ClockThứ Tư, 12/10/2016 14:01

Mệ...

TTH - Mệ trở thành người nhà của chúng tôi, kể từ khi cô nhóc mới được vài ngày và giờ thì cô nhóc đã vào tuổi 15. Lũ trẻ bây giờ đều có chung câu hỏi ngoại hay mệ đi mô rồi mẹ, nếu chúng thấy 1 trong 2 người vắng mặt.

Tôi có hôm thấy mình chợt nhiên như hụt mất điều gì. Loay hoay dọn dẹp nhà cửa, đi chợ, nấu ăn rồi mới nhận ra là hôm ấy, nhà có việc nên mệ không lên được. Mà cũng lạ, thường ngày, mệ cũng ít nói, thường thì cười hiền hậu và lụi cụi việc này việc kia, xong cái nhà thì sang cái bếp, đến cái sân rồi lại loay hoay việc gì đó như không bao giờ hết. Mà nhà thì có to gì cho cam, việc cũng chẳng mấy nhiều mà gần như chả thấy mệ ngơi nghỉ. Riết đến nỗi tôi có lần nói, “mệ ngồi xuống đây, uống nước, nói chuyện với con chút cho vui” mà mệ cũng chỉ ngồi lấy lệ rồi lát sau đã lại quày quả tìm việc gì đó. Nói với mệ điều này, tôi lại được cái cười: “Tui không quen ngồi mô o nợ! Loay xoay hắn quen rồi”!

Có hôm nhà bận việc, mệ ngủ lại. Tôi dọn chỗ, lấy chiếu, lấy gối, lấy chăn cho mệ ngủ. Nhưng đến khi có việc, ghé xuống chỗ mệ thì chăn, gối vẫn gấp gọn gàng một bên. Mệ nằm không. Co ro. Tôi nhẹ đến lay mệ, lại được một cái cả cười “Tui không quen, o nợ. Lâu chừ nằm ri hắn quen rồi. Nằm gối lại không ngủ được”. Lời thì đơn giản, nhưng tôi nghe mà cứ xót xa hoài.

Có dạo thấy mệ ho và sụt sịt vì cảm. Rồi có hôm mệ về sớm vì mệt trong người. Tôi cứ nghĩ chắc mệ sẽ nghỉ ít nhất vài ngày. Thế mà hôm sau đã thấy mệ có mặt trên nhà. Chưa kịp hỏi thì mệ đã bảo: “Tui đỡ rồi. Không lên sợ o lo, mà tui cũng nhớ hai đứa nhỏ”...

Thấy mệ gầy, tôi hay nhắc mệ ăn nhiều hơn và ăn thêm thức ăn. Rứa mà khi mô cũng thấy mệ nhóm nhém. Lúc trên xe khi nhân tiện đưa mệ về nhà, tôi trở lại câu chuyện ăn nhiều, ăn thêm cho khỏe thì mệ lại cười nhè nhẹ: “Ăn rứa là đủ mà o. Chắc chi o ăn bằng tui. Mà ăn chi cho lắm thứ, hắn quen đi...”.

Tôi lại cảm thấy mình rưng rưng xót xa trong lòng vì những điều quá chừng đơn giản của mệ. Năm nay mệ đã chạm tuổi 80 rồi. Con cái đã trưởng thành. Nhà cửa cũng đã khang trang hơn nhiều người. Rứa mới biết sự nhẫn nại, chịu đựng để lo lắng cho con đã thành nếp như thế nào ở mệ, khi 30 tuổi mệ chỉ còn lại một mình để nuôi 4 người con.

Và tôi cũng biết, may là mệ thương mẹ con tôi như con cháu, nên vẫn còn lên về gắn bó...   

AN BÌNH LÊ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

San sẻ yêu thương

Bằng những việc làm nhỏ, các em học sinh đã biết sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn, phát huy tinh thần “tương thân, tương ái” trong học đường.

San sẻ yêu thương
Kết nối yêu thương, nâng bước học trò

Bằng tất cả yêu thương và trách nhiệm đối với “mầm xanh” tương lai, Trường THCS Thủy Phù (TX. Hương Thủy) có nhiều cách làm hay về công tác khuyến học, khuyến tài, giúp học trò vượt qua khó khăn, học tập tốt.

Kết nối yêu thương, nâng bước học trò
Nhà yêu thương từ những “mảnh ghép”

Căn nhà là có thật, còn “mảnh ghép” là biểu tượng của sự chung tay từ lời kêu gọi thông qua trang web, fanpage và các đội nhóm tình nguyện của Hội Chữ thập đỏ tỉnh. Từ tình yêu thương của cộng đồng, một mái ấm dần thành hình và tương lai sẽ có nhiều mái ấm như thế…

Nhà yêu thương từ những “mảnh ghép”
Gom đủ yêu thương

Mỗi khi có chuyện không vui, nàng lại đi mua hoa. Nàng thích đi bộ ra khu chợ gần nhà. Gọi là “gần”, nhưng đến nơi thì mồ hôi cũng lấm tấm trên vầng trán. Mà kỳ thực, ra đến hàng hoa là nàng thấy tâm trạng tốt hơn. Cũng có thể do năng lượng tích cực từ sắc hoa tươi tắn, hoặc đi bộ giúp tinh thần thư thái hơn. Cả hai điều này đều được khoa học minh chứng hẳn hoi.

Gom đủ yêu thương
Chia sẻ yêu thương với người bệnh

Nhằm cải thiện bầu không khí nặng nề, u buồn, đau đớn trong bệnh viện, đặc biệt là ở những nơi dành cho bệnh nhân ung bướu, bệnh nhi..., nhóm tình nguyện viên (TNV) thuộc dự án “Một bức tranh - nhiều hy vọng” đã có sáng kiến đặt những bức tranh, ảnh đẹp, tươi sáng vào phòng bệnh và hành lang.

Chia sẻ yêu thương với người bệnh

TIN MỚI

Return to top