ClockThứ Năm, 24/11/2016 05:51
XUNG QUANH DỰ ÁN TRÙNG TU, CẢI TẠO “BIA QUỐC HỌC”:

Lo ngại trong việc thay đổi màu sắc

TTH - Liên quan đến dự án trùng tu, cải tạo Đài chiến sĩ trận vong (Bia Quốc Học) Báo Thừa Thiên Huế có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Quảng, Phó Giám đốc phụ trách Phân viện Khoa học công nghệ xây dựng miền Trung, thành viên tham gia nhóm tư vấn thiết kế trùng tu, cải tạo.

Đã chỉnh sửa lại họa tiết, hoa văn trang trí

Đài chiến sĩ trận vong đang được trùng tu, cải tạo

Dù Đài chiến sĩ trận vong chưa được công nhận di tích nhưng vẫn phải được ứng xử như một di tích bởi nó có giá trị kiến trúc, nghệ thuật, văn hóa tiêu biểu của Huế. Trải qua thời gian, công trình hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng nên việc tu bổ là cần thiết. “sử dụng khái niệm trùng tu và cải tạo nghe lớn lao. Ở đây chỉ là tu bổ và có một chút tôn tạo (lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng nghệ thuật) mà thôi”, ông Quảng giải thích.

Thưa ông, quy trình trùng tu, cải tạo diễn ra như thế nào?

Tất cả các quy trình được chúng tôi thực hiện đúng quy định. Bước đầu khảo sát đánh giá đo vẽ hiện trạng, tiếp đến nghiên cứu tư liệu lịch sử sau đó đưa ra hai hướng tu bổ. Hướng thứ nhất, gia cố nền, móng, tường, chống nứt gãy, sụp đổ công trình. Hướng thứ hai, đi sâu vào họa tiết trang trí, ốp gắn sành sứ, đắp nổi tô màu, ốp hoa văn trang trí gạch men.

Các công nhân đang tiến hành tu bổ những họa tiết Đài chiến sĩ trận vong

Như ông nói, trong quá trình trùng tu có tham khảo tư liệu lịch sử?

Có hai nguồn tư liệu mà chúng tôi tham khảo, đó là tư liệu viết ở các sách như Đại Nam nhất thống chí, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Đại Nam thực lục, mục từ “Đài chiến sĩ trận vong” trong từ điển lịch sử Thừa Thiên Huế, nguồn tham khảo từ Bulletin des Amis du Vieux Huế), và rất nhiều tư liệu, hình ảnh qua các thời kỳ còn được lưu giữ cho đến nay.

Có ý kiến cho rằng, trùng tu bằng cách bóc ra hết để tô lại là rất uổng, thay vào đó hư hỏng phần nào thì trùng tu lại phần đó, ông nghĩ sao?

Như vậy thì chẳng khác gì vá một tấm áo rách, vừa khác màu, vừa lỗ chỗ. Phần khác, khi xử lý vết nứt phải tháo đoạn để gia cường lại thì rất nham nhở.

Nhiều người băn khoăn, trong quyết định trùng tu có nhắc đến loại vật liệu có tên “tam hợp”, ông có thể giải thích thuật ngữ này?

công trình này được xây dựng vào thời Khải Định. Thời đó đã sử dụng xi măng và vôi. Chúng tôi sẽ trùng tu theo hiện trạng, nghĩa là trước như thế nào thì phải trùng tu như cũ, nhưng có tăng hàm lượng để công trình kiên cố, chắc chắn hơn. Còn về vật liệu tam hợp, đó là hỗn hợp giữa xi măng, vôi đã thủy hóa, cát và nước.

Có những lo ngại sau khi trùng tu hoàn thành sẽ làm thay đổi, biến dạng kiến trúc?

Tôi khẳng định, sẽ không có một thay đổi nào về mặt hình thức kiến trúc, có chăng là một chút màu sắc. nghĩa là màu sắc tươi hơn, không phải rêu phong như trước. Trong quá trình trùng tu, cải tạo chúng tôi sẽ nghiên cứu thêm. Làm sao khi bã màu tường sẽ chọn một màu sắc thật sự phù hợp. Chuyện này chúng tôi vẫn đang lưu tâm và suy nghĩ.

Cần sự tham gia của các cơ quan văn hóa

* Ông Nguyễn Cẩn, Giám đốc Trung tâm Công viên cây xanh Huế (chủ đầu tư dự án) cho biết, nhận thấy công trình hư hỏng, xuống cấp nên với tư cách đơn vị quản lý chúng tôi đã báo cáo UBND TP. Huế. Sau đó, phía UBND TP. Huế kiểm tra thực tế và xác định đúng như báo cáo. Trước khi có chủ trương đầu tư, UBND TP. Huế có mời hội đồng tham khảo bao gồm các ban ngành của thành phố tham gia, đồng thời mời đại diện Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch, Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch – Đầu tư, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế.

* Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa khẳng định, Đài tưởng niệm chiến sĩ trận vong là một công trình kiến trúc có giá trị đặc biệt, khi tu bổ phải có một hội đồng gồm các nhà khoa học am hiểu lịch sử, kiến trúc, tu bổ di tích tham gia ý kiến với thành phố. “Tôi nghĩ, một công trình như vậy thành phố hơi chủ quan khi giao cho Trung tâm Công viên cây xanh Huế. Họ đúng là cơ quan quản lý công trình này, nhưng vì đây là một công trình kiến trúc, văn hóa thì phải có sự chung tay, tham gia của các cơ quan văn hóa. Thành phố nên mời các nhà nghiên cứu khoa học, văn hóa Huế và một số đơn vị liên quan khảo sát lại thực tế hiện trường để giúp đơn vị thi công làm tốt hơn”, ông Hoa chia sẻ.

PHAN THÀNH (Thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Những “người hùng thầm lặng”

Lần đầu tiên, những nghệ nhân, thợ lành nghề được tôn vinh vì những đóng góp đầy ý nghĩa trong công cuộc bảo tồn, tu bổ công trình di tích.

Những “người hùng thầm lặng”
Tôn trọng yếu tố gốc trong trùng tu di tích lăng Tự Đức

Dự án “Bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lăng vua Tự Đức”, gồm điện Hòa Khiêm, Minh Khiêm Đường, Ôn Khiêm Đường, la thành, cổng, bình phong đang được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế triển khai.

Tôn trọng yếu tố gốc trong trùng tu di tích lăng Tự Đức

TIN MỚI

Return to top