ClockChủ Nhật, 08/09/2019 07:03

Cấm địa Ngự Bình

TTH - Từ thế kỷ 17 (tháng 7/Đinh Mão - 1687), Hòn Mô đã được Ngãi vương chọn làm “tiền án” khi dịch chuyển thủ phủ từ Kim Long về Phú Xuân.

Chức năng tiền án thiêng liêng đó càng được khẳng định khi vua Gia Long tái lập vương triều Nguyễn, xây dựng Kinh đô Huế ngày càng quy củ hơn. “Nhất thống chí” mô tả hình núi bằng phẳng vuông vức, nổi lên như tấm bình phong, làm án thứ nhất chính giữa Kinh thành, tục danh Bằng Sơn được vua Gia Long ban tên Ngự Bình. Thời Minh Mạng (1821) được định danh hai núi bên cạnh là Tả Phù và Hữu Bật rồi đặc biệt đến năm 1836, được chính thức ghi danh vào Nhân đỉnh. Năm 1838, vua Minh Mạng du sơn, tổ chức đãi yến quan viên trên núi nhân tiết Trùng cửu (9/9), có đề thơ kỷ niệm, bắt đầu tạo nên lệ “đăng lâm” (lên núi cao ngắm cảnh) hàng năm. Thời Thiệu Trị, nơi đây trở thành “Bình lĩnh đăng cao” (lên đỉnh Ngự Bình) trong 20 thắng cảnh đất Thần kinh.

Trang đầu của Chỉ dụ 93

Tháng 9/Đinh Dậu (1837), vua Minh Mạng cho chọn một vị trí cho bằng phẳng, xung quanh trồng nhiều hoa cỏ, hằng năm cứ đến ngày Trùng cửu, cho đặt bức màn vàng để vua quan cùng lên núi thưởng ngoạn. Tháng 3 năm sau (1838), vua lại cho 500 biền binh sửa sang núi Ngự Bình. Đến tiết Trùng cửu năm Mậu Tuất (1838) trên Ngự Bình, vua ban rượu cúc, bánh khảo và bùa đào trừ tà cho quần thần, mong tiêu hết tai nạn để được sống lâu.

Tháng 11/Bính Thân - niên hiệu Thành Thái thứ 8 (1896), quan Khâm sứ Brière bàn định đắp lại đường từ Cột cờ tới đàn Nam Giao và núi Ngự Bình để tránh quanh co, tiện đi lại. Tháng 10 năm sau (1897), vua Thành Thái ban dụ sai giữ gìn những cây tùng trên núi Ngự Bình bởi Kinh thành là trọng địa quốc gia, là nơi bốn phương chiêm ngưỡng, tiền án Kinh thành, hơi lành nghi ngút, việc tạo dựng thiết lập gởi gắm vào đó.

Núi Ngự Bình từng được các triều đại phong tặng, cây cối xanh biếc, thực sự là một thắng cảnh ở Kinh sư, nên cần phải bảo tồn. Từ đó, giao cho phủ đường Thừa Thiên cho người khám xét, chiếu theo phần đất phía trong cột mốc các đường thông, ban lệnh cấm chỉ dân trong hạt không được xâm phạm đất rừng và đốn cây hạ gỗ, ngõ hầu giữ cho cảnh quan ngày càng tươi tốt, mãi có bóng che. Đồng thời, chỗ nào còn trống, không có cây tùng thì phải trồng tỉa cho tốt, hàng năm thường xuyên lệnh cho trồng thêm, cốt phải thấy xanh um để làm đẹp thêm phong cảnh Thần kinh. Về sau (5/Canh Thân-1920), vua Khải Định còn cho bộ Công trồng thêm tùng, cốt cho tiền án Kinh thành được thêm xanh tươi.

