh Đồng Khánh xưa – những “con yêu bánh nậm” thứ thiệt một thời, nhìn họ trò chuyện, làm bánh, làm mứt, nghe họ hát ca… tôi như thấy bóng dáng của Huế một thuở kinh kỳ.

Thuở đôi mươi, những nữ sinh Đồng Khánh này hội đủ nét đẹp công, dung, ngôn, hạnh. Bây giờ, dù luống tuổi, họ vẫn toát lên vẻ đằm thắm, phong thái dịu dàng, cốt cách trang nhã của người phụ nữ Huế; vẫn duyên dáng, trang trọng trong tà áo dài truyền thống; vẫn từ tốn, ăn nói nhỏ nhẹ, thanh tao. Nghe tiếng Huế êm ả, ấm áp, trầm mà thanh, càng cảm nhận được chất Huế rặt ở những con người này. Thích nhất là được xem họ trổ tài nữ công gia chánh được học từ cô giáo nổi tiếng của Trường Đồng Khánh - Hoàng Thị Kim Cúc. Các loại bánh Huế, những món ăn dân dã qua đôi bàn tay khéo léo ấy trở thành tác phẩm nghệ thuật.

Tôi từng thắc mắc với mấy “con yêu bánh nậm”, vì sao thế hệ các cô chuẩn kiểu Huế? Họ ngạc nhiên nhìn tôi: “Tại rứa chơ răng? Tại Huế rứa thì mấy cô rứa. Tại Huế là xưa mà, không xưa thì không Huế”. Nhưng, ngẫm kỹ, cách giải thích đương nhiên ấy đã hàm chứa câu trả lời cụ thể: do đặc trưng văn hóa của đất Thần Kinh và cả sự giáo dục khắt khe của gia đình, nhà trường và xã hội.

Trao truyền những giá trị truyền thống cho thế hệ trẻ. Ảnh: Minh Hiền

Một cựu nữ sinh Đồng Khánh kể, thời ấy, ngoài kiến thức, đạo đức, thế hệ chúng tôi còn được nhà trường dạy nữ công gia chánh, thêu thùa, may vá... Ở nhà, chúng tôi được gia đình dạy dỗ nghiêm khắc về công, dung, ngôn, hạnh. Con gái phải học ăn, học nói, học gói, học mở, ngay cả cách rửa chén bát. Chưa đi đã chạy, chưa nói đã cười hay ra ngoài ăn mặc không tươm tất là điều cấm kỵ. Thấm nhuần nếp sống giản dị và gia giáo, con gái Huế luôn hội đủ chuẩn mực của công, dung, ngôn, hạnh.

Nhắc đến nếp xưa, GS. TS. Thái Kim Lan, cũng là một nữ sinh Đồng Khánh, phân tích: “Khung cảnh, điều kiện xã hội, văn hóa của Cố đô Huế cộng thêm giáo dục gia đình còn giữ nề nếp truyền thống là hai yếu tố chính tạo nên “bản sắc” Huế của các thế hệ thập niên 40, 50, 60, 70 thế kỷ trước. Chính khung cảnh tiểu gia đình và đại gia đình với sự liên hệ rất mật thiết “kẻ đi trước làm gương cho người đi sau” đã nhấn mạnh đến đức hạnh của người phụ nữ, kiểm soát cách ăn mặc, nói năng giữ gìn, đi đứng thanh nhã, khéo léo nội trợ. Tuy nhiên, giáo dục luôn đi kèm với tự nguyện và sức hút của trào lưu xã hội. Nếu xã hội không có một khung quy luật truyền thống thì giáo dục sẽ không thành công”.

Vẻ duyên dáng của người phụ nữ Huế. Ảnh: Minh Hiền

Chất kinh kỳ sang trọng

Truyền thống lịch sử và giá trị văn hóa mà Huế mang nặng đã xây đắp nên những giá trị truyền thống tốt đẹp, hình thành những nếp gấp trong suy nghĩ, đời sống, nhu cầu vật chất và tinh thần, cách ăn và mặc, nói năng, ứng xử rất đặc trưng của người Huế. GS. TS. Thái Kim Lan cho rằng, chất Huế là sự kín đáo, một chút tư thế phản tĩnh về hiện hữu đời thường và ý muốn gìn giữ chiều sâu của tâm hồn, sự trang trọng nét đẹp tinh thần.

Theo "Địa chí Thừa Thiên Huế", tính cách con người Huế ngoài phản ánh các đặc trưng của văn hóa Việt Nam nói chung còn phát sinh từ các đặc trưng riêng biệt của văn hóa Thừa Thiên Huế. Có thể kể, đó là tính cách hiền hòa mà quật khởi (được minh chứng qua các cuộc kháng chiến); thâm trầm mà nồng nhiệt; chất phác nhưng nhuần nhị, tinh tế...

Người Huế sống trong không gian văn hóa đậm chất kinh kỳ nên nề nếp lễ nghĩa, sống cân bằng, ung dung tự tại và thanh lịch... Nhịp sống chậm rãi, từ tốn của Huế giúp con người trầm tư, chiêm nghiệm, không vội vàng chạy theo cái mới, giúp họ giữ những nét đẹp xưa. Người Huế sống rất nặng lòng với tổ tiên, quyến luyến với văn hóa truyền thống, nếp sống cũ.

“So với các địa phương khác, người Huế biết bảo tồn di sản văn hóa tinh thần của cha ông. Tính cách ấy khiến họ xứng đáng là những “thủ từ”. Vì vậy, Huế chắc chắn sẽ là nơi giữ gìn văn hóa truyền thống tốt nhất và định hướng xây dựng Huế trở thành đô thị di sản là phù hợp”, TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao đúc kết.

