ClockThứ Năm, 17/02/2011 05:15

Kỳ I: Huế đã mất cổ vật như thế nào?

TTH - Gần đây, sau vụ mất cắp một số cổ vật vốn được trưng bày tại lăng Khải Định, dư luận đã rộ lên lời bàn tán về chuyện còn mất của cổ vật xứ Huế, thậm chí có người còn cho rằng, Cố đô sẽ mất sạch cổ vật và du khách sẽ không còn muốn đến đây nữa..

Rất nhiều người cho rằng, kho tàng cổ vật Huế chính là thứ làm nên phần hồn của di sản văn hóa Huế, một di sản được bồi đắp, tích tụ qua lịch sử hàng nghìn năm của vùng đất. Dẫu trải qua bao thăng trầm, biến động liên miên của lịch sử cùng sự tàn phá khốc liệt của thiên tai, thời tiết, Huế vẫn giữ được diện mạo cơ bản của một kinh đô thời quân chủ với thành quách, cung điện, đền miếu, lăng tẩm, chùa quán, phủ đệ, nhà vườn...

Gần đây, sau vụ mất cắp một số cổ vật vốn được trưng bày tại lăng Khải Định, dư luận đã rộ lên lời bàn tán về chuyện còn mất của cổ vật xứ Huế, thậm chí có người còn cho rằng, Cố đô sẽ mất sạch cổ vật và du khách sẽ không còn muốn đến đây nữa..
Huế vốn là vùng đất của sự giao thoa văn hóa (văn hóa Đông Sơn ở phía bắc- văn hóa Sa Huỳnh ở phía nam; nhìn xa hơn là văn hóa Ấn Độ từ phía nam- văn hóa Trung Hoa ở phía bắc...) nên từ xa xưa, tại đây đã có vô số sự trao đổi, hòa hợp văn hóa in dấu trong các hiện vật do con người làm ra (dụng cụ lao động, vũ khí, đồ trang sức...). Tiếp đó, trong hơn 10 thế kỷ tồn tại trên mảnh đất này (cuối thế kỷ 2 đến đầu thế kỷ 14), nền văn minh Chămpa đã để lại tại đây vô số di chỉ thành trì, đền tháp cùng số lượng hiện vật khá phong phú.
Từ năm 1306 đến năm 1945, trong khoảng gần 6 thế kỷ rưỡi, người Việt đã tiếp thu và xây dựng vùng đất Huế trở thành một trung tâm mới của đất nước ở phía nam, đặc biệt, từ năm 1636-1945, Huế đã trở thành thủ phủ của Đàng Trong, rồi kinh đô của nước Việt Nam thống nhất dưới các triều đại của chúa Nguyễn, Tây Sơn và vua Nguyễn. Vùng đất này trở thành điểm hội tụ của nhân tài, vật lực của cả nước. Chính vì vậy, đây cũng là nơi tập trung của các nguồn của cải, báu vật của quốc gia. Ngay từ thế kỷ 18, giới quý tộc Huế đã có thú sưu tầm đồ cổ và mua sắm các vật dụng quý giá làm của riêng.
Đến khi trở thành kinh đô của cả nước thì Huế càng trở thành nơi tập trung của các báu vật. Ngoài các loại vàng bạc ngọc ngà trong kho tàng hoàng gia còn có rất nhiều thứ quý giá thuộc về giới quý tộc, quan lại, thương nhân... sống tại kinh đô. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có công trình nào nghiên cứu một cách toàn diện về vấn đề này nên cũng không ai rõ, Huế đã từng giàu có ra sao?

