ClockThứ Năm, 22/01/2015 15:16

Hơi ấm mùa đông

TTH - Những ngày đông lạnh, mỗi khi chợ có món ngon, mẹ thường sai mình xách cà mèn lên biếu ông bà cố. Ông bà cố là người họ hàng gần nhất với nhà mình. Nhà ông ở cuối xóm, ngay ở chân rú cát. Con cái ở xa, hai ông bà lặng lẽ mà ấm áp ở với nhau trong căn nhà tranh thấp lè tè.

Nhà nhỏ như vậy nên chỉ đủ kê một tấm phản ở giữa nhà, hai bên là hai chiếc giường cùng chái bếp chỉ vừa đủ cho hai người ngồi. Có điều cái bếp ấy luôn luôn đỏ lửa những ngày đông giá để sưởi ấm hai thân già; bên cạnh bếp lửa là con lăn bằng rơm (ngoài Bắc còn gọi là con cúi). Con lăn được ông cố đan bện khéo léo, cứ cháy từ từ đến mấy ngày sau đó được thay bằng con lăn khác. Nhà ông bà cố không bao giờ thiếu con lăn mà theo lời ông cố thì con lăn là để giữ ngọn lửa luôn có trong nhà. 

Khi mô mình lên cũng được ông cố cho quà khi là củ khoai nướng, khi thì trái chuối chín… Mình thích nhất cái cảnh ông cố lấy cái nùi thuốc lá, bỏ vô cái thanh gỗ có khoan một lỗ tròn ở giữa rồi dùng dao xắt nhỏ ra thành sợi để vấn thành điếu thuốc. Với lấy con lăn thổi nhè nhẹ châm xong điếu thuốc phì phèo ông vừa mở cái lồng ấp lấy cái bình sành nước chè xanh ra chén rồi nói: “Con uống cho ấm bụng!”. Bà cố thì mang từ bếp cái thẩu rồi gói cho mình một gói: “Con mang ruốc sả về mà ăn!” Tất nhiên, từ nhà ông bà cố về đến nhà mình cũng thử vài miếng ruốc sả của bà cố cho. Đậu phụng, sả, tóp mỡ kho thiệt khô với ruốc ăn vô vừa thơm vừa ấm…Lâu rồi mình không còn thấy nữa con lăn giữ lửa, cũng không được ăn món ruốc sả ngày đông…

Những đêm lạnh, trên dọc vỉa hè đường Lê Lợi trước Trường đại học Sư phạm có những hàng bán bắp, khoai nướng ấm áp cả một khoảng trời đêm. Mình mấy lần mua khoai nướng ở đây nhưng ăn không thấy ngon. Có lẽ là do cách nướng…

Lại thấy nhớ cái hương vị của củ khoai nướng ngày xưa, cái giống khoai vỏ hồng ruột tím bở và ngọt…Mà khoai phải nướng ở bếp trấu mới ngon. Cây lúa đồng quê nó gắn chặt với đời sống của người nông dân từ hột gạo thành cơm cho đến cọng rơm và cả vỏ trấu thành chất đốt. Đầu xóm mình có nhà máy xay xát gạo của chú Khôi, gần nhà nên lũ con nít có thêm nghề là đi xúc trấu. Cứ mỗi khi máy xay xát hoạt động, trấu bay ra mù mịt là cả gần chục đứa xông vào tranh nhau từng mủng trấu. Một ngày như thế cũng được gần một bao trấu mang về nhà. Hồi đó, củi hiếm, rơm thì vừa làm chất đốt, vừa bỏ cho heo nằm, vừa để lót cho cây nên phải cần đến trấu làm chất đốt. Cái lò thổi trấu được cấu tạo hình nón ngược, trấu đổ xung quanh và dùng cái que khêu đẩy xuống để thổi lửa. Mun trấu cháy đượm và khá lâu tàn đủ để nướng củ khoai vừa chín. Những ngày đông giá, cả mấy anh em mình, có khi thêm mấy đứa bạn trong xóm ngồi quanh lò trấu vừa để sưởi ấm vừa chờ khoai chín. Củ khoai nướng nóng hôi hổi vừa thổi vừa ăn của tuổi thơ răng mà ngon lạ… Có khi không phải là khoai mà cả mấy cục bột lọc lấy chùng của mẹ vo tròn trên chiếc đũa rồi thui vào đống mun trấu ăn cũng thiệt ngon…

Chợt giật mình khi không chỉ ở phố mà cả ở không ít làng quê, không gian ấm áp, tình thân của bếp lửa đã mất đi. Là ba ông táo bằng đất nung, là cái kiềng ba chân, cái lò thổi trấu… đã được thay thế bằng cái bếp gas hiện đại. Chẳng lẽ lại đi tiếc cái cảnh phải nước mắt nước mũi cay xè vì nhen bếp, rồi khói bếp bám đen trần nhà… Nhưng những ngày lạnh giá như thế này răng vẫn thấy thèm cái hơi ấm của bếp lửa, cũng như thèm một củ khoai nướng nóng hôi hổi vừa thổi vừa ăn…

Phi Tân
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

Đó là chủ đề của Trại sáng tác văn học, nghệ thuật do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khai mạc sáng 15/4 tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền).

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

TIN MỚI

Return to top