ClockThứ Tư, 13/04/2022 21:46

Gian nan phát triển văn hoá đọc

TTH.VN - Để có được một thư viện nhỏ trong trường học hay những tủ sách ở các nhà văn hoá, không gian công cộng… tưởng chừng là chuyện đơn giản nhưng ẩn sâu phía sau là cả một hành trình dài. Hành trình của những con người lặng thầm vì tình yêu với sách, niềm đam mê lan toả, phát triển văn hoá đọc.

Lan toả văn hoá đọc, góp sách cho học sinh trường khó khăn“Tủ sách Huế” hướng đến nhiều mục tiêu quan trọngĐầu tư trọng điểm để nâng tầm vị thế cho văn hóaĐối thoại mới với lịch sử & văn hóa

Một đôi bạn trẻ chọn mua sách tại hội sách xuyên Việt

Lặng lẽ lan toả

“Không phải ai cũng có điều kiện, không phải ai cũng tiếp cận được văn hoá đọc một cách dễ dàng. So với thành phố, học sinh vùng nông thôn thiệt thòi lắm”, thầy giáo về hưu Vệ Văn Lẫm đã tâm sự như thế trong hành trình theo đuổi việc lan toả văn hoá đọc.

Hành trình hơn 10 năm lặng lẽ cùng đồng nghiệp đi gieo mầm văn hoá đọc, người thầy từng là cựu hiệu phó Trường THPT Phan Đăng Lưu (TP. Huế) đối mặt với bao khó khăn khi đưa từng cuốn sách, thúc đẩy việc đọc vào đời sống, trong đó tập trung vào các vùng nông thôn, miền núi.

Trước những trăn trở đó, thầy Lẫm cùng những đồng nghiệp, cựu giáo chức góp tiền để mua sách, khảo sát từng trường học, đặt vấn đề thiết lập tủ sách, giúp các em có không gian đọc, tiếp cận với những cuốn sách mới, hay. Không dừng lại đó, tiếp xúc với rất nhiều học sinh, em nhỏ thầy Lẫm bảo rằng, vẫn còn rất nhiều em chưa biết cách đọc. Đa phần các em đọc để giải trí thay vì để học, để nâng cao kiến thức. “Vì thế chúng ta phải hướng dẫn các em, giúp các em biết đọc cuốn sách gì, tìm kiếm những gì trong cuốn sách đó”, thầy Lẫm chia sẻ.

Dù đối mặt rất nhiều khó khăn, nhưng thầy Lẫm vẫn nói rằng, việc lan toả văn hoá đọc là trách nhiệm và làm công việc đó bằng tất cả trái tim, niềm đam mê. Trong hành trình đó, nhiều người đã ủng hộ từ vật chất cho đến tinh thần, nên đã có hàng chục tủ sách được trao tặng đến các trường học, giúp học sinh tiếp cận được nhiều cuốn sách hay. “Tôi tin vẫn còn rất nhiều người tâm huyết, đặc biệt là các thầy cô giáo đã về hưu hay đang giảng dạy. Chỉ cần mỗi người lan toả một chút, hỗ trợ các em trong việc dạy học, đọc sách thì văn hoá đọc sẽ được lan toả”, thầy Lẫm hy vọng.

Cô giáo Đoàn Thị Vân, Hiệu trưởng Trường tiểu học Phú Bình cũng nhận định, việc lan toả văn hoá đọc không phải là ngày một ngày hai, mà cần phải có phương pháp để giúp các em tiếp cận được với sách, với nguồn tri thức một cách khoa học nhưng hứng thú, say mê. Bên cạnh các hoạt động phát triển thư viện, tìm kiếm nguồn sách tài trợ, kể chuyện từ sách… nhà trường đã chính thức đưa thử nghiệm tiết học đọc sách. “Ban đầu dù khó khăn nhưng giờ đây văn hoá đọc đã lan toả và tạo được sự hứng thú trong mỗi học sinh. Các em đến với sách một cách say mê và vì thế mà nhà trường luôn cố gắng phát triển văn hoá đọc, bởi đây cũng là nền tảng, cánh cửa giúp các em tiếp cận tri thức, bước ra cánh cửa cuộc đời”, cô Vân tâm sự.