Vấn đề này càng được triều đình Nguyễn chú trọng. Chỉ dụ số 93 ngày 18/12/Bảo Đại thứ 13 (6/2/1939) căn cứ nhu cầu bảo vệ quần thể lăng tẩm hoàng gia cũng như chống lại mọi cuộc can thiệp có nguy cơ gây tổn hại đến tính toàn vẹn của lăng tẩm và cây cối trong các khoảng rừng của trọng địa này, nhất là chống lại nạn hỏa hoạn. Văn bản này cũng khẳng định đây là một việc làm thiết thực để kịp thời “lấp đầy những khoảng trống trong luật pháp hiện hành trong lĩnh vực này”, cụ thể là trách nhiệm và chức năng của hai bộ Lễ - Công. Dụ có hai phần, dành riêng cho hai vấn đề nổi bật là núi Ngự Bình (Ecran du Roi) và quần thể lăng mộ hoàng gia.

Ở điều 1, cho phép thiết lập tại núi Ngự Bình một “vùng bảo vệ” gọi là Ngoại Cấm (lăng tẩm hoàng gia còn có vùng Nội Cấm). Vùng bảo vệ được giới hạn theo các mốc xác định bởi một bản đồ kèm theo chỉ dụ (cụ thể là ở phần tô màu vàng), tất cả đều được định vị trên mặt đất bởi một hệ thống cột đặt dọc theo con đường đi quanh dưới chân núi Ngự Bình. Trong khu vực cấm địa, chức năng giám sát, bảo vệ và duy trì việc trồng rừng cùng trồng lại rừng được giao cho Sở Lâm nghiệp. Sở này được ủy quyền để thực hiện các chức năng này sau khi có sự thỏa thuận với Thượng thư Bộ Lễ, với mọi biện pháp khả dĩ hữu ích cho việc bảo tồn thắng cảnh cũng như để đảm bảo thực hiện các biện pháp này. Để giải quyết vấn đề đó, Sở Lâm nghiệp còn có sự hỗ trợ, cộng tác nghiêm cẩn của đội Từ Phu, được lập nên để giám sát, bảo vệ khu vực trọng địa này.

Từ đó, trong điều khoản chung có đặc biệt nhấn mạnh những cấm điều trong giới hạn của vùng bảo vệ của núi Ngự Bình và lăng tẩm hoàng gia. Triều đình cấm ngặt việc đào đất, khai thác đá bằng phương tiện nổ hoặc bất kỳ quy trình nào khác tương tự (khoản 1); cấm ngặt việc đốt cháy hoặc gây ra hỏa hoạn vì bất kỳ lý do gì, ngay cả đối với việc giải phóng mặt bằng ở những nơi đất trống (khoản 2); nghiêm cấm việc đào giếng (khoản 3) và chặt thông (khoản 4).

Rõ ràng là, từ một chức năng cấm địa của Kinh thành, của Quốc gia, núi Ngự Bình được tôn trọng đặc biệt với phương thức ứng xử đặc biệt nghiêm minh để nó thực sự là một thắng cảnh với cảnh quan độc đáo, những hoạt động độc đáo có một không hai, với những quy chế đặc biệt, được thực thi với những lực lượng đặc biệt, đạt hiệu quả cao nhất. Đáng tiếc là lâu nay, cấm địa này ít được quan tâm như xưa, làm cho Ngự Bình mất đi vai trò, vị thế của một thắng cảnh đặc biệt.

Theo chúng tôi, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cần xác lập lại quy chế và phương thức bảo tồn để phát huy giá trị một thắng cảnh đặc biệt của đất Thần kinh, như hoạt động trồng cây, chăm sóc cây, hay “Bình lĩnh đăng cao” nhân tiết Trùng cửu...

Bài, ảnh: MINH PHƯƠNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đổi tên Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh thành Bộ Chỉ huy quân sự TP. Huế

Ngày 30/12, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức lễ công bố Quyết định của Bộ Quốc phòng về việc thay đổi tên gọi đơn vị, sáp nhập, giải thể và thành lập mới. Tham dự có Trung tướng Hà Thọ Bình, Tư lệnh Quân khu 4; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Đức Tiến; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương.

Đổi tên Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh thành Bộ Chỉ huy quân sự TP Huế

TIN MỚI

Return to top