Hiện vật bị kẻ gian lấy trộm là 2 con nghê bằng đồng và 4 chiếc ché lớn tại điện Hòa Khiêm (điện chính lăng vua Tự Đức). Sau khi xảy ra sự việc, Công an Thừa Thiên Huế đã khám nghiệm hiện trường, tổ chức điều tra truy tìm thủ phạm; đồng thời, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế cũng thông báo rộng rãi trên website của đơn vị, nhưng đến nay tung tích của 6 cổ vật này cũng như bọn trộm vẫn còn là ẩn số.
Trước nữa, các điểm di tích như: lăng Khải Định, lăng Thiệu Trị, lăng Minh Mạng, Đại Nội… cũng bị kẻ gian đột nhập lấy trộm hiện vật đang trưng bày và thùng phước sương.
Hiện nay, không gian trưng bày hiện vật tại các điểm di tích Huế ngày càng được Trung tâm BTDTCĐ Huế mở rộng, nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu tìm hiểu văn hóa Huế đối với du khách. Tuy nhiên, không gian ấy càng được mở rộng bao nhiêu thì hiện vật càng phải đối diện với nhiều rủi ro bấy nhiêu.
Tất nhiên, để ngăn chặn nạn trộm cắp cổ vật, rất nhiều vấn đề đã được đặt ra. Trong đó, cần phải có sự phối hợp của nhiều cấp, ngành chức năng; ngành công an cần tăng cường công tác phối hợp, tích cực đấu tranh, đưa một số vụ việc ra ánh sáng để tạo tính răn đe; ngành văn hóa và đơn vị trực tiếp quản lý cổ vật cần tổ chức đánh dấu, xây dựng tư liệu nhận dạng cổ vật để khi phát hiện mất cắp sẽ dễ dàng phát hiện ra chúng khi xuất hiện trên thị trường. Mặt khác, các cấp chính quyền cơ sở, các đơn vị trực tiếp quản lý cổ vật cần quan tâm hơn việc bảo vệ cơ sở văn hóa và cần tăng cường chủ động nắm tình hình về số lượng cổ vật, giá trị của các cổ vật để có phương án bảo vệ thích hợp.
Với Trung tâm BTDTCĐ Huế, sau nhiều vụ việc bị kẻ gian lợi dụng sơ hở, đột nhập đánh cắp cổ vật, đơn vị đã xây dựng lại toàn bộ phương án bảo vệ hiện vật. Trong đó, xây lắp hệ thống chống trộm tại các điểm trưng bày; quán triệt tinh thần trách nhiệm của lực lượng nhân viên bảo vệ; tăng cường tuần tra kiểm soát về đêm và phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để phòng ngừa từ xa… được ưu tiên triển khai.
“Tuy nhiên, không thể phủ nhận vai trò của người dân và cộng đồng dân cư - địa phương trong việc bảo vệ di sản. Với câu chuyện bảo vệ các cổ vật trong các di tích Cố đô Huế, một khi việc hạn chế kinh phí để đầu tư cho hệ thống chống trộm hiện đại, việc kiểm soát tình hình an ninh ở các điểm trưng bày cổ vật chỉ được thực hiện bằng sức người… được coi là một trong những lý do khiến cổ vật trưng bày thiếu sự an toàn, thì việc huy động sự chung tay của người dân là biện pháp đem lại hiệu quả nhanh nhất. Rõ ràng, nếu có sự tham gia của nhân dân trong việc này thì mỗi người dân địa phương là một “mắt lưới” trong “hàng rào” bảo vệ cổ vật ở các điểm di tích. Với “lớp lớp mắt lưới” này, thì việc kẻ gian là “tay trong” cũng khó lọt được ra ngoài, nói chi đến kẻ lạ mặt xâm nhập từ bên ngoài vào để hành động.
Như vậy, lại thêm vấn đề khác được đặt ra: Làm sao để kêu gọi được sự chung tay của người dân? Trả lời một khía cạnh của câu hỏi này, bà Katherine Muller Marin, Trưởng văn phòng đại diện UNESCO tại Việt Nam, từng nhấn mạnh: “Cần phải giáo dục ý thức về di sản cho người dân”.