ClockThứ Tư, 31/01/2018 10:19

Tiếng vọng từ lịch sử

TTH - (Nhân Tọa đàm về tiểu thuyết “Trùng tu” của Thái Bá Lợi tại Huế)

“Đọc sách là nuôi dưỡng trí tuệ”Trưng bày - triển lãm 250 đầu sách của các nhà văn Huế

Nhân kỷ niệm 50 năm cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, NXB Hội Nhà văn vừa tái bản lần thứ 4 tiểu thuyết “Trùng tu” của Thái Bá Lợi - tác phẩm đã được tặng Giải thưởng Nhà nước năm 2012 (cùng với tiểu thuyết “Họ cùng thời với những ai”). Phần lớn bối cảnh trong “Trùng tu” là cuộc chiến bi tráng Tết Mậu Thân-1968 ở Huế, nên tác giả chọn Hội Văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế là nơi tọa đàm về tác phẩm trong dịp này là rất có ý nghĩa.

Trong 50 năm qua, đã có rất nhiều sách báo viết về sự kiện Tết Mậu Thân-1968 với những cách nhìn khác nhau. Đó cũng là chuyện bình thường trước các sự kiện lịch sử rộng lớn và phức tạp, nhất là đối với những người từng ở bên kia chiến tuyến. Riêng về văn học, chúng ta từng biết Nguyễn Quang Hà có tiểu thuyết “Lửa kinh thành”, Xuân Thiều có “Huế - Mùa mai đỏ”…

“Trùng tu” của Thái Bá Lợi không có quy mô như “Huế - mùa mai đỏ”. Chỉ gần 200 trang sách, nhưng “Trùng tu” vẫn phản ánh được nét chủ yếu nhất của sự kiện Mậu Thân là sự ác liệt của cuộc chiến và tinh thần chịu đựng, dũng cảm vô song của những người lính.

“Trùng tu” rất ít nhân vật, cốt truyện cũng đơn giản. Nhân vật “Tôi” – một chiến sĩ trực tiếp chiến đấu tại Huế thời Mậu Thân cho đến khi nhiều sĩ quan hy sinh, anh được cử làm đại đội trưởng, mươi năm sau, tình cờ gặp lại đồng đội là “Nó” - một sinh viên Hà Nội vào chiến đấu tại Huế trong đơn vị súng cối - khi “Nó” đã là một chuyên gia lo việc trùng tu lại Huế, vào Đà Nẵng gặp kiến trúc sư nổi tiếng Kazimierz, người Ba Lan. Hai cựu binh gợi nhắc nhau nhớ lại những ngày Mậu Thân khói lửa, câu chuyện có sự hiện diện vài nhân vật, như Tham mưu trưởng Lương, Tiểu đoàn trưởng Sanh, trợ lý tuyên truyền trung đoàn Thị, trinh sát Đương, hai bố con một gia đình Huế nơi “Tôi” bám trụ và cô Mai, một thiếu nữ Huế tham chiến thời đó…

Nhà thơ Thanh Thảo, trong câu kết của bài giới thiệu tác phẩm, đã viết: “… bây giờ, nói thật, tôi cũng chưa rõ Thái Bá Lợi định trùng tu cái gì? Ký ức chiến tranh hay ngôn ngữ của chính anh. Có lẽ cả hai, mà có khi lại là cái khác…”. Nhà thơ viết kiểu “lửng lơ” với hàm ý nhắc người đọc hãy suy nghĩ tới thông điệp có chiều sâu hơn, rộng hơn của tác giả “Trùng tu”, ngoài nội dung “trùng tu” ký ức - nhắc nhớ về một sự kiện bi tráng, về nhiều, rất nhiều chiến sĩ đã hy sinh trong Mậu Thân.

Quả là cách Thái Bá Lợi xen vào giữa các đoạn “hồi cố” cuộc chiến Mậu Thân vô cùng ác liệt của hai nhân vật cựu binh bằng cảnh sống hiện tại ở một nhà hàng tại Đà Nẵng, trước thính giả duy nhất là kiến trúc sư Kazimierz - người đã bỏ cả cuộc đời giúp trùng tu Mỹ Sơn và di tích Huế - ông không nghe được tiếng Việt nhưng theo “Nó”, ông vẫn hiểu hai người bạn nói gì, đã tạo ra một sự tương phản ghê gớm đều do chính con người tạo ra - cảnh phá hoại, giết chóc khủng khiếp của chiến tranh bên việc nâng niu gìn giữ, “trùng tu” những kiệt tác điêu khắc và kiến trúc, di sản văn hoá có tầm nhân loại… Cũng có thể nói, đó là tiếng nói ngầm của tác phẩm, là sự cảnh tỉnh nhân loại đừng bao giờ nên lặp lại những thảm kịch như thế nữa… Mặt khác, việc tạo ra nhân vật “Nó” từng nhiều lần ở bên cửa tử trong Mậu Thân, nay trở lại Huế trùng tu các di tích đã bị tàn phá trong chiến tranh, tác giả còn muốn nói rằng đây là một công việc đòi hỏi biết bao tâm huyết, thậm chí là thiêng liêng. Về sau, khi hai cựu binh lại xa nhau, “Nó” đã viết thư cho bạn:

“Nó thường kể về công việc tu sửa di tích như đó là niềm vui duy nhất còn có trên cõi đời này. Nó nói nghìn năm sau con người vẫn phải cần đến công việc của nó… Dù khó khăn đến đâu việc trùng tu Huế trước sau cũng sẽ làm được, nó nói cảm xúc của nó đầy ứ trên mỗi viên gạch, mỗi bậc thềm mà nó đi qua…”.

