ClockThứ Sáu, 31/01/2014 00:38

Tết trong mắt nhà nghiên cứu Phan Thuận An

TTH.VN - Tết Nguyên đán - Cái Tết lớn nhất trong năm của người Việt từ nghìn đời nay. Ngược dòng thời gian tìm hiểu phong tục Tết ở xứ Huế, chúng tôi có dịp gặp gỡ, trao đổi với ông Phan Thuận An - Nhà nghiên cứu Huế.

Xin ông cho biết chữ Tết có nguồn gốc từ đâu?

Tết Nguyên đán là ngày hội của người Việt, không phân biệt đẳng cấp, tôn giáo, tín ngưỡng nào, ở khắp 3 miền Bắc, Trung, Nam và cả bà con ở hải ngoại.

Một buổi lễ đại triều ở sân điện Thái Hòa (ảnh chụp năm 1924).

Có một điều ít ai biết đến: Từ Tết trong chữ Nôm là do từ “tiết” trong chữ Hán đọc trại ra. Trong Âm lịch, mỗi năm có 360 ngày, được chia làm 24 tiết (mỗi tiết 15 ngày), chẳng hạn như tiết đông chí, tiết xuân phân, tiết thanh minh,… Nhưng, trong nhiều trường hợp, chữ “tiết” ấy đã được đọc và nói ra thành “tết”, như Tết Đoan ngọ (ngày mồng 5 tháng 5 Âm lịch), Tết Trung thu (Rằm tháng tám), Tết Trùng cửu (mồng 9 tháng 9), Tết Thượng nguyên (Rằm tháng Giêng), Tết Hạ nguyên (Rằm tháng 10) và đặc biệt nhất là Tết Nguyên đán. Đặc biệt đến nỗi đôi khi chỉ nói một từ “Tết” thôi, thì ai cũng hiểu được rằng đó là ngày vui nhất trong năm.

Ông có thể cho độc giả biết đôi nét về sinh hoạt đón Tết ở chốn cung đình và trong dân gian Huế ngày xưa?

Trong những dịp đón Tết Nguyên đán ngày xưa ở Huế, có thể chia làm hai khu vực sinh hoạt: khu vực sinh hoạt dân gian và khu vực sinh hoạt cung đình, vì Huế là Kinh đô của nhà Tây Sơn (1788 - 1881) rồi nhà Nguyễn (1802 - 1945).

Lễ cúng Giao thừa của một gia đình truyền thống ở Huế.

Ở chốn Hoàng cung, dịp cuối năm, triều đình bỏ ra ít nhất là một tuần để chuẩn bị việc đón chào năm mới, ấy là chưa kể thời gian nghỉ việc để vui xuân kéo dài những ngày sau đó. Vào hạ tuần tháng Chạp, triều đình chấm dứt công việc hàng ngày của năm cũ bằng cuộc lễ “Phất thức”, trong đó, các hoàng thân và đại thần có uy tín nhất được vua chỉ định tham gia việc lau chùi và kiểm kê lại tất cả các khuôn dấu bằng ngọc, bằng vàng và các bảo vật vô giá khác trong Hoàng cung, cất vào nhiều rương hòm niêm lại, để vào các tủ ở điện Càn Thành (nơi vua ăn ngủ) rồi khóa kỹ. Đó là ngày “phong ấn”. Sau đó, đến ngày “khai ấn” vào thượng tuần tháng Giêng thì mới được đem ấn chương ra để đóng vào giấy tờ.

Mấy ngày trước Tết, nhà vua ban tặng cho mỗi đại thần một món quà Tết, thường là một bộ y phục hoặc một xấp vải lụa dệt hoa để tự may lấy.

