ClockThứ Sáu, 03/07/2015 16:29

Giữ hồn sách cũ

TTH - Gắn bó với nghề đóng sách báo cũ từ những năm 1983, ông Nguyễn Khâm (83 tuổi) ở phường Tây Lộc, TP Huế đã giúp giữ lại nhiều quyển sách, tờ báo quý.

Giúp lưu trữ sách, báo cũ

Hơn 30 năm qua, căn nhà số 32 đường Dương Hòa, phường Tây Lộc, thành phố Huế của ông Nguyễn Khâm trở thành địa điểm quen thuộc của những người muốn lưu giữ lại sách báo cũ. Họ tìm đến đây để giao cho ông Khâm những quyển sách quý đã hao mòn theo thời gian để ông khoác lên “màu áo mới” cho những cuốn sách đã phai nhạt bìa, đứt chỉ.
Đến nhà ông Nguyễn Khâm, cảnh tượng đập vào mắt chúng tôi là những chồng sách báo cũ Tiền Phong, Thừa Thiên Huế, Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Lao Động được phát hành từ nhiều năm trước được phân định ra từng tháng, đóng theo từng tập, trông rất thẩm mỹ.
Anh Nguyễn Xuân Hải cần mẫn dán lại từng trang sách cho khách
Từng là một người lính thuộc Trung đoàn Trần Cao Vân tham gia nhiều chiến dịch tại đất nước bạn Lào sau xuất ngũ về làm việc tại nhà in Vĩnh Linh, Quảng Trị nên tính cần mẫn, tỉ mỉ luôn được ông mang theo vào cái nghề đóng sách báo cũ. Chính vì vậy mà những quyển sách, các báo cũ được xuất bản nhiều năm trước được ông Khâm và con trai đóng thành tập rất chắc chắn, vuông vắn có tính thẩm mỹ cao.
Ông Khâm cho biết, nhiều năm nay sách báo cũ tại Khoa Báo chí Trường đại học Khoa học Huế, Văn phòng Báo Lao Động, Báo Thừa Thiên Huế, Thư viện Tổng hợp, Học viện Hành chính Quốc gia, muốn lưu trữ lại nhiều năm đều giao cho ông và con trai đóng lại.
Cũng theo nghề đóng sách báo cũ của cha hơn 20 năm nay, anh Nguyễn Xuân Hải cho biết: Bao năm phụ giúp đóng sách báo cũ, anh đã mê nghề của cha bao giờ không hay. Niềm vui lớn nhất của hai cha con tôi là đã làm sống lại những quyển sách, tờ báo cũ tưởng chừng rơi vào quên lãng, giúp người yêu sách, các cơ quan lưu trữ được những cuốn sách, tờ báo cho thế hệ sau làm tư liệu. Anh Hải chia sẻ.
 
Nghề của sự cần mẫn
Đang ngồi cần mẫn dán từng trang giấy, những cuốn tạp chí văn học của Thư viện Tổng hợp giao đóng cách đây hơn một tháng, anh Nguyễn Xuân Hải cho biết, người làm nghề đóng sách báo cũ phải có tính tỉ mỉ, say mê nghề thì mới theo được. Để có những cuốn sách, cuốn báo đóng lại ngăn nắp, là một quá trình làm việc theo dây chuyền, trải qua nhiều công đoạn khác nhau theo phương pháp thủ công.
Khi nhận sách báo từ khách, công việc đầu tiên là phải ngồi lựa sách báo theo ngày tháng để đóng theo yêu cầu của khách, công đoạn này cũng đã ngốn nhiều thời gian. Sau đó, từng tờ báo, trang sách cũ sẽ được dán lại với nhau theo thứ tự trang bằng hồ dán được nấu từ bột lọc trước khi dùng dùi đục lỗ rồi lấy chỉ sợi ni lông khâu lại các trang. Công đoạn cuối để có một cuốn sách, tập báo nhìn đẹp mắt như thế này thì phải vào giấy gác, xén cắt sao cho vuông vắn, trước khi đóng bìa vải giao cho khách.
Bình quân mỗi quyển sách, tập báo được đóng với tiền công từ 25.000 – 50.000 đồng/cuốn, tùy thuộc vào kích thước và độ dày quyển sách, tập báo mà khách yêu cầu đóng lại. 
Hiện tại công việc đóng sách báo cũ cũng không thường xuyên, thu nhập từ nghề này cũng bấp bênh nhưng lỡ yêu nghề đóng sách cũ này rồi nên cũng gắn bó với nghề, mặc dù nghề đóng sách báo cũ không hợp thời nữa. Hơn 30 năm theo nghề đóng sách cũ, cha tôi luôn tâm niệm và dạy tôi rằng: “Người ta tin tưởng mình mới giao lại cho những quyển sách, tờ báo quý để mình đóng lại, chính vì vậy mà mình phải làm cẩn thận, tỉ mỉ, không để mất lòng tin của khách”. Anh Hải chia sẻ .
Bài, ảnh: Võ Ngọc Thạnh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

Đó là chủ đề của Trại sáng tác văn học, nghệ thuật do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khai mạc sáng 15/4 tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền).

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

TIN MỚI

Return to top