Cổ vật bằng pháp lam thời Nguyễn

Căn cứ vào các tư liệu lịch sử, có thể biết những đợt mất mát lớn của Huế đã từng xảy ra không ít lần, tiêu biểu là vào các năm 1775, 1862, 1885, 1945, 1947, 1972...
Năm 1775, quân đội Lê-Trịnh do Việp quận công Hoàng Ngũ Phúc thống lĩnh tấn công và chiếm giữ Thuận Hóa - Đô thành của chúa Nguyễn. Sau khi chiếm đóng, đội quân này đã mặc sức vơ vét của cải trong kho tàng hoàng gia và gia đình quý tộc, quan lại thuộc triều đình chúa Nguyễn. Không những thế, họ đã hủy hoại rất nhiều đỉnh, vạc đồng, súng đồng vốn được trưng bày rất nhiều trong cung điện Huế. Theo Lê Quý Đôn, riêng trong năm Bính Thân (1776), quân Trịnh đã thu gom hầu hết đỉnh to, vạc to, thùng lớn bằng đồng, rộng từ 7,8 thước, cao 3,4 thước, nặng từ 700, 800 cân trở xuống đều phá để đúc tiền. Riêng số này đã được 799 tạ, sau khi trừ hư hao đúc thành tiền được 23.962 quan tiền1.
Chính vì lý do này, hiện tại Huế còn giữ được không nhiều các cổ vật bằng đồng chế tác thời chúa Nguyễn.
Năm 1862, sau khi để mất 3 tỉnh miền đông Nam bộ vào tay thực dân Pháp và phải ký hòa ước Nhâm Tuất, triều Nguyễn phải huy động rất nhiều vàng bạc và các cổ vật trong kho tàng của mình để đền trả số chiến phí mà Pháp đòi là 4 triệu piastre (quy đổi thành 2.880.000 lạng bạc). Nhiều tư liệu cho biết, nhà vua đã phải lấy rất nhiều đồ vật quý giá chế tác bằng vàng ngọc, thậm chí tận thu những kim ấn, kim sách của hoàng tử, công chúa, thân vương; các tư trang bằng vàng, bạc của cung phi để trả nợ. Vì lí do này, phần lớn cổ vật chế tác bằng vàng bạc của Huế trở nên khan hiếm, thậm chí cả lá ngọc cành vàng trong cung điện, lăng tẩm, miếu đền của triều Nguyễn cũng đã bị thay bằng loại lá ngọc cành gỗ (nhũ vàng).
Đúng là nước mất nhà tan thì của cải làm sao còn được!

