ClockThứ Bảy, 04/02/2017 15:00

Lễ hội Đền Huyền Trân: "Ngưỡng vọng tiền nhân"

TTH.VN - Khác những năm trước, Lễ hội Đền Huyền Trân năm nay được tổ chức quy mô với nhiều hoạt động liên tục trong hai ngày chính diễn ra là mùng 8 – 9 âm lịch (tức 4-5/2), thu hút khá đông người dân, du khách về dâng hương, dự hội.

Người dân và du khách đến dự lễ hội Đền Huyền Trân

Gìn giữ truyền thống

Mặc dù thời tiết có mưa, nhưng ngay từ sáng sớm mùng 8 Tết, nhiều người dân, du khách tìm đến Trung tâm Văn hóa Huyền Trân (núi Ngũ Phong, phường An Tây, TP Huế) chứng kiến giờ phút khai hội. Người dự hội không chỉ là Nhân dân trong tỉnh mà còn có các du khách từ phương xa, nhớ ngày hội tìm đến dâng hương, tưởng nhớ vị công chúa có công mở mang bờ cõi và cùng hòa vào các hoạt động của lễ hội; đáng chú ý là những du khách nước ngoài tìm đến tìm hiểu nét văn hóa độc đáo cũng như truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam.

Một số gia đình với nhiều thế hệ khác nhau đã cùng đến dự hội như một cách giáo dục thế hệ kế cận về truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Bà Nguyễn Thị Lệ, quê ở Phong Điền cho biết: “Hôm nay là thứ bảy nên con cháu nghỉ làm, nghỉ học, tôi rủ cả nhà tham gia vì lễ hội này rất ý nghĩa. Trước là mình tưởng nhớ bậc tiền nhân đã khuất, sau đó để dạy con cháu nếp sống, văn hóa của người Việt”.

Chủ đề “Lễ hội Đền Huyền Trân Xuân Đinh Dậu – 2017: Ngưỡng vọng tiền nhân” như lời nhắc bài học đạo đức về những giá trị cốt lõi của người Việt. Anh Nguyễn Công Nhân dẫn con đến dự hội kể: “Con tôi mười tuổi, khi đến đây và đọc chủ đề lễ hội đã thắc mắc. Đây là dịp để tôi nói về truyền thống người Việt và không quên nhắc con những đạo lý mà từ xưa đến nay ông cha ta vẫn gìn giữ”.

Nhiều nét mới

Lễ hội Đền Huyền Trân được tổ chức vào hai ngày mùng 8 và 9 tháng Giêng, song để Nhân dân và du khách có điều kiện dâng hương, ban tổ chức đã quyết định kéo dài thời gian đến hết ngày 12/2 (tức ngày 16 tháng Giêng âm lịch), trong đó ngày mùng 9 âm lịch sẽ mở cửa miễn phí.

Khác với năm 2016 chủ yếu chỉ có phần lễ dâng hương là chính, lễ hội Huyền Trân năm nay do Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức có quy mô lớn, đầy đủ hai phần lễ và hội. Bên cạnh các lễ chính như Lễ Tiên Thường (cáo giỗ), lễ kỵ công chúa Huyền Trân với các chương trình sử thi, biểu diễn nghệ thuật hoạt cảnh rước công chúa Huyền Trân, hành lễ, lễ dâng hương,… thì phần hội năm nay thực sự tạo được không khí tươi vui phấn khởi trong dịp đầu xuân. Để làm phong phú thêm lễ hội, ban tổ chức đã phối hợp với các huyện, thị, TP Huế và các đơn vị trong tỉnh triển khai các hoạt động văn hóa và thể thao: thi đấu cờ người, biểu diễn võ cổ truyền, biểu diễn lân sư rồng, chương trình biểu diễn nghệ thuật của đồng bào dân tộc thiểu số, bài chòi, vật, đẩy gậy, thi đấu cờ tướng, trình diễn thư pháp và trưng bày các sản phẩm truyền thống. Ông Nguyễn Ngọc Bình, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế, Tổng đạo diễn chương trình nghệ thuật Lễ hội Đền Huyền Trân năm 2017 cho biết, chương trình nghệ thuật mang tên “Nước non ngàn dặm”, đa phần tiết mục thể hiện được tinh thần của chủ đề “Ngưỡng vọng tiền nhân”, nhất là phần sử thi tái hiện công lao to lớn của công chúa Huyền Trân.

