ClockThứ Năm, 02/02/2023 08:45

"NGƯỜI THƯƠNG NHỚ THƯƠNG" - Khúc ca Huế của Tào Khánh Hưng

TTH.VN - Đây là bài hát cuối cùng của Tào Khánh Hưng khép lại một năm nở rộ tài năng âm nhạc của một người viết nhạc "tay ngang" - Nhà báo, Phó Tổng biên tập Báo Xây dựng họ “Tào”, dòng họ hiếm hoi của cộng đồng dân tộc Việt Nam.

                                                               

Huế là nguồn cảm hứng trữ tình cho tác giả Tào Khánh Hưng (Ảnh tư liệu)   

Tôi là một trong số ít được nghe bản demo bài "NGƯỜI THƯƠNG NHỚ THƯƠNG" do chính tác giả tự... “lên giọng”. Ngay thời điểm "thuở ban đầu" này, tôi đã bị lời ca "đo ván" bởi những khúc thức rất... “thơ" mượt mà: "Ơi nàng thơ giữa Huế thương/ Nón nghiêng nghiêng, che chiều tím thế/ Hương Giang xuôi, mây trời soi bóng/ Cầu Trường Tiền mười hai nhịp cong xinh".

Hình ảnh "Nón nghiêng nghiêng, che chiều tím thế" không những là "đặc sản” Huế, nó còn như là "hồn" của xứ mưa Cố đô. Bởi vùng miền nào, ngay cả Thăng Long-Đông Đô-Hà Nội, cũng không thể có được màu tím lịm ngọt này, một màu tím dịu dàng duy nhất phớt mỏng tang lên không gian, thời gian, sông núi, thành quách trầm mặc, u huyền nơi kinh thành một thuở. Câu ca từ khiến tôi bật nhớ bài thơ cực ngắn, tài hoa - chỉ mỗi 2 câu, của thi sĩ Nguyễn Trọng Tạo khi ông "điểm nhãn" Huế trong một lần "trà dư, tửu hậu" cùng bạn bè văn chương trên quê hương người vợ thứ 2 của mình: "Sông Hương hóa rượu, ta đến uống/ Ta tỉnh, đền đài ngả nghiêng say".

Ngay sau khi ra đời, bài thơ đi vào lòng bè bạn, được truyền từ người này sang người khác, và cứ thế dòng sông Hương này của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo chảy rào rạt, ngây ngất trong lòng những ai có dịp biết đến bài thơ. Tôi tin, đoạn ca từ "Ơi nàng thơ giữa Huế thương/ Nón nghiêng nghiêng, che chiều tím thế/ Hương Giang xuôi, mây trời soi bóng/ Cầu Trường Tiền mười hai nhịp cong xinh" cũng sẽ được công chúng yêu thơ nhạc nằm lòng như đã nằm lòng bài thơ vừa dẫn của Nguyễn Trọng Tạo.

“Huế yêu ơi! Sâu lắng Nam Ai

Và Nam Bình dịu dàng câu hát

Chín nhớ, mười thương em vẫn đợi

Duyên dáng thướt tha nắng sớm phượng hồng”

Ngay như Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước cũng từng bị “ám ảnh” bởi các làn điệu Nam Bình, Nam Ai. Trong ca từ nhạc phẩm "Đêm tàn bến Ngự", nhạc sĩ đề cập đến âm hưởng của Nam Bình: “Nhưng thoảng nghe khúc ca Nam Bình sầu than như nức nở khóc duyên bẽ bàng”. Cũng trong ca khúc này, nhạc sĩ nhắc đến khúc Nam Ai: “Thuyền mơ trong khúc “Nam Ai”. Đàn khuya trên sông ngân dài. Ai luyến ai tiếc khúc ca Tần Hoài…”.

Tào Khánh Hưng chắc chắn cũng đã nhiều phen bị “gió táp, mưa sa” bởi hai điệu dân ca Huế này. Nên đến đoạn mượt mà nhất, “Huế nhất” của bài hát, không thể để con tim mình giả bộ “thờ ơ” được nữa: “Huế yêu ơi! Sâu lắng Nam Ai/ Và Nam Bình dịu dàng câu hát”. Bởi “Chín nhớ, mười thương em vẫn đợi”.

Tôi nghĩ nhạc sĩ viết ra nét nhạc này, là khi anh đã thành “con tin” của những dáng Kiều sông Hương núi Ngự: “Duyên dáng thướt tha nắng sớm phượng hồng”...

“Ơi Huế thương!

Nhịp chèo mái đẩy trăng lên

Thành Nội thâm nghiêm, dáng xưa trầm mặc

Cơm hến chiều ni thơm hương Vĩ Dạ

Ngọt bùi hạt gạo quê hương”

Đây là đoạn điệp khúc - tả thực. Nét nhạc cuồn cuộn, mà dìu dặt, trào dâng (“Nhịp chèo mái đẩy trăng lên”). Hình ảnh vừa trang đài, sang trọng (“Thành Nội thâm nghiêm, dáng xưa trầm mặc”), lại vừa chân chất, bình dân (“Cơm hến chiều ni thơm hương Vĩ Dạ”); rất gần gũi, đời thường (“Ngọt bùi hạt gạo quê hương”)...

Đến đây thì cảm xúc khó mà kìm nén được nữa. Ca từ cùng tiết tấu, giai điệu như được đẩy lên để... “100% Huế” hơn:

“Gió mênh mang đôi bờ Hương Giang

Chiều xuống theo chuông chùa Thiên Mụ

Xa xa thông xanh, núi Ngự Bình

Mây lang thang đưa ai về Bạch Mã hoàng hôn”.

Ngay sau khi ca khúc “ Người thương nhớ thương“ ra đời đã thu hút đông đảo khán thính giả Huế và cả nước qua giọng ca mượt “chất Huế” của ca sĩ (Sao Mai) Nguyễn Hoàng Tịnh Uyên

Một bức tranh thủy mặc (thủy mạc) rất đẹp: dòng Hương Giang miên man gió, tiếng chuông Thiên Mụ mờ ảo trong sắc chiều thinh không, núi Ngự Bình thông xanh ngút ngàn tầm mắt, mây trời bảng lảng Bạch Mã hoàng hôn. Công cụ của nhà nghệ sĩ giờ là “cây cọ” và những “lọ phẩm màu” hoà quện cùng các cung bậc âm thanh, được phối trộn kỳ ảo (hư hư, thực thực) như ở nơi vô thủy vô chung - không mở đầu, không kết thúc. Triết thuyết đạo Phật gọi đó là cõi “vô thường", đầy lãng mạn.

Ở đoạn điệp khúc vừa nghe, tác giả đã rút hết tấm lòng, cái tình của người để viết ra rồi, như chim yến từ máu thịt làm nên sự kết tinh vô giá của cái tổ yến nhỏ nhoi mà quý hơn vàng, bởi ngàn lần bổ dưỡng dâng đời.

“Ơi nàng thơ giữa Huế thương

Môi hồng, rượu ngọt men say

Mắt ai vương màu tím

Dịu dàng Huế, người thương, nhớ thương…

Mắt ai vương màu tím

Dịu dàng Huế, người thương, nhớ thương…”

Ở trên là cảnh Huế, không gian, thời gian Huế (vũ trụ Huế); còn đoạn kết này là con người cụ thể của "NGƯỜI THƯƠNG NHỚ THƯƠNG": nhan sắc, mọi vẻ của “nàng thơ giữa Huế thương”: “môi hồng”, “mắt ai vương màu tím”, “dịu dàng Huế”...

     Lê Quang Vinh

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top