Sáng mồng một Tết, tất cả các triều thần mặc lễ phục tề tựu ở sân điện Thái Hòa, sắp hàng theo thứ tự phẩm trật và nguyên tắc “tả văn hữu võ”. Trong điện, vua ngự trên ngai vàng. Theo tiếng xướng của một đại thần Bộ Lễ, bá quan văn võ cùng lạy 5 lạy để chúc thọ nhà vua trong âm thanh vui tươi của dàn Nhã nhạc đứng ở hai bên sân chầu. Ngay sau lễ Đại triều, nhà vua ngự điện Cần Chánh, cho diện kiến và ban ngự tửu cho một số đại thần trong chốc lát, rồi ai về nhà nấy để vui Tết với gia đình.

Còn trong chốn dân gian, sinh hoạt đón Tết vui Xuân của người Huế và của người Việt ở các vùng miền khác ngày xưa đều có một mẫu số chung. Đó là những ngày đoàn tụ gia đình, dưới cùng một mái ấm, tỏ lòng biết ơn đối với cha mẹ, ông bà, tổ tiên và cùng đặt hy vọng vào một năm mới an lành, tươi sáng.

Với bề dày lịch sử và chiều sâu văn hóa của mình, Huế là một trong những nơi cuối cùng còn bảo lưu được tương đối nguyên vẹn các giá trị văn hóa dân tộc nói chung và nếp sinh hoạt truyền thống trong những ngày Tết nói riêng.

Đây là đất Thần kinh, vừa là chốn Thiền kinh. Người Huế sống nặng về tâm linh thuần khiết và gắn chặt với quá khứ của từng gia tộc. Sự đón Tết vui Xuân ở đây không chỉ dành riêng cho những người đang sống, mà còn dành phần ưu tiên cho sinh hoạt tâm linh và cho những thành viên trong gia đình đã khuất bóng.

Dù đi làm ăn xa đến đâu, người ta cũng cố gắng trở về quê cũ để được sống trong giờ phút Giao thừa thiêng liêng dưới mái nhà xưa. Trên nguyên tắc, lễ Tết Nguyên đán chỉ diễn ra nội trong 3 ngày, thường được các cụ xưa gọi là “tam nhật chi nội”. Nhưng thực tế từ nghìn xưa, thời gian kể từ khi chuẩn bị đón Xuân cho đến lúc “ăn Tết” xong, có khi kéo dài cả tháng.

Trong gia đình truyền thống người Huế, ngay từ đầu tháng Chạp, ý thức chuẩn bị đã manh nha và một số động tác đã được khởi sự tiến hành. Như một thuần phong mỹ tục, người phụ nữ trong nhà (người mẹ, người vợ, các tiểu thư) thường đảm trách phần lớn công việc chuẩn bị ấy một cách tự nguyện và vui vẻ. Tết là cơ hội thích hợp nhất để các bà các cô trổ tài nữ công gia chánh mà Trường Đồng Khánh đã dạy cho họ với các loại bánh trái, mứt món và đồ ăn thức uống được sửa soạn, nấu nướng, chế biến, tỉa tót một cách tỉ mỉ và công phu bằng bàn tay khéo léo của mình.

Sáng mồng một Tết, người Huế thường đi chùa lễ Phật trước khi thăm viếng bà con nội ngoại và bằng hữu tâm giao. Tết cũng là dịp để mọi người hóa giải những lầm lỗi cho nhau trong tinh thần khoan dung và độ lượng của một mốc thời gian mới mở ra.

Nhiều người cho rằng, đã có sự đổi thay trong cách đón Tết. Ông nghĩ như thế nào về điều này?

Quả thật là có sự đổi thay trong cách đón Tết giữa xưa và nay. Ngoài những sinh hoạt “tống cựu nghinh tân” ở chốn cung đình đã lùi về dĩ vãng, chúng ta có thể nêu ra một số đổi thay cụ thể trong sinh hoạt đón chào năm mới ở chốn dân gian:

- Trong khi chuẩn bị lễ vật và đồ ăn thức uống để cúng Tết trong gia đình, các bà các cô thường đi siêu thị mua đồ làm sẵn đem về để trong tủ lạnh dùng chứ không còn do chính bàn tay của mình làm ra nữa.