Áo dài nam, một nét văn hóa xưa hiện diện trong đời sống hiện đại. Ảnh: Sở VHTT cung cấp

Giữ gìn, phát huy, lan tỏa

Dưới tác động của nhịp sống hiện đại, sự hội nhập, những giá trị văn hóa người Huế mang nặng qua bao thế hệ đang dần phai nhạt. Dù vẫn giữ được nền tảng, giá trị truyền thống nhưng môi trường văn hóa còn tồn tại những biểu hiện thiếu lành mạnh, trái với thuần phong mỹ tục. Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thông ưu tư: “Những gì làm nên tính cách người Huế: lễ nghĩa, thong dong, thâm trầm, nề nếp… đã từng lan tỏa khắp mọi nơi, nay đang lặng lẽ mất dần. Thay vào đó là sự hòa tan một cách đáng tiếc vào những xu thế của lối sống thực dụng, vội vã”.

Ông đề nghị, những gì riêng có đầy ấn tượng của Huế chính là các “mảnh ngọc bích” đang bị vỡ vụn trong không gian lẫn thời gian, nhất thiết phải tìm lại nếu chúng đã mất, phải nuôi dưỡng nếu chúng đang trên đà mai một và phải phát triển những gì chúng đang được duy trì.

Huế vốn để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng du khách thập phương về một xứ sở cổ kính, nên thơ, đậm dấu ấn văn hóa. Bên cạnh những di sản vật thể và phi vật thể, giá trị văn hóa vùng đất được cảm nhận đầu tiên qua mỗi con người. Vì thế, cần phải giữ gìn lối sống, cốt cách Huế, đưa những nét văn hóa đặc trưng thấm vào trong từng con người cụ thể. Để rồi, bất cứ ai đến mảnh đất này, tiếp xúc với người dân nơi đây, sẽ cảm nhận chất Huế không chỉ qua giọng nói mà từ cốt cách, phong thái, văn hóa ứng xử tốt đẹp họ đã từng biết trong sách vở.

Kinh tế rồi sẽ phát triển. Lúc ấy, chắc chắn sẽ có sự du nhập của lượng người rất đông từ các nơi đến làm ăn, công tác, sinh sống. Trước khi điều đó diễn ra một cách mạnh mẽ, Huế phải xây dựng nền tảng văn hóa đủ mạnh để tạo ra sự lan tỏa với những người mới. Có như vậy mới giữ được tổng thể Huế cả về cảnh quan cũng như những giá trị văn hóa lịch sử.

Theo Bí thư Thành ủy Huế Phan Thiên Định, hồn cốt và sự bền vững của đô thị di sản đặc thù chính là con người. Xây dựng giá trị văn hóa cho con người chính là hướng đến xây dựng một đô thị di sản đặc thù. Vì vậy, gìn giữ, phát huy, lan tỏa được những giá trị đạo đức, lối sống, phong tục, tập quán tốt đẹp sẽ đưa những nét đẹp đó trở thành động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

Minh Hiền

Bài 2: Nét cũ hòa vào nhịp sống mới

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đảm bảo an ninh trật tự, phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội

Ngày 9/1, Công an TP. Huế tổ chức hội nghị triển khai công tác Công an năm 2025. Tham dự hội nghị có các ông: Lê Trường Lưu, UVTW Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng Đoàn ĐBQH TP. Huế; Phạm Đức Tiến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Nguyễn Thanh Bình, UVTV Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Huế.

Đảm bảo an ninh trật tự, phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội
Người dân tập trung cập nhật sinh trắc học trong ngày làm việc đầu năm

Dù đã có nhiều thông báo về việc cập nhật sinh trắc học trước thời điểm 1/1/2025 để đảm bảo không bị dừng các giao dịch thanh toán trực tuyến, tuy nhiên, nhiều người dân vẫn chưa cập nhật sinh trắc học cho tài khoản ngân hàng điện tử. Vì thế trong ngày làm việc đầu tiên của năm 2025, các ngân hàng đều đón một lượng khách hàng đến cập nhật thông tin sinh trắc học rất đông

Người dân tập trung cập nhật sinh trắc học trong ngày làm việc đầu năm
Đô thị di sản và hướng đi riêng có của Huế

Huế từ hôm nay, ngày 1/1/2025 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương thứ 6 của Việt Nam và được xem là “đô thị di sản” đầu tiên của Việt Nam. Không chỉ là đô thị di sản đẳng cấp của Việt Nam, Huế còn được các tổ chức thế giới đánh giá cao trong công cuộc bảo tồn những giá trị ngàn xưa để lại và được phát huy giá trị một cách hiệu quả với những đặc thù, riêng biệt.

Đô thị di sản và hướng đi riêng có của Huế
Huế trở thành điểm cuốn hút các đoàn làm phim

Nổi tiếng là đô thị di sản cổ kính, Huế nhờ thế trở thành điểm đến của điện ảnh trong nước lẫn quốc tế. Mỗi công trình kiến trúc, hay một danh thắng, địa danh nào đó ở Huế đều có thể trở thành bối cảnh trong các bộ phim từ điện ảnh cho đến phim ngắn. Điều này đã ít nhiều tạo thương hiệu giúp du lịch địa phương bùng nổ.

Huế trở thành điểm cuốn hút các đoàn làm phim

TIN MỚI

Return to top