Ông Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thông tin (VHTT) tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực tổ chức lễ hội cho hay, sau khi tiếp quản Trung tâm Văn hóa Huyền Trân (tháng 12/2016), Trung tâm VHTT dưới sự chỉ đạo của Sở Văn hóa và Thể thao đã sữa chữa, thắp sáng hệ thống điện tại Trung tâm Văn hóa Huyền Trân, đồng thời kết nối với Viễn thông Thừa Thiên Huế tài trợ hệ thống cáp quang, giúp người dân và du khách có thể sử dụng wifi miễn phí.

* Một số hình ảnh tại lễ hội:

Đánh trống khai hội

Chị Hoàng Thị Lan (quê ở Hồng Bắc, A Lưới) cùng đồng nghiệp dâng hương tại lễ hội

Múa lân khai hội

Một tiết mục tại chương trình văn nghệ

Các em nhỏ chăm chú xem hội

Trình diễn khí công 

Du khách tham quan gian hàng trưng bày nón lá

Trò chơi bài chòi

Bạn trẻ dâng hương

Bài, ảnh: Hữu Phúc

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tìm giải pháp bảo tồn lễ bỏ mả truyền thống của người Cơ Tu

UBND huyện Nam Đông và các cơ quan, đơn vị khác có liên quan sẽ khảo sát, điều tra, thống kê, thu thập thông tin về lễ bỏ mả truyền thống của người Cơ Tu ở thôn Dỗi, xã Thượng Lộ, huyện Nam Đông. Điều này làm cơ sở dữ liệu thông tin đầy đủ, toàn diện một quy trình nghi lễ bỏ mả truyền thống cho công tác phục hồi, bảo tồn phát triển bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Cơ Tu.

Tìm giải pháp bảo tồn lễ bỏ mả truyền thống của người Cơ Tu
Khám phá lễ hội tôn vinh sự sáng tạo của các nghệ sĩ khuyết tật ở Anh

Khi các kỹ năng và thế mạnh của các vận động viên khuyết tật đang tiếp tục gây ấn tượng tại Thế vận hội dành cho người khuyết tật Paris (Paralympic Paris), thì tại thủ đô London của Anh cũng đang diễn ra lễ hội nghệ thuật giới thiệu tài năng và sự độc đáo của các nghệ sĩ khuyết tật.

Khám phá lễ hội tôn vinh sự sáng tạo của các nghệ sĩ khuyết tật ở Anh
Quảng trường văn hóa, thể thao đưa vào hoạt động trong năm 2025

Khuôn viên Trung tâm Thể thao Thừa Thiên Huế đang được cải tạo, chỉnh trang trở thành Quảng trường Văn hóa thể thao Thừa Thiên Huế, nơi sẽ diễn ra các hoạt động, sự kiện văn hóa, lễ hội và thể thao xứng tầm quốc tế. Quảng trường này một khi đi vào hoạt động sẽ tạo diện mạo mới cho đô thị Huế cũng như nhu cầu thụ hưởng văn hóa thể thao của người dân.

Quảng trường văn hóa, thể thao đưa vào hoạt động trong năm 2025
Khai hội điện Huệ Nam

Lễ hội điện Huệ Nam (điện Hòn Chén) vừa chính thức bắt đầu vào ngày 11/8 tại Thánh đường Thiên Tiên Thánh giáo (352 Chi Lăng, TP. Huế).

Khai hội điện Huệ Nam

TIN MỚI

Return to top