- Giờ phút Giao thừa, sinh hoạt lễ nghi truyền thống trong phạm vi gia đình không còn được xem là thiêng liêng như xưa nữa. Giờ phút chuyển giao từ năm cũ qua năm mới ấy, người ta thường kéo nhau ra đường, ra bờ hồ, bờ sông để xem bắn pháo hoa hơn ở nhà quây quần bên nhau trước bàn thờ gia tiên trầm hương nghi ngút.

- Có những người chọn những ngày Tết để đi du lịch trong hoặc ngoài nước thay bằng đoàn tụ dưới một mái nhà.

Người Việt Nam chúng ta còn rất nhiều giá trị văn hóa truyền thống khác cần được tôn vinh và giữ lại. Riêng về các giá trị đặc trưng thuộc văn hóa Tết, có thể nêu một cách cụ thể những động thái chuẩn bị đón Tết của người phụ nữ trong gia đình như là một đức hạnh, một thiên chức tốt đẹp như đã nói ở trên, hay là thái độ vui mừng trong những ngày đầu Xuân mới nhưng không quên hướng về nguồn cội, tưởng nhớ đến gia tiên như lòng tri ân của kẻ hậu sinh đối với các bậc tiền bối…

Tôi cho rằng, đó là những thuần phong mỹ tục, những nét đẹp của gia phong và của quốc hồn quốc túy cần phải bảo tồn. Thế mới gọi là hòa nhập mà không hòa tan bởi mặt trái của hội nhập và của nền kinh tế thị trường.
Hương Giang (thực hiện)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hàng mai trước hiên nhà

Lão yêu hoa như yêu con. Đặc biệt là mai vàng. Tết đến, ai đi ngang nhà lão cũng trầm trồ vì cả một rừng mai mọc kiêu hãnh trước hiên nhà. Xen kẽ dưới những gốc mai là hoa vạn thọ, mười giờ, sống đời… chen chúc nhau ưỡn mình đón nắng. Mai của lão trồng không to, gầy, khẳng khiu như thân hình của lão. Tuy vậy chúng có sức sống mãnh liệt và nở hoa cánh to, đẹp dịu dàng.

Hàng mai trước hiên nhà
“Đò anh Đới...”

Sau nhiều lần dự định đến thăm người chủ đò đầu tiên chở du khách nghe ca Huế trên sông Hương, hôm nay tôi đã được diện kiến. Người chủ đò tên Đới năm xưa gắn liền với cái bảng hiệu có một không hai treo trên chiếc đò của mình: "Đò anh Đới - Đời anh đó". Ngôi nhà của ông Đới sát bờ sông Hương, gần khu vực cồn Hến, nhìn sang là cầu Phú Lưu nối với con đường mang tên Ưng Bình - một hoàng tộc Triều Nguyễn, nhà thơ và là soạn giả ca Huế nổi tiếng.

“Đò anh Đới  ”
Những “Nghệ sĩ hát rong” của làng

Bây giờ còn ai ra ngồi hóng mát ở cầu và hò ru em hay hát những câu ca, làn điệu dân gian của quê mình hay không? Hát như là chơi, là tự nguyện, chỉ cần có người muốn nghe là hát, hát để giới thiệu làng mình, giới thiệu cây cầu ân tình của làng mình, tôi nghĩ chắc chỉ có ở cầu ngói Thanh Toàn, xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy.

Những “Nghệ sĩ hát rong” của làng
Động lực mới cho di sản Huế

Thành phố Huế - Đô thị di sản đặc trưng của Việt Nam, đang từng bước biến những giá trị văn hóa lịch sử thành động lực kinh tế, tạo nên một mô hình phát triển bền vững, vừa bảo tồn vừa phát huy các giá trị di sản.

Động lực mới cho di sản Huế
“Khát vọng Thái Hòa”

Bên trong điện Thái Hòa - “trái tim” của Hoàng cung Huế, triển lãm “Khát vọng Thái Hòa” đưa du khách đắm mình trong hành trình khám phá chiều sâu lịch sử và chiêm ngưỡng những giá trị văn hóa vượt thời gian.

“Khát vọng Thái Hòa”

TIN MỚI

Return to top