Cổ vật bằng pháp lam thời Nguyễn
Nhưng vụ mất mát lớn nhất của Huế trong lịch sử lại gắn liền với sự kiện Thất thủ kinh đô! Ngày 5 tháng 7 năm 1885 (23 tháng 5 năm Ất Dậu), khi tấn công vào kinh đô Huế, quân đội Pháp đã cướp bóc, đốt phá và giết hại người dân một cách vô cùng dã man. Trong sự kiện đẫm máu này, không chỉ hàng vạn người bị giết hại mà Huế còn bị cướp đi phần lớn những gì quý báu nhất. Linh mục Père Siefert, người chứng kiến sự kiện thảm khốc này đã ghi lại:
“Kho tàng trong hoàng cung đã mất đi gần 24 triệu quan vàng và bạc… Cuộc cướp cạn ấy kéo dài trong 2 tháng còn gây tai tiếng hơn cuộc cướp phá Cung điện Mùa Hè của Thanh Đế ở Bắc Kinh”2 .
Trước tình hình nhiều tác phẩm nghệ thuật của Việt Nam bị săn đuổi, chiếm hữu, hoặc bị đưa ra nước ngoài bày bán, Hội Đô Thành Hiếu Cổ đã cố gắng sưu tầm và “bảo tồn những tác phẩm nghệ thuật vô giá bằng cách tập hợp ở Tân Thơ Viện tất cả những gì gợi nhớ đến quá khứ huy hoàng đã qua, những lễ nghi và phong tục của người Việt và đời sống cung đình của vương triều Nguyễn ở Huế”. Đến năm 1923, sau 10 năm hoạt động, bộ sưu tập cổ vật này (bao gồm cả cổ vật cung đình) đã có xấp xỉ 10 nghìn. Đây chính là nguyên nhân ra đời của Bảo tàng Khải Định (Musée Khải Định) ngày 24/8/1923. Từ đó cho đến hiện nay, dù trải qua rất nhiều biến động và nhiều lần đổi tên (Tàng Cổ Viện: 1945-1958; Viện Bảo tàng Huế: 1958-1979; Bảo tàng Cổ vật Huế: 1979-1995; Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế: 1995-2007 và Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế: 2007-nay), nhưng bảo tàng này luôn là trung tâm lưu trữ các cổ vật tiêu biểu cho văn hóa vùng đất Huế, nhất là văn hóa cung đình.
Cũng theo Père Siefert, khi đối chiếu với bảng kiểm kê tài sản của hoàng gia lập trước ngày 5/7/1885 với những gì đã mất, thì quân Pháp đã cướp: “228 viên kim cương, 266 món nữ trang có nạm kim cương, hạt trai, hạt ngọc, 271 đồ bằng vàng trong cung của bà Từ Dũ… Tại các tôn miếu thờ các vua: Gia Long, Minh Mạng và Thiệu Trị thì hầu hết các thứ có thể mang đi như mũ miện, đai áo, thảm đệm, triều phục, long sàng và bàn xoay có chạm trổ, các giá treo vũ khí, hộp đựng trầu để thờ, ống nhổ, chậu quán tẩy bằng vàng; hỏa lò, mùng và màn thêu hoa, đỉnh trầm, ấm trà và khay chén, tăm xỉa răng... đều bị cướp”3
Ngay bản thân tướng De Courcy, người chỉ huy cuộc tấn công vào Kinh đô Huế, vào ngày 24/7/1885 (tức 20 ngày sau khi khởi đầu cuộc tấn công) đã gửi cho chính phủ Pháp một bức điện với nội dung sau:
“Trị giá phỏng chừng các quý vật bằng vàng hay bằng bạc giấu kỹ trong các hầm kín là 9 triệu quan. Đã khám phá thêm nhiều ấn tín và kim sách đáng giá bạc triệu. Xúc tiến rất khó khăn việc tập trung những kho tàng mỹ thuật. Cần cử sang đây một chiếc tàu cùng nhiều nhân viên thành thạo để mang về mọi thứ cùng với kho tàng4”.
Như vậy, phần lớn của cải trong hoàng cung Nguyễn và cả trong giới quý tộc Huế đã bị người Pháp cướp bóc, đưa về “chính quốc”, một phần khác (có lẽ cũng không nhỏ” đã được phe chủ chiến đứng đầu là Tôn Thất Thuyết cho đem ra chiến khu Tân Sở-Quảng Trị để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài. Số vàng bạc ngân lượng này về sau cũng thất tán hoàn toàn.
Sau khi được đặt lên ngai vàng để thay thế vua Hàm Nghi, vua Đồng Khánh cũng nỗ lực đòi lại một số báu vật bị quân Pháp cướp mất trước đó. Triều Nguyễn đã phải tốn không ít sức lực và tiền bạc để lấy lại được phần lớn ấn tín quan trọng nhất và 9 khẩu đại bác bằng đồng vốn tượng trưng cho sức mạnh triều đại (bộ Cửu Vị Thần Công). Cũng để xoa dịu sự phản ứng của triều đình Huế và nhân dân, người Pháp còn tặng cho vua Đồng Khánh một số đồ vật quý của Pháp (chủ yếu là đồ bát đĩa bằng gốm sứ) và chiếc ấn “Triều đình lập tín” đúc bằng vàng và bạc (năm 1887)5 .
Thời vua Khải Định (1916-1925) và Bảo Đại (1925-1945), triều Nguyễn còn có thêm khá nhiều tặng vật ngoại giao, chủ yếu là của chính phủ Pháp. Trong khoảng từ thời Đồng Khánh (1885-1888) đến năm 1945, triều Nguyễn đã cho đúc thêm khá nhiều ấn tín bằng vàng, bạc. Cụ thể là: thời Đồng Khánh đúc 5 chiếc; thời Thành Thái (1889-1907) đúc 10 chiếc; thời Khải Định đúc 12 chiếc; và thời Bảo Đại đúc thêm 8 chiếc.
Tuy bị mất mát phần lớn những báu vật và của cải do họa mất nước, nhưng triều Nguyễn vẫn giữ lại được một phần báu vật rất có giá trị. Hầu hết các báu vật này là kim bảo, ngọc tỷ gắn với các đời hoàng đế, hoàng hậu, ngoài ra là những đồ “ngự dụng” vốn gắn liền với cuộc sống của họ, sau được dùng như những vật thờ tự.


