ClockChủ Nhật, 13/04/2014 14:47

Hồn quê giữa phố

TTH - Đường Lịch Đợi, cái tên nghe là lạ và địa hình cũng lạ. Đó là một con đường quanh co bàn cờ mà lại trên đồi dưới ruộng... Nhà mình ở ngay dưới chân con đường này; tiếng là ở phố nhưng xóm được đặt tên là xóm Ruộng vì ngay cạnh cánh đồng Bàu Vá luôn xanh tươi và thoảng hương thơm của rau răm, rau thơm, rau ngổ rồi mùi lúa chín... Thú vị nhất là khi mà nhiều làng quê những rặng tre xanh đã bị phá hết để làm đường bê tông thì ở ngay chính phố nơi mình ở vẫn còn những rặng tre già gần gụi.

Đó là nơi chốn tìm về của những loài chim khác nhau trong suốt 4 mùa. Mùa thu, mùa đông họ nhà cò, nhà vạc trắng cả lũy tre. Mùa xuân, buổi sáng bảnh mắt đã nghe tiếng lảnh lót của loài chim bù chao. Cái giống chim này chỉ cần vài con là đã khuấy động được cả một khoảng trời. Nghe chúng hót mới biết vì sao người đời hay so sánh là bù chao bù niệng cho những lần gặp gỡ cười vui của mấy đứa học trò...

Chừng 2 năm trở lại đây, xóm mình có phong trào nuôi chim chào mào cảnh. Buổi sáng mấy lồng chào mào của mấy nhà hàng xóm đua nhau hót trong nụ cười mãn nguyện của người chơi chim: “Nghe chim hót đã đời không?”. Sáng nay ngủ dậy chợt nghe tiếng hót từ bụi tre của con chim tu hú như đang báo hiệu một mùa hè nữa lại về...

Cạn xuân đến đầu hè cũng là mùa bầu, bí. Cây bí đao của nhà mình trồng trên khoảng đất nhỏ cạnh nhà như lấy đó làm niềm vui nhớ vườn quê. Cũng như tre, bí và bầu là hai loài cây gần gũi với người Việt, nhất là những người dân quê. Ngoài quê mình, bí bầu được đọc trại âm thành bín bù nghe cũng hay hay. Mùa hè đến, những giàn bầu bí che mát một khoảng vườn, lủng lẳng những trái mẹ, trái con nhìn thiệt thích (có thằng bạn là giáo viên dạy văn ví von rất hay: thấy chúng như những nốt nhạc đồng quê)... Ngày trước, cứ tháng hai âm lịch ba mình chặt tre làm giàn bầu trước sân nhà đủ không gian kê một cái phản để cả nhà quây quần ăn cơm trưa chiều và tối đến ra ngồi hóng mát. Người làng nói thường bí bầu trồng chung một giàn thì ít ra trái; không biết có đúng rứa không nhưng thường thì cũng rất ít thấy ai trồng chung hai loại cây này với nhau. Mới đây, ngồi với mấy đứa bạn “ ôn nghèo, kể khổ”, có đứa nhắc đến chuyện: ngày trước ở làng trái bù thôi mà bà già tau cũng chỉ dám cắt một nửa để nấu canh còn một nửa để dành. Mình không nghĩ như vậy, bởi ở quê có thể nghèo chi chứ bí bầu thì không thiếu. Có lẽ người quê để dành nửa trái bầu trên giàn cốt để cho bầu tươi ngọt hơn thôi... Ca dao có câu “râu tôm nấu với ruột bầu” cũng là nói chuyện nghèo mà vui. Mình thì mê nhất món canh bầu nấu với hến phá Tam Giang. Cái ngọt thanh tao của bầu hòa cùng cái ngọt đậm đà của hến nước lợ là miếng ngon theo suốt cuộc đời. Mà bầu không chỉ dùng để ăn tươi; mẹ mình vẫn muối bù chua để nấu canh với cá tràu, cá rô ngon chi lạ; rồi bầu phơi khô để dành làm thức ăn mùa đông... Ba mẹ đi thật xa, về nhà vào mùa hè cảm giác thèm được ngồi dưới giàn bầu bí mà không có được.

Sáng nay thấy mấy trái bí bắt đầu thành hình mà nhớ câu thơ của Nguyễn Khoa Điềm: “Chúng con từ tay mẹ lớn lên - Còn những bí bầu thì lớn xuống”.

Phi Tân
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

Đó là chủ đề của Trại sáng tác văn học, nghệ thuật do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khai mạc sáng 15/4 tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền).

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

TIN MỚI

Return to top