ClockThứ Sáu, 29/05/2015 10:16

Bóng hoa bên phố

TTH - Buổi sáng chạy xe trên đường và ngỡ ngàng thấy cây mưng bên hè phố trước ngõ nhà ai đó trút một thảm hoa đỏ thật đẹp. Cây mưng này, mình chắc rằng nó được mọc lên ở một vùng quê nào đó và rồi trong “cơn sốt” cây cảnh cách đây chừng 5 năm đã được mang về thành phố và ngụ lại trên con phố nhỏ này.

Cây mưng còn có tên là lộc vừng. Có người giải thích rằng, khi cây đâm lộc là đúng vào mùa thu hoạch vừng. Cây vừng là theo cách gọi của miền Bắc, còn miền Trung gọi là cây mè. Cây lộc vừng vì thế cũng là tên gọi cây ở miền Bắc còn quê mình gọi một cách dân dã là mưng, cũng như những loài cây khác như tra, cừa, mao, móc… Hồi trước, ở làng mình mưng mọc khắp nơi từ những lùm cây chân độn cát, hai bên bờ sông, ở góc ao nhà hay ngay giữa cánh đồng mênh mông thỉnh thoảng bắt gặp một bóng mưng cổ thụ làm bóng mát để người nông dân nghỉ ngơi sau một buổi ruộng cày.

Cách quê mình không xa, làng Vân Trình còn có tên nôm là làng Rào từng được gọi là xứ sở của mưng. Có lần mình về làng Vân Trình thực hiện phóng sự về di tích ngôi mộ danh tướng Trần Văn Kỷ của triều Tây Sơn và nghe các cụ ở làng quê này kể chuyện về tích “chiếc áo quan cho”. Mỗi bận Trần Văn Kỷ về thăm quê, trò chuyện với những người dân của làng Rào quê hương, ông đều nhận được mong ước của dân làng là được quan ban cho mỗi người một chiếc áo vì trời ở đây mùa đông quá lạnh. Trong câu chuyện, Trần Văn Kỷ căn dặn mỗi người dân trồng cây hai bên bờ sông, ai trồng được nhiều cây tốt sẽ được thưởng áo. Thế rồi những hàng cây đã mọc lên, qua tháng năm phủ xanh hai bên bờ sông Ô Lâu. Trở lại thăm quê, nhắc lại chuyện cũ, những người dân làng đã không còn nói đến chuyện lạnh nữa, còn Trần Văn Kỷ thì cười và chỉ vào những hàng cây mưng, cây cừa xanh và nói: “Đây là chiếc áo muôn đời của người dân quê mình”… Về Vân Trình bắt gặp những cây mưng cổ thụ in bóng bên dòng sông Ô Lâu, mình đinh ninh rằng đó là những cây mưng có từ thời của Trần Văn Kỷ. Băng ruộng, lội bùn một đoạn mấy cây số mới tới được ngôi mộ của ông nằm hiu quạnh giữa cánh đồng làng, mình cứ tự hỏi răng người dân làng không mang những cây mưng trồng quanh mộ ông nhỉ?

Có lẽ mưng là một trong những loài cây ra hoa nhiều lần nhất trong năm, cứ vài tháng lại thấy mưng ra hoa một lần. Những chùm hoa đỏ mềm mại và thoảng hương thơm dìu dịu. Thực tình là sau này khi cây mưng lên phố thành cây cảnh quý trong khách sạn, nhà hàng hay những ngôi nhà sang trọng mới thấy hoa mưng đẹp. Hồi trước hoa mưng vẫn nở và rụng tơi bời khắp đường làng ngõ xóm ở quê mà đứa trẻ con là mình cứ dửng dưng bước qua, chưa một lần đứng lại để ngắm hoa. Rồi những buổi trưa đầu hè, ra bờ sông Ô Lâu câu cá và ngắm hoa mưng rơi đỏ dọc triền sông làm thức ăn cho những chú cá. Cái cảnh cá đớp hoa trên mặt sông cứ như một bức tranh vừa tĩnh, vừa động.

Lại nhớ về “cơn sốt” cây cảnh năm nào để mưng từ quê lên phố. Một cuộc “đổi đời” ngoạn mục của một loài cây dân dã bắt đầu từ thú chơi thời thượng của con người có cái mất mà cũng có cái được. Nhìn cây mưng trút bóng hoa sáng nay mình cứ nghĩ về câu chuyện cô gái quê từ quê lên phố và trắng da dài tóc đẹp ra. Đâu chỉ là con người, cây cỏ từ quê lên phố có khi cũng đẹp ra…

Phi Tân
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

Đó là chủ đề của Trại sáng tác văn học, nghệ thuật do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khai mạc sáng 15/4 tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền).

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

TIN MỚI

Return to top