Chiếc ngai Thái tử hiện trưng bày tại Bảo tàng Cung điện Quốc gia Hàn Quốc


Tháng 8 năm 1945, sau khi vị hoàng đế cuối cùng thoái vị, triều Nguyễn đã bàn giao hầu hết các báu vật còn lại của vương triều cho chính phủ lâm thời, trong đó có cả bộ ấn kiếm tượng trưng cho quyền lực của hoàng đế. Toàn bộ số của cải này gồm gần 3.000 món, được đem ra Hà Nội và được bảo quản đặc biệt qua hai cuộc kháng chiến của dân tộc. Duy chỉ có điều đáng tiếc là bộ ấn kiếm tượng trưng cho quyền lực của hoàng đế (kim ấn Hoàng đế chi bảo, nặng gần 10,5kg và chiếc kiếm chuôi vàng nạm ngọc), do sơ suất trong việc bảo vệ nên chúng ta lại để lọt vào tay người Pháp. Năm 1949, người Pháp đã tổ chức một buổi lễ “trang trọng” tại Đà Lạt để trao lại ấn kiếm cho “quốc trưởng” Bảo Đại. Bộ ấn kiếm này về sau được hoàng hậu Nam Phương đem qua Pháp và gửi tại ngân hàng Châu Âu.
Một điều đáng chú ý là đến năm 2007, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã bàn giao toàn bộ số hiện vật quý giá của triều Nguyễn cho Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, trong đó có cả 85 chiếc kim bảo, ngọc tỷ được chế tác dưới thời chúa Nguyễn và thời vua Nguyễn.
Sau khi chỉnh lý, tháng 10 năm 2010, một sưu tập bao gồm 17 hiện vật vàng ngọc đã được đem trưng bày nhân kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội. Sưu tập này đã dành được sự quan tâm đặc biệt của công chúng.
Cũng sau năm 1945, ngoài số tài sản đã bàn giao cho chính quyền cách mạng số cổ vật còn lại của triều Nguyễn trở thành tài sản riêng của gia đình cựu hoàng Bảo Đại và một số gia đình thân vương, quý tộc khác. Năm 1972, bà Từ Cung (thân mẫu cựu hoàng) đã bán đi mấy chục món có giá trị nhất trong tài sản riêng của mình để lấy tiền dựng lại tòa Thái Tổ Miếu, công trình vốn bị thiêu hủy vào tháng 2/1947.
Về những cổ vật được bảo quản, trưng bày tại Tàng Cổ Viện (sau năm 1958 là Bảo tàng Huế) cũng bị thất thoát ít nhiều trong thời gian từ 1945-1975. Có những cổ vật rất quý như chiếc nghiên mực Tức Mạc Hầu của vua Tự Đức đã bị lấy làm tài sản riêng của Ngô Đình Diệm, rồi không cánh mà bay sau khi chính quyền Diệm bị lật đổ . Nhưng Bảo tàng Huế cũng được bổ sung một số lượng đáng kể hiện vật từ nguồn tịch thu tài sản riêng của Ngô Đình Cẩn sau sự kiện này7.

