ClockThứ Bảy, 29/10/2022 15:04

Nhớ lụt

Rau làng sau lụtVề với vùng lũ

Buổi tối, trong tiếng mưa đêm ầm ầm dội xuống mái tôn, cả nhà ngồi xúm xuýt quanh rổ đậu phụng vừa bóc vỏ, vừa theo dõi các bản tin về mưa lũ. Tôi nói với mấy đứa con, ráng lột xong mớ đậu phụng, sáng mai làm món muối sả. Hộp sả băm cấp đông trong ngăn tủ, đang chờ có bạn “kết tóc se duyên”. Bọc đậu phụng này được người bạn ở quê gửi tặng từ mùa hè. Mấy tháng nay vẫn cất kỹ trên kệ bếp, giờ mới có đất dụng võ. Trời mưa gió, ăn cơm với muối đậu sả thì ngon nhất hạng.

Vậy mà mưa mãi không dứt. Đến nửa đêm thì nước lấp xấp lên đường, rồi mấp mé bên hiên, sau thì tràn vào nhà. Chạy theo con nước, cả nhà tôi cũng tất tả dọn lụt, cái nào kê cao được thì kê lên cao, cái nào chuyển lên gác được thì chuyển. Sau khi đã dọn dẹp xong, nước cũng lấp xấp mặt giường, vậy là mọi người leo lên căn gác xép cố thủ. Cả nhà 5 người cả lớn lẫn nhỏ chen chúc trên căn gác chưa đầy 10m2 với ngổn ngang đồ đạc chất đầy xung quanh. Nằm trên gác, nghe tiếng mưa cũng gần hơn, lòng lại cuộn lên bao nhiêu lo lắng, chỉ mong mưa dừng lại nghỉ ngơi đôi chút, để nước ngoài kia còn kịp rút về biển khơi.

Chợt nhớ ngày ở quê, mùa mưa năm nào người lớn cũng thấp tha thấp thỏm. Đêm nghe tiếng mưa dội chan chát xuống mái nhà là trở trăn mất ngủ. Gạo cơm còn ở hết ngoài đồng, nên lòng lo lắng trăm bề không yên. Làng tôi nằm ven sông, nên nhiều lúc trời đang nắng mà nước lụt vẫn có thể cuồn cuộn đổ về. Cha nói, tại mưa lớn trên nguồn gây lụt. Hồi ấy ở quê còn chưa có điện, người làng chẳng mấy ai tiếp cận được dự báo thời tiết, nên đêm đang ngủ bỗng thức giấc, thò chân xuống giường mang đôi dép mới biết nước lụt đã chạy đến chân giường là chuyện bình thường.

Tôi nhớ năm đó, nước lũ âm thầm về giữa đêm. Ở quê mùa mưa, nhà nào cũng đi ngủ sớm. Ngọn đèn dầu leo lét không đủ thắp sáng gian nhà nhỏ, sao có thể soi rõ nước trên sông. Ban ngày trời tạnh nắng, người làng nhìn về phía núi âm u mây mù là biết có mưa phía đầu nguồn. Quanh năm sống chung với lũ, nhưng có lúc lụt về vẫn không kịp trở tay.

Làng tôi có một chiếc trống to, được dùng vào các dịp lễ tế. Nhà tôi ở gần đình làng, nên chiếc trống làng được gửi ở nhà tôi, treo trên căn gác gỗ. Đêm đó dù nước lụt đã lấp xấp quanh nhà, thau chậu đều nổi lềnh bềnh khắp nơi, cha vẫn đội mưa tìm cây thang ở sau hè leo lên gác. Một hồi trống dài kéo cả làng thức giấc, sau đó là tiếng chiêng, tiếng kẻng cũng xôn xao nối tiếp. Người làng ai nấy nghe tiếng trống, tiếng kẻng vang dậy thì hốt hoảng trở dậy mới biết lũ đã vây quanh.