Hình thành thói quen từ sớm

Khác với môi trường giáo dục, câu chuyện lan toả văn hoá đọc ở những môi trường khác trắc trở hơn rất nhiều. Là người tiên phong đưa văn hoá đọc đến với đoàn viên, người lao động, bà Hồ Thị Linh-Chủ tịch Liên đoàn lao động (LĐLĐ) TX. Hương Trà bảo rằng đó là một hành trình dài, phải thật sự kiên trì.

Bà Linh kể rằng, lâu nay LĐLĐ chăm lo đời sống người lao động tốt, tổ chức nhiều hoạt động văn hoá, thể dục, thể thao nhưng riêng các hoạt động về sách thì còn khiêm tốn. Nhận thấy vai trò quan trọng của sách, bà Linh đã nhờ sự hỗ trợ của nhiều tổ chức, nguồn lực khác nhau để hình thành nên các tủ sách ở các công đoàn. Theo bà Linh, hiện nay nguồn sách không khó, khó nhất đó là truyền cảm hứng đọc.

“Thực tế, có rất nhiều đoàn viên, người lao động yêu sách. Tuy nhiên, vì công việc và phần vì không có ai tạo cảm hứng nên không kích thức được niềm đam mê đó. Thông qua các tủ sách và nhiều hoạt động về sách, chúng tôi đã kết nối được mọi người đến với sách, tạo ra một nguồn năng lượng tinh thần, trau dồi tri thức”, bà Linh kể. Không dừng lại đó, giờ đây trong giỏ quà tặng cho đoàn viên, người lao động, LĐLĐ còn bổ sung vào đó những cuốn sách, như là cách khuyến khích mọi người, lan toả ý nghĩa của việc đọc sách.

Ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam cho rằng, việc lan toả văn hoá đọc gặp khó khăn hiện nay không phải tiền bạc mà từ thói quen đọc sách của người dân còn ít. “Tôi nghĩ rằng mọi thói quen được hình thành từ nhỏ và khi lớn lên nó sẽ được duy trì, và việc đọc sách cũng thế”, ông Hoàng nhận định và nhấn mạnh, ngoài sách hay, truyền cảm hứng, kỹ năng đọc thì việc hình thành thói quen có vai trò vô cùng quan trọng.

Bài, ảnh: Nhật Minh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Học văn hóa địa phương qua trải nghiệm Tết

Trước kỳ nghỉ Tết, nhiều trường học tổ chức các hoạt động trải nghiệm Tết cổ truyền vừa tạo không khí vui tươi, vừa giáo dục truyền thống văn hóa cho học sinh.

Học văn hóa địa phương qua trải nghiệm Tết
Trung tâm văn hóa Phật giáo Liễu Quán:
Nhiều đóng góp vào công cuộc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Phật giáo

Cùng với các hoạt động văn hóa định kỳ, Trung tâm văn hóa Phật giáo Liễu Quán kết hợp một số đơn vị, tổ chức thực hiện nhiều chương trình văn hóa có ý nghĩa, trong đó có những cuộc tọa đàm, hội thảo liên quan đến vấn đề bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Phật giáo.

Nhiều đóng góp vào công cuộc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Phật giáo
Cùng con đọc sách

Đọc sách có vai trò quan trọng đối với mỗi người, đặc biệt là với học sinh. Tuy nhiên, không phải phụ huynh nào cũng có phương pháp đúng trong việc khơi gợi, định hướng cho trẻ thói quen, niềm yêu thích với sách. Hành trình khám phá tri thức của con cần sự đồng hành của ba mẹ.

Cùng con đọc sách

TIN MỚI

Return to top