ClockThứ Năm, 06/11/2014 05:38

Dễ & khó

TTH - Câu chuyện dường như đã có lúc chùng xuống lúc ai đó đề cập đến những nhếch nhác nhìn thấy khi tầm nhìn của mắt vướng vào những ngôi nhà tạm, mỗi cái một dáng vẻ. Những ngôi nhà chừng như vừa muốn thu mình đi dưới chiều cao khiêm tốn, lại vừa như chứng thực một nhu cầu trong cuộc sống với những dây phơi quần áo. Với những cục nóng của máy điều hòa thấp thỏm. Nó cũng sẽ là điều bình thường thôi nếu là ở một khu dân cư nào đó. Đằng này, ngay khi vừa rẽ vào con đường Đoàn Thị Điểm rất đẹp, chưa kịp thích thú với cái thoáng rộng của không gian, với rêu phong cổ kính và những bóng lá đổ trên mặt đường, mắt chừng như đã vấp phải cả mảng màu lem. Sau đó là sự hụt hẫng của cảm xúc.

Sở hữu những ngôi nhà trong khuôn viên này là những nghệ sĩ, diễn viên, cán bộ của Đoàn Nghệ thuật truyền thống Huế. Phần lớn trong số họ nay đang công tác tại Nhà hát Nghệ thuật cung đình Huế (thuộc Trung tâm bảo tồn Di tích Cố đô Huế). Do nằm trong khu vực I của di tích, nên đương nhiên là các hộ gia đình này không được phép sửa chữa hay cơi nới. Qua trao đổi với những người có trách nhiệm thì các chủ hộ ở đây đang chờ đợi việc đền bù, giải tỏa để di chuyển đến một địa điểm mới, trả mặt bằng, không gian lại cho di tích, thế nên cũng là điều dễ hiểu khi đã biết, đã thấy sự cộm lên của vấn đề nhưng vẫn cứ phải mặc nhiên chấp nhận những “gương mặt” khác khi cuộc sống ở đây vẫn đang được tiếp diễn.

Trước những câu hỏi của các thành viên Ban Văn hóa Xã hội (HĐND tỉnh) trong một buổi giám sát, ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho hay, hiện ở đây có hơn 20 hộ gia đình. Có người đã cho người khác thuê, có người cho người khác đến ở khi có nhà mới. Điều đó đã làm cho việc giám sát và quản lý là cực kỳ khó vì đối tượng thuộc nhiều thành phần khác nhau. Ông Cao Huy Hùng, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng Thừa Thiên Huế, đơn vị nằm kề cạnh khu vực này nói rằng, điều này quả thật đã ảnh hưởng không nhỏ đến quản lý và hoạt động của đơn vị, nhất là với ý thức và hành vi ứng xử hàng ngày của những người đang sinh sống ở đây.
Theo chúng tôi được biết thì tỉnh cũng đã có kế hoạch để đền bù, giải tỏa các hộ không chỉ trong khu vực này mà còn rộng hơn, bao gồm các hộ đang sinh sống trong khu vực I của di tích ở xung quanh Bảo tàng Lịch sử Cách mạng và Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế phía đường Đoàn Thị Điểm, đường Lê Trực và Đinh Tiên Hoàng. Một kế hoạch dài hơi hơn nữa là tìm địa điểm để xây dựng Bảo tàng Lịch sử và cách mạng mới. Vấn đề là ở chỗ, trong khi chờ đợi nguồn lực để triển khai, làm thế nào để những mảng màu không đẹp này sẽ được dọn dẹp và cải thiện.
Những điều tưởng dễ, té ra lại quá khó khi thiếu đi ý thức đối với môi trường, với cộng đồng xung quanh và vắng hẳn trách nhiệm công dân của một thành phố văn hóa - du lịch...
Nguyễn An Lê
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

Đó là chủ đề của Trại sáng tác văn học, nghệ thuật do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khai mạc sáng 15/4 tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền).

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

TIN MỚI

Return to top