Làng ở vùng thấp lụt, nên nhà nào cũng có căn gác gỗ kiên cố để tránh lụt và chứa thóc lúa. Có nhà còn sắm thêm ghe nan, để khi nước cao có thể lên ghe rồi cặp theo các vườn nhà tiến vào mép núi tránh lụt. Mỗi lần lụt cao, gà, vịt, heo trong chuồng đều được người làng chất lên ghe cho đi chạy lụt trước. Từng bội vịt, gà được phủ kín ni lông che chắn gió mưa, đưa lên những đồi cao. Đợi khi nước rút thì gánh về.

Ngày còn nhỏ, thích nhất là đi lội lụt, thấy nước lấp xấp lên đường là lăng xăng chạy đi vọc nước, đâu hiểu nỗi nhọc nhằn lo toan của người lớn. Thường thì nước tràn lên đường, trước khi cắt hết các lối đi, bọn trẻ con trong nhà sẽ được người nhà dẫn đi chạy lụt cho đỡ vướng chân vướng tay. Trong làng có nhà mụ Đấu, mụ Lộc, ông Lập… nằm trên triền núi cao, năm nào người làng cũng nườm nượp kéo đến tránh lụt.

Tôi nhớ mạ sẽ nấu một nồi cơm to, rồi kho thêm một nồi cá vụn vừa cất rớ được lúc chiều, gói thêm ít áo quần, xong là dắt theo mấy đứa con lên gửi ở nhà mụ Đấu. Người trong làng không bà con thì quen biết cả. Chị em tôi yên tâm ở nhờ cho đến khi nước rút hết thì về. Mạ với cha ở nhà canh lũ. Nước vào nhà thường mang theo đầy bùn non, nên khi nước rút phải có người sẵn để đánh lớp bùn trên sàn nhà để nước lũ rút đi cũng kéo theo lớp bùn non sạch sẽ. Việc dọn nhà cũng bớt nhọc nhằn.

Đêm nay, nằm trên gác nhỏ giữa phố, nhìn nước lấp xấp trong nhà, chợt thấy mình như mạ ngày xưa, chỉ trông mưa ngớt và nước lụt ngừng lên.

NGỌC LINH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Yên tâm đi lao động ở nước ngoài

Đại diện Công ty Suleco cho biết, từ khi thành lập chi nhánh hoạt động tại Thừa Thiên Huế đến nay, đơn vị đã đưa hơn 600 lao động đi làm việc tại Nhật Bản theo hợp đồng.

Yên tâm đi lao động ở nước ngoài
Yên tâm làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

Ngay sau khi có Quyết định thành lập (1/7/2024), lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự (ANTT) ở cơ sở tại các địa phương đã nhanh chóng bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ phối hợp với lực lượng công an bảo đảm ANTT với khí thế hồ hởi, phấn khởi.

Yên tâm làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở
Giải phóng mặt bằng khu chung cư Đống Đa: Giải pháp để người dân yên tâm

Qua hơn 2 năm triển khai các giải pháp, cũng như tổ chức đối thoại với các hộ dân liên quan đến dự án (DA) Cải tạo, xây dựng lại các dãy nhà A, B, C Khu chung cư (KCC) Đống Đa, song đến nay vẫn vì còn 33/161 hộ chưa thống nhất phương án nhận tiền và bàn giao mặt bằng (BGMB). UBND TP. Huế tiếp tục phối hợp với các ban ngành tiếp tục vận động, tháo gỡ vướng mắc, đồng thời xây dựng phương án cưỡng chế đối với các hộ dân không bàn giao nhà nhằm đẩy nhanh tiến độ BGMB cho DA.

Giải phóng mặt bằng khu chung cư Đống Đa Giải pháp để người dân yên tâm
Để chiến sĩ mới yên tâm vững vàng

Ngày 26/2, tại Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động (HLCĐ), Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh, rộn ràng bước chân của 115 chiến sĩ mới (CSM). Trong những nụ cười, xen lẫn rất nhiều bỡ ngỡ. Thượng tá Hoàng Minh Hùng, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng, phụ trách Chỉ huy trưởng, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, trực tiếp cùng Ban Chỉ huy Tiểu đoàn Huấn luyện cơ động (HLCĐ) khích lệ, để CSM ổn định, yên tâm, vững vàng bước vào huấn luyện.

Để chiến sĩ mới yên tâm vững vàng

TIN MỚI

Return to top