ClockThứ Năm, 19/05/2011 14:21

Làng nghèo... nhưng lòng không nghèo

TTH - Ít ai biết rằng, một làng nghèo ven biển Lộc Vĩnh (Phú Lộc) có hàng trăm người đã đăng ký hiến tặng giác mạc. Họ như những tấm gương đáng trân trọng giữa cuộc đời…

Những trái tim “vàng”

Có mặt ở Lộc Vĩnh, chúng tôi không những được nghe về chuyện vui làm ăn vượt nghèo, xây dựng nếp sống mới mà còn nghe những câu chuyện đầy tình người: Hiến giác mạc cho người mù khi qua đời.
Ông Trần Xuân Phát-Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh nói, thông qua dự án “Truyền thông vận động hiến giác mạc” do tổ chức Orbis (Mỹ) tài trợ, từ năm 2009 đến nay, Hội đã tuyên truyền vận động cán bộ, thanh niên, phụ nữ và người già trên địa bàn hiến tặng giác mạc, mang lại ánh sáng cho người mù. Đến nay toàn tỉnh có hơn 1.511 người đăng ký hiến giác mạc. Trong đó, huyện Phú Lộc có tỷ lệ người đăng ký hiến cao nhất tỉnh (403 người), xã Lộc Vĩnh có số người đăng ký cao nhất tỉnh.
Anh Văn Đình Phúc-Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã, người bắt nhịp cầu, khởi đầu tham gia đăng ký hiến giác mạc ở địa phương theo cuộc vận động của Hội Chữ thập đỏ tỉnh thông qua tổ chức Orbis (Mỹ) tài trợ kêu gọi hiến tặng giác mạc cho người mù vào đầu năm 2009. Anh Phúc thực tình: “Lúc đầu, chỉ tiêu trên đưa về là 63 người. Một con số không lớn, nhưng để đạt được cũng không phải dễ. Thế là xã họp bàn, thành lập Ban Vận động với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà”. Giải thích và phải qua nhiều lần giải thích, có tài liệu của Bệnh viện Mắt Trung ương về việc lấy và ghép giác mạc của người chết làm sáng mắt cho những người mù lúc này, nhiều người ở địa phương mới xuôi tai. Thời điểm ấy, thôn Bình An 1 “nổ phát súng” đầu tiên. Ngay trong cuộc họp, ban chỉ đạo thôn, hội viên của chi hội người cao tuổi thôn hưởng ứng đăng ký. Chỉ tiêu đưa về Bình An 1 là 13 nhưng cuộc họp đó có 53 người đăng ký! Ông Nguyễn Thanh Kiều, 55 tuổi, trưởng thôn Bình An 1, người nằm trong nhóm tiên phong đăng ký nhớ lại: “Khi chưa nghe, chưa hiểu, chính tôi cũng sợ, nhưng khi hiểu ra là chỉ lấy màng mỏng ở mắt thì chẳng có gì phải suy nghĩ. Các con của tui vui vẻ cho bố đăng ký làm việc nghĩa. Mà bản thân tôi nghĩ, chết là hết, làm được việc gì có ích cho đời, cho xã hội thì cứ làm”.