Bảo tỷ thời Thiệu Trị hiện cất giữ tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam
Một sự thất thoát đáng kể khác đã xảy ra trong năm 1972 do việc đưa cổ vật vào Sài Gòn. Mùa xuân năm này, trước sự tấn công mạnh mẽ của quân đội Giải phóng miền Nam, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu đã cho đóng những cổ vật được đánh giá là quý nhất của Viện Bảo tàng Huế vào những chiếc thùng lớn và cho chuyển vào Sài Gòn. Đến năm 1977, có tổng cộng 1677 cổ vật được trao lại cho Huế 8, nhưng một số thùng cổ vật khác lại không hiểu vì lí do gì lại được giao cho Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh!
Ngoài những chuyện mất mát cổ vật được quản lý bởi Bảo tàng nhà nước cũng cần phải nói rằng có không ít cổ vật quý hiếm của Huế đã được đưa đi nơi khác do chủ nhân của chúng (đa số là các gia đình quý tộc cũ) di chuyển nơi ở hoặc bán đi do hoàn cảnh khó khăn. Một số nhà sưu tầm cổ vật tại miền Nam lúc bấy giờ đã có được rất nhiều cổ vật có giá trị từ Huế.
Sau năm 1975, đặc biệt là trong thập niên 1980, tại TP Huế và vùng phụ cận, hàng loạt cổ vật quý lại bị đánh cắp do kẻ gian bất chấp mọi luân thường đạo lý đào phá hàng chục lăng mộ của ông hoàng bà chúa để hôi của. Lăng Kiên Thái Vương (thân sinh của 3 vị hoàng đế Đồng Khánh, Hàm Nghi và Kiến Phúc), lăng thái hậu Từ Dũ (thân mẫu vua Tự Đức) và lăng hầu hết các chúa Nguyễn đều bị kẻ gian đào bới, lấy đi rất nhiều đồ tùy táng có giá trị. Mặc dù lực lượng công an và đơn vị quản lý di tích có bắt được một số vụ (vụ trộm ở lăng bà Từ Dũ, lăng Kiên Thái Vương) nhưng các hiện vật thu được đều phải giao cho ngân hàng nhà nước hoặc đem bán hóa giá! Đây cũng là một tổn thất đau lòng đối với Huế!
Một dạng thất thoát đáng nói khác là những cổ vật do người dân tình cờ phát hiện, nhưng không báo với chính quyền mà bán cho những người buôn bán phế liệu hoặc buôn bán cổ vật. Hầu hết những cổ vật dạng này đều “lặng lẽ” ra đi khỏi Huế, số ít khác thì “ở lại” nhưng là trong các sưu tập tư nhân chứ rất hiếm khi vào các bảo tàng nhà nước.
Yên Chi
1 Lê Quý Đôn toàn tập, sđd, tr223.
2 J. Chesneaux, Contribution à l’histoire de la nation vietnamienne, Paris, Éditions Sociales, 1955, p. 135.
3 J. Chesneaux, Contribution à l’histoire de la nation vietnamienne, sđ d, p.134.
4 Dẫn theo Phan Thuận An, “Một lần Huế mất của xưa”, Tạp chí Văn hóa Bình Trị Thiên, 1987, số, tr8.
5 Triều đình lập tín dùng để đóng trên các văn bản trao đổi giữa hai nước. Trên mặt ấn có khắc cả dòng chữ “Le Governement de la Republique Francaise A S. Dong Khanh Roi D’ Annam” (Chính phủ Pháp tặng ngài Đồng Khánh, vua nước An Nam).
6 Theo cụ Nguyễn Hữu Nghị, cựu nhân viên của Viện Văn hóa Trung Kỳ (1947-1954). Xem thêm bài viết “Huyền thoại về Tức Mạc Hầu hay những câu chuyện về chiếc nghiên mực quốc bảo thời Tự Đức” của Phan Thanh Hải, tạp chí Nghiên cứu và Phát triển.
7 Số này bao gồm 1.243 hiện vật. Xem thêm Trần Đức Anh Sơn, “Tổng quan về Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế”, in trong Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế, tập 3, Trung tâm BTDTCĐ Huế xuất bản, Huế -2003, tr 40.
8 Trần Đức Anh Sơn, “Tổng quan về Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế”, sđd, tr 40.

Kỳ II: Tìm lối đi cho cổ vật.

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top