Cho dù vậy, đọc “Trùng tu”, ấn tượng sâu đậm nhất đọng lại trong tâm trí độc giả vẫn là những cảnh tượng thật bi tráng trong cuộc chiến Mậu Thân, nhất là giai đoạn phải rút lui khỏi thành phố, cả một tiểu đoàn bị quân Mỹ bao vây với lực lượng hùng hậu, với đủ loại bom pháo, phải liều chết phá vây rồi lại bị bao vây… đến phút chót chỉ còn mấy chục người sống sót. Mai - nhân vật nữ duy nhất trong tác phẩm, tuy chỉ xuất hiện không nhiều ở một trận đánh trong thành phố, rồi gặp lại “Nó” trong tốp thương binh cuối cùng rút lên rừng, nhưng đã tạo nên một hình tượng thật đẹp, đậm chất Huế. Bên cạnh đó, người đọc không khỏi rùng mình ghê sợ trước cảnh những tên Mỹ xông lên, xả súng vào những căn hầm, trong đó bác sĩ Nhạc đang cứu chữa cho thương binh. Cảnh các thương binh dìu nhau thoát khỏi cuộc bao vây dưới tầm bom pháo liên tục, trong đó hình ảnh người tham mưu trưởng đảm trách vị trí nguy hiểm nhất; rồi Đương - một chiến sĩ bình thường đã chiến đấu và hy sinh như một anh hùng khiến chúng ta khâm phục bao nhiêu thì việc tên Thị trốn tránh chỗ nguy hiểm, tháo chạy bỏ mặc đồng đội khi địch tràn đến thật đáng khinh ghét. Tác giả, tuy cố giữ lối viết khách quan, cũng không giấu được ác cảm của mình với Thị, khi cho “Nó” trách: “Mày quên tay Thị là điều không thể tha thứ được. Mười mấy năm ròng, tao vẫn nghĩ thế nào cũng tìm gặp được cha nội này… Những thằng như nó biết cách để không phải chết…”. Quả nhiên là Thị đã sống, khi “Nó” tình cờ gặp lại thì Thị đã là thư ký cho một Thứ trưởng, trong khi bao người tốt đã chết, tham mưu trưởng thì bị thương vào sọ não, về làng thành một người ngẩn ngơ...

Kỷ niệm 50 năm sự kiện Tết Mậu Thân-1968, đọc lại “Trùng tu”, chúng ta chia sẻ với tác giả khi ông kết thúc tác phẩm với ý nghĩ rằng việc trùng tu di tích “làm sao quan trọng bằng việc trùng tu những điều năm tháng đi qua đã để lại, những con người bước từ trong đó ra, kể cả nó và tôi”. Phải! “Trùng tu”, xây dựng lại những con người - không chỉ với những kẻ khôn ranh như Thị (“Thời này nó càng tính toán kỹ hơn”. “Nó” đã nhận xét về Thị như thế) - mà với tất cả mọi người, vì cuộc sống mới, những thử thách mới, trong khi đòi hỏi con người phải có những phẩm chất mới thích ứng, vẫn cần biết bao tinh thần xả thân vì Tổ Quốc, vì đồng đội, không lùi bước trước gian nguy như những chiến sĩ trong chiến dịch Mậu Thân năm xưa…   

Nguyễn Khắc Phê

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Những “người hùng thầm lặng”

Lần đầu tiên, những nghệ nhân, thợ lành nghề được tôn vinh vì những đóng góp đầy ý nghĩa trong công cuộc bảo tồn, tu bổ công trình di tích.

Những “người hùng thầm lặng”
Tôn trọng yếu tố gốc trong trùng tu di tích lăng Tự Đức

Dự án “Bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lăng vua Tự Đức”, gồm điện Hòa Khiêm, Minh Khiêm Đường, Ôn Khiêm Đường, la thành, cổng, bình phong đang được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế triển khai.

Tôn trọng yếu tố gốc trong trùng tu di tích lăng Tự Đức
Đọc lại “Mạ tui” - Nhớ một người thầy - một nhà văn… không nổi tiếng

Tự truyện “Mạ tui” của Nguyễn Viết An Hòa được NXB Thuận Hóa in từ năm 2018, đã được “nối bản” nhiều ngàn cuốn, mặc dù theo quan niệm thông thường, tác giả là người không/chưa nổi tiếng. Hơn chục năm trước, trong một cuốn sách đã in, tôi nêu vấn đề “Tự truyện không chỉ dành cho người nổi tiếng”.

Đọc lại “Mạ tui” - Nhớ một người thầy - một nhà văn… không nổi tiếng
Có đồng thuận, có thành quả

Sự đồng thuận đó, chắc chắn không phải tự dưng mà có, mà là thành quả của sự nỗ lực “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà” của những người làm công tác dân vận.

Có đồng thuận, có thành quả

TIN MỚI

Return to top