ClockChủ Nhật, 25/04/2021 09:52

Hãy khôi phục một loại đại danh trà của Huế

TTH - Dù chưa đến mức ghiền, nhưng tôi thuộc típ người thích uống trà. Biết thế, nên người quen, bạn bè, đồng nghiệp thỉnh thoảng có dịp lại biếu cho một ít. Đều là trà ngon, trà quý như Ô long, Hồng trà, trà Shan Tuyết cổ thụ, trà sạch Bắc Giang, trà Bắc Thái… Mỗi loại trà mỗi hương vị, uống rất thích; nhất là rất cảm cái tình của người biếu trà, của người đã ngày đêm một nắng hai sương chăm nom, thu hái, chế biến để dâng cho đời chất nước thơm tho thanh khiết chắc lọc của đất trời.

Đặc sản nội vùngThưởng trà tại Huế: Nên là sản phẩm du lịch

Không chỉ có người Nhật mới nổi tiếng, mà cái thú thưởng trà đi cũng đã đi vào cuộc sống người Việt từ rất lâu rồi. Thế nên mới từng nghe câu: Người Việt mở mắt chào đời là đã thấy trà. Trà không chỉ là thức uống giải khát mà còn là thú vui thanh nhã, di dưỡng tinh thần, và cả là thần dược để phòng chữa bệnh tật. Như người xưa tổng kết: Uống vài ba chung trà đều đặn mỗi buổi sáng sớm sẽ có thể tránh được tật bệnh (…Bình minh sổ trản trà/ Nhật nhật y như thử/ Lương y bất đáo gia).

Các loại trà cụ của người xưa trong bộ sưu tập của Trần Đình Sơn

Cách thưởng trà của người Huế với ảnh hưởng của lối sống cung đình từng nổi tiếng cầu kỳ tao nhã, và bây giờ cũng có không ít người vẫn tiếp nối cái sự nổi tiếng tao nhã cầu kỳ ấy. Nhiều người buổi sáng thiếu gì thì thiếu, thiếu trà là không thể chịu được. Mà đâu có các cụ cao niên, nhiều người trẻ cũng vậy. Không đơn giản chỉ bỏ trà vào ấm, hãm, rồi uống. Không ít bạn trẻ bây giờ trong nhà cũng “bày đặt” sắm cho đủ bộ trà cụ với lỉnh kỉnh những khay, những ấm, những chén quân, chén tống, hũ đựng trà, dụng cụ xúc trà, hỏa lò, cái gắp chén,... Ngày nghỉ cuối tuần hoặc lễ tết, hoặc khi đón bạn chơi nhà, họ soạn ra, vừa rỉ rả chuyện trò, vừa tỉ mẩn pha chế để có tách trà thơm tho mà nhâm nhi ngẫm ngợi…

Có lẽ cũng vì thấy thị trường có nhu cầu, nên nhiều năm trở lại đây một số “trà đình”, “trà quán”… ở cả 2 bờ bắc-nam sông Hương cũng được mở ra và thu hút du khách lẫn dân bản địa nhiều giới tìm đến tham quan, trải nghiệm. Tôi cũng từng là một trong số những người như thế. Có nhiều loại trà cho khách lựa chọn với những cái tên rất kêu: Quý phi, Ô long cung đình, hoa cúc, hoa hồng, cung đình bát bửu,… Tôi cũng từng được thử qua các loại trà có tên nghe rất kiêu sa ấy, nhưng thú thật không khoái lắm. Chả biết nguyên gốc xưa thì thế nào, có đúng là có loại trà như thế không (?), nay thì, ít ra là với tôi, uống nghe như… thuốc bắc hoặc là húp một món chè gì đó. Chẳng hiểu có quê mùa hay không, nhưng tạng tôi thì vẫn cứ thích kiểu đậm đà, đắng đắng một tí, chát chát một tí, rồi lưu cái ngọt hậu trong cổ họng rất đã như kiểu trà Bắc Thái, Tân Cương. Tiếc là trong cả rừng các thức trà đang lưu hành và được mến chuộng trên đất Cố đô lại không có trà của Huế, trong lúc Huế cũng từng có đại danh trà từng đi vào sử sách: Trà Tước thiệt. Đó loại trà búp, sao xong thì khô quăn, nhỏ như lưỡi con chim sẻ.

Một ấm trà mời khách là nét văn hóa không thể thiếu của người Huế

Sách Văn minh Trà Việt của tác giả Trịnh Quang Dũng và sách Chuyện cũ Vân Đường của tác giả Trần Đình Sơn đều thấy có đề cập đến loại trà trên: Tước thiệt trà là loại danh trà xưa của Đại Việt rất thơm ngon từng được ghi nhận trong An Nam Vũ cống (Dư địa chí) của danh nhân văn hoá Nguyễn Trãi (1380-1442).... Dương Văn An (1514-1591) (cũng) lưu lại bóng dáng loại danh trà này trong tác phẩm Ô châu cận lục: “Trà ở huyện Kim Trà nay là Hương Trà Huế tên gọi lưỡi sẻ (Tước thiệt) trồng tại những đồi núi An Cựu, giải thoát, trừ phiền, chữa thuỷ đứng đầu trăm loại thảo dược, tính linh diệu...”. Thời gian và chiến tranh loạn lạc đã làm cho giống trà này hoàn toàn mất dấu.

Huế từng có loại gạo đặc sản tên là gạo de An Cựu nay cũng biệt tăm tích, nhưng khác với gạo de An Cựu đã thất truyền, cánh đồng An Cựu - tương truyền chỉ có nơi ấy mới trồng được lúa de cũng đã bị san lấp, trà Tước thiệt nay vẫn còn tên và thấy được rao bán trong danh mục các loại trà ngon ở các tỉnh vùng núi và trung du phía bắc. Vùng An Cựu (cũ) và vùng Hương Trà giờ đây đồi núi vẫn còn nhiều, đó là vùng đất vẫn thấy phù hợp để cây chè sinh trưởng. Chợt nghĩ, tại sao bây giờ Huế không thử sưu tầm giống trà Tước thiệt để về trồng lại. Nếu thí điểm, thấy phát triển và giữ được phẩm chất thì nhân rộng thêm. Tất nhiên, chưa dám mong có sản lượng để thành hàng hóa, nhưng để khôi phục một loại đại danh trà của Cố đô và đưa vào phục vụ để làm phong phú thêm sản phẩm du lịch, thiết nghĩ cũng thú vị và là một việc nên làm.

Bài, ảnh: HIỀN AN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đề xuất Quỹ VinIF tiếp tục phục hồi và truyền dạy nghệ thuật kẻ mặt nạ Tuồng Huế

Ngày 9/6, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế đã có buổi làm việc với PGS. TSKH Phan Thị Hà Dương - Giám đốc điều hành Quỹ đổi mới sáng tạo Vingroup – VinIF để trao đổi về quá trình thực hiện dự án “Phục hồi và truyền dạy nghệ thuật kẻ mặt nạ Tuồng Huế - loại hình nghệ thuật truyền thống đang có nguy cơ thất truyền cao”. Dự án do Trung tâm BTDTCĐ Huế xây dựng và VinIF tài trợ.

Đề xuất Quỹ VinIF tiếp tục phục hồi và truyền dạy nghệ thuật kẻ mặt nạ Tuồng Huế

TIN MỚI

Return to top