ClockThứ Năm, 06/11/2014 14:37

Tạo sự tương tác khi tham quan bảo tàng

TTH - Theo ông Peter Kaufmann, chuyên gia bảo tàng đến từ Mỹ có gần 20 năm sống và làm việc tại Việt Nam thì việc bảo tàng có hay như thế nào, hiện vật có giá trị ra sao mà không có khách tham quan thì không còn ý nghĩa gì cả.

Từ bảo tàng ở Lubbock (Hoa Kỳ)

Thành phố Lubbock (Bang Texas – Hoa Kỳ) dù diện tích và dân số không lớn nhưng mật độ hệ thống bảo tàng xuất hiện khá dày với nhiều chủ đề khác nhau.
Học sinh mẫu giáo tham quan bảo tàng khoa học tại Lubbock
Thói quen của nhiều gia đình cuối tuần ở đây là đưa cả nhà đi tham quan bảo tàng và xem các triển lãm, trưng bày nghệ thuật. Bảo tàng khoa học và trung tâm chiếu phim khoa học của thành phố (Science Spectrum-Omni Theater) luôn là điểm tham quan thu hút các cháu thiếu nhi bởi nơi đây trưng bày các vật dụng thể hiện các hiện tượng vật lý về nam châm, âm thanh, ánh sáng, các hiện tượng tự nhiên như sấm sét, lốc xoáy và hàng trăm mẫu vật khác nhau. Rồi có siêu thị mini để mua sắm các vật dụng nghiên cứu, bệnh viện vật nuôi giả định để các cháu làm bác sĩ thăm khám, phòng chiếu phim về chim muông, khủng long, đại dương, động đất hay núi lửa… cùng với các sự kiện thường niên miễn phí vé tham quan cho các em nhỏ.
Kể từ năm 1977, ngày 18/5 hàng năm được Hội đồng Bảo tàng quốc tế (ICOM) lấy làm Ngày Quốc tế bảo tàng. Đối với các bảo tàng có bán vé thì nên mở cửa bảo tàng miễn phí cho mọi đối tượng công chúng trong ngày 18/5 nhằm khuyến khích khách tham quan đến với bảo tàng cũng như có sự ghi nhận đối với một ngày quan trọng trong cộng đồng bảo tàng trên toàn thế giới
Tại bảo tàng thiên nhiên của thành phố, có các lớp ngoại khóa mùa hè – summer course cho các thành viên nhí tham gia tìm hiểu về loài bướm, các loài hoa tự nhiên cùng các hoạt động khám phá thiên nhiên như tắm suối, tham quan thú, chơi các trò chơi tập thể, đố vui… Cuối chương trình, các thành viên sẽ tích lũy điểm để ứng với từng số điểm từ thấp đến cao, các bé sẽ nhận được đồ vật mà mình yêu thích từ bảo tàng như những viên đá lạ trong tự nhiên, xương động vật, răng thú, sừng hươu hay bộ sưu tập bướm… Dường như tất cả hoạt động mọi nơi đều có một điểm chung là tạo điều kiện tối đa để chính các cháu bé tiếp cận trực tiếp với các vật trưng bày. Các em có thể ôm những con trăn dài, vuốt đầu rắn, chụp ảnh cùng chim đại bàng, cho kỳ đà ăn, tạo lửa từ đá, cọ rửa các loại san hô biển, ngắm răng các loại thú dữ qua kính lúp… Đối với các cháu cấp phổ thông cơ sở thì Lubbock Lake Historic Landmark – một khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia do Trường đại học Texas Tech của thành phố quản lý cũng là một điểm đến thú vị bởi khi đến đây, học sinh có thể tham gia vào hành trình khám phá, khai quật các mẫu vật khủng long hóa thạch giả định, đi bộ qua các vùng đồi núi để tìm hiểu thiên nhiên và các kỹ năng của hướng đạo sinh…
Cần sự trở mình của các bảo tàng Huế
Cách đây 6 năm, khi đang giảng dạy cho các sinh viên lớp hướng dẫn viên du lịch và điều hành lữ hành tại Huế, chúng tôi đã có sự đột phá trong tiết học thực tế bằng cách yêu cầu tất cả sinh viên không đi xe máy mà phải đi xe đạp về Cầu ngói Thanh Toàn. Các trò chơi về học cách trồng lúa nước, các câu hỏi về Cầu Ngói, trò chơi nhỏ như vào nhà dân xin một sản phẩm nông nghiệp của địa phương mà không được mua… trên đường đến điểm du lịch khiến sinh viên rất bất ngờ vì học hỏi nhiều điều mới lạ, thích thú vì khám phá thực tế những điều tưởng như bình thường.
Hãy xây dựng một tour khép kín các bảo tàng ở Huế như: Bảo tàng Hồ Chí Minh – Điềm Phùng Thị - Lê Bá Đảng – Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng, giúp các em tìm thấy những cái mới trong chính thành phố mà mình sống hàng ngày. Do vậy sự trở mình của các bảo tàng cũng phải có sự hỗ trợ từ các chương trình đào tạo ngoại khóa các môn lịch sử, chính trị hay quản lý lữ hành, hướng dẫn du lịch từ các trường học.
Cần đẩy mạnh thêm việc quảng bá bảo tàng trên các bản đồ du lịch của thành phố cũng như các doanh nghiệp kinh doanh du lịch. Không phải ngẫu nhiên bảo tàng luôn được trình bày nổi bật trong bản đồ giao thông, du lịch của hầu hết các đô thị lớn trên thế giới bởi đó cũng là thước đo của một nền văn hóa. Thậm chí, đó là một điểm đến không thể thiếu với mỗi tour dành cho du khách nước ngoài.
Một phương án cũng cần xem xét đến sự cần thiết của một cuộc họp dành cho các giám đốc bảo tàng miễn phí ở Huế để cùng cho ra một voucher (phiếu ưu đãi) dành cho khách tham quan. Voucher này sẽ được gửi về các trường hoặc bỏ tại mỗi bảo tàng. Các cháu mỗi lần đến bảo tàng, có dấu check in và check out (ghi kèm ngày giờ vào - ra). Khi các cháu sưu tập đầy đủ các dấu của các bảo tàng rồi sẽ được một món quà từ các nhà tài trợ. Như vậy, các bảo tàng sẽ kích thích được khách tham quan chứ không đìu hiu như lâu nay. Đối với các doanh nghiệp thì đây là cơ hội tốt để quảng bá rộng rãi sản phẩm của mình mà không tốn kém nhiều chi phí.
Cuối cùng là sự kết nối các bảo tàng trong nước với nhau để tạo thành chuỗi sự kiện, chuỗi tham quan du lịch để tạo sự thuận lợi tối đa cho khách. Tại mỗi bảo tàng ở Huế đều có các thông tin, tờ rơi về các bảo tàng ở các thành phố khác, hay du khách mua một vé trọn gói sẽ có thể tham quan tất cả các bảo tàng ở Việt Nam, đi tham quan bao nhiêu bảo tàng trong hệ thống tham gia sẽ được một tour miễn phí hoặc một món quà thuần Việt đầy ý nghĩa.
Có như vậy hoạt động của hệ thống bảo tàng ở Huế sẽ trở nên năng động hơn để đáp ứng nhu cầu luôn thay đổi của du khách.
Phan Quốc Vinh (Lubbock)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

Đó là chủ đề của Trại sáng tác văn học, nghệ thuật do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khai mạc sáng 15/4 tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền).

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

TIN MỚI

Return to top