Ông Nguyễn Thanh Kiều - Trưởng thôn Bình An 1, người tiên phong trong cuộc vận động hiến tặng giác mạc cho người mù
Lấy vội danh sách được ghi tỉ mỉ, ông Phúc đưa cho chúng tôi xem, đến cuối năm 2010 (năm 2011 chưa có chỉ tiêu đưa về) toàn xã đã có 183 người đăng ký, vượt kế hoạch 205%. Trong đó già có, trẻ có, những người vào 80, 90 tuổi mạnh dạn ghi tên vào danh sổ “vàng” của xã, mặc dù lúc ấy vẫn có nhiều người xấu miệng tuyền tụng “Người ta sinh ra thế nào khi chết đi phải thế ấy. Sao lại để khuyết đi một phần cơ thể. Về âm phủ mù làm sao thấy đường mà đi”... Trong bản danh sách này, dù khoảng cách tuổi tác khác nhau, nhưng tất cả những con người đó đều có một tấm lòng và việc làm rất đáng trân trọng. Có những trường hợp là đôi vợ chồng, cả gia đình gồm 6-7 thành viên và bất kể người theo tín đồ nào cũng tham gia hiến tặng giác mạc.
“Phải làm phúc cho đời”
Bác sĩ Chuyên Khoa II Nguyễn Quốc Việt-Trưởng Khoa mắt Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, theo số liệu thống kê của Bệnh viện Mắt trung ương, Việt Nam ước tính có khoảng 300 nghìn người mù do các bệnh lý về giác mạc cần phẫu thuật ghép giác mạc. Hiện nay, ở Việt Nam mỗi năm lại có thêm 15 nghìn người bị mù lòa do bệnh lý giác mạc nhưng mỗi năm chỉ thực hiện được khoảng 150 trường hợp ghép giác mạc.
Đó là ý nguyện mà vợ ông Hoàng Lộc ở thôn Bình An 1 nói khi anh Phúc đưa chúng tôi đến thăm nhà. Hai con người mà chúng tôi mới sơ giao đã cảm thấy kính trọng và sao mà thật gần. Ông kể rằng, trước đây khi đất nước chiến tranh, ông trải qua những năm tháng gian khó nhưng vô cùng tươi đẹp khi tham gia hoạt động cách mạng. Hòa bình lập lại, ông về làm bác sĩ quân y ở Bộ đội Biên phòng tỉnh, sau đó về hưu vào năm 1980. Kể từ dạo ấy, những đồng lương hưu tuy không nhiều, nhưng vợ chồng ông cũng trang trải đủ cuộc sống, nuôi các con ăn học, đôi lúc cũng dám nghĩ đến chuyện đi làm việc nghĩa, việc thiện cho đời. Khi hai con trai đủ lông đủ cánh, có gia đình, công việc ổn định, ông bảo chúng đã đạt tới ngưỡng thành đạt ở đời. Vì vậy, mấy năm gần đây, gia đình ông trở thành một “địa chỉ” nhân đạo ở địa phương. Đều đặn mỗi tháng, ông trích 200 nghìn đồng hỗ trợ cho hai cháu mồ côi tàn tật ở xã Lộc Vĩnh. Công việc này ông đã nhủ với lòng, phải làm trọn hết đời của mình... Thoáng thấy chúng tôi hỏi về chuyện vợ chồng ông đăng ký hiến tặng giác mạc, khuôn mặt ông toát lên một nụ cười rất hiền: “ Ngày trước cũng thế và bây giờ cũng thế, tấm lòng tôi luôn nghĩ đến mọi người, cộng đồng xã hội. Người ta bảo “Hùm chết để da, người ta chết để tiếng”. Sống ở đời phải làm phúc cho đời”. Triết lý sống của ông là thế. Trong cuộc chuyện trò này, vợ chồng ông vẫn còn một chút bận tâm mà theo ông trước lúc ra đi, nhỡ con cháu cản trở việc ông hiến tặng giác mạc thì cũng buồn thẹn với người đời. Từ suy nghĩ ấy, vợ chồng ông đã viết sẵn di chúc để lại với nội dung: Nếu con, cháu cản trở việc ông đã hứa với Hội Chữ thập đỏ xã, với Bệnh viện Mắt lúc còn sống, đồng nghĩa không thừa kế tài sản nhà cửa của ông để lại.

Vợ chồng ông bà Hoàng Lộc - nguyện mãi làm việc nhân đạo đến khi qua đời

Câu chuyện về đạo nghĩa ở đời, nghĩ về cộng đồng xã hội của vợ chồng ông Lộc khá dài, nhưng tôi đành chia tay theo chân anh Phúc ghé thăm nhà chị Trần Thị Dung, 46 tuổi ở thôn Bình An 2- một thôn nghèo được hồi sinh sau trận bão Sangxane năm 2006. Trước mắt tôi là một phụ nữ đen gầy lam lũ, gia đình chị vẫn chạy gạo từng bữa. Nghèo khó vậy, thôi nhưng chính trong tổ ấm này (gồm 7 người, chồng và anh chị em) thành một “địa chỉ” nhân đạo, tạo điểm sáng trong phong trào hiến máu tình nguyện của xã từ nhiều năm nay.
Cũng với những thành viên trên và người mẹ tên Nguyễn Thị Thuận (nay đã 72 tuổi) làm nhiều người trong thôn phải noi theo vì họ đồng tình hưởng ứng cao chuyện đăng ký hiến giác mạc. Bà Thuận cho biết, giờ già yếu không làm được gì nữa, cũng chẳng biết sống được bao lâu nữa. Khi mất đi, bà cũng mong muốn làm được một việc có ích, giúp đỡ những người khiếm khuyết về mắt để họ có được ánh sáng làm việc, đóng góp cho xã hội. Bà tâm niệm với những câu nói rất tròn trịa: “Tặng người khác ánh sáng cũng là làm phúc cho đời. Quan trọng nhất là mình cứ làm những gì mà mình cảm thấy vui”. Với suy nghĩ như vậy bà và các con, dâu, rể viết giấy cam kết hiến tặng giác mạc...

Bà Nguyễn Thị Thuận và chị Trần Thị Dung nói quan điểm của mình khi đăng ký hiến tặng giác mạc
Ông Nguyễn Văn Nhật - Bí thư Đảng ủy xã Lộc Vĩnh mộc mạc nói: Bất kể đối tượng, Công giáo hay Phật giáo không bao giờ có suy nghĩ gì về những lời khen hay đưa lên các phương tiện truyền thông để ca tụng. Xã Lộc Vĩnh luôn làm đúng theo chủ trương pháp luật của Nhà nước. Việc đăng ký hiến tặng giác mạc mang lại ánh sáng cho người mù là tự nguyện. Nếu ai thấu hiểu thì không phải giải thích, còn ai băn khoăn thì mình cũng dừng lại chứ không ép buộc. “Đây là việc thiện, nên phải xuất phát từ tâm và lòng thành”-ông Nhật thực tình.
Minh Văn
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top