Từ khi thực hiện đường lối đổi mới (1986), Đảng ta đã ban hành nhiều chủ trương, nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Nghị quyết TƯ 6 (lần 2), khóa VIII chỉ rõ: “Sự suy thoái về tư tưởng chính trị; tình trạng tham nhũng, quan liêu, lãng phí của một bộ phận cán bộ, đảng viên có chiều hướng phát triển nghiêm trọng hơn”. Đại hội XI của Đảng tiếp tục khẳng định: “Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí còn nghiêm trọng” (4). Từ “một bộ phận” đã lan ra “một bộ phận không nhỏ” thì đến Hội nghị TƯ 4, khóa XI đã chỉ ra rằng, tình trạng ấy không chỉ ở “một bộ phận không nhỏ” cán bộ, đảng viên “trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp…”.
Từ tình hình trên, xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo Nghị quyết TƯ 4, khóa XI, trên cả ba mặt tư tưởng, chính trị và tổ chức, làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh đang là một yêu cầu bức xúc của toàn Đảng, toàn dân ta.
Xây dựng, chỉnh đốn Đảng về tư tưởng là làm cho hệ thống lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh thật sự trở thành nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của toàn Đảng, toàn dân ta, giữ vững và tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Đảng.
Tại Lớp huấn luyện đảng viên mới của Thành ủy Hà Nội, ngày 14-5-1966, Bác Hồ nói: “Để lãnh đạo cách mạng, Đảng phải mạnh. Đảng mạnh là do chi bộ tốt. Chi bộ tốt là do các đảng viên đều tốt. Muốn xây dựng chi bộ “bốn tốt” thì phải bồi dưỡng lập trường vô sản cho đảng viên. Muốn có lập trường vô sản vững chắc, thì đảng viên phải có ý thức giai cấp, đồng thời phải có lý luận cách mạng. Không có lý luận về chủ nghĩa xã hội khoa học thì không thể có lập trường giai cấp vữngvàng”.
Xây dựng, chỉnh đốn Đảng về chính trị là kiên định con đường mà Đảng, Bác Hồ đã lựa chọn, giữ vững mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đó là những mục tiêu gắn liền khăng khít với nhau và làm điều kiện cho nhau đến mức trở thành một mục tiêu tổng hợp. Đó là con đường duy nhất đưa đất nước ta đạt tới: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Trên 80 năm qua, mục tiêu có tính bản chất và tính truyền thống này đều được xác định trong Cương lĩnh và Điều lệ Đảng qua các lần Đại hội, là bài học xuyên suốt trong lịch sử lãnh đạo cách mạng của Đảng ta.
Xây dựng, chỉnh đốn Đảng về tổ chức là tăng cường sức chiến đấu của Đảng từ Trung ương đến cơ sở. Đại hội XI của Đảng nhận định: “Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, những tiêu cực và tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà con tiếp tục diễn biến phức tạp,… đe doạ sự ổn định, phát triển của đất nước…
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng dạy: “Xây dựng về tư tưởng, về chính trị, về tổ chức, đó là đường lối xây dựng Đảng”. Đó không những là công việc của Đảng và của đảng viên mà cũng là của toàn dân. Thông qua phong trào quần chúng, Đảng kiểm nghiệm, hoàn chỉnh và cụ thể hóa đường lối chính trị. Và cũng từ phong trào cách mạng của quần chúng, Đảng lựa chọn những người ưu tú kết nạp vào Đảng. Thực tiễn cách mạng cho thấy, nơi nào có phong trào quần chúng mạnh mẽ thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị thì ở đó, tổ chức Đảng được phát triển, củng cố, cán bộ, đảng viên được rèn luyện và thử thách. Trái lại, công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng làm tốt thì phong trào quần chúng càng lớn mạnh. Quá trình phát triển, lớn mạnh của Đảng gắn liền với sự phát triển của xã hội và sự lớn mạnh của phong trào quần chúng. Phong trào quần chúng là cơ sở, là nguồn sống của Đảng, là mảnh đất tốt, từ đó, Đảng lớn lên không ngừng.
Trong quá trình tiến hành công tác xây dựng Đảng, vai trò, tác dụng tích cực của quần chúng nhân dân, của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể như công đoàn, đoàn thanh niên, hội phụ nữ sẽ được khẳng định và nêu cao... Và công tác xây dựng Đảng sẽ “dẫm chân tại chỗ” khi quần chúng chưa được lôi cuốn đông đảo tiến công vào các đối tượng chính của cuộc vận động, bởi nhiều trở ngại khác nhau ở một số cấp, ngành, địa phương và cơ sở.
Nét đặc sắc trong tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng, chỉnh đốn Đảng chính là mối liên hệ máu thịt giữa Đảng và nhân dân. Theo Người, “nhân dân giúp đỡ xây dựng Đảng bằng cách: hiểu rõ Đảng, ủng hộ Đảng, hưởng ứng những lời kêu gọi của Đảng, ra sức cho Đảng rõ tình hình trong nhân dân, đối với công tác của Đảng thì thật thà phê bình và nêu ý kiến của mình”.
Để bảo đảm, phát huy kết quả của việc quần chúng nhân dân tham gia xây dựng Đảng, các cấp ủy Đảng thực hiện tốt, có nền nếp, không làm chiếu lệ, hình thức việc tự phê bình của các tổ chức Đảng trước quần chúng và mở rộng chế độ quần chúng phê bình các tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên.
Đối với những ý kiến phê bình đúng của quần chúng thì các tổ chức Đảng tiếp thu nghiêm túc và có biện pháp sửa chữa. Đối với những ý kiến không đúng thì phân tích, giải thích đầy đủ với thái độ thực sự “trọng dân” và có ý thức trách nhiệm.
Nhấn mạnh vai trò, tác dụng tích cực của nhân dân trong công tác xây dựng Đảng không có nghĩa là coi nhẹ sự hoạt động, sinh hoạt của các tổ chức Đảng và cũng không thể lấy phê bình của quần chúng thay thế cho tự phê bình, phê bình trong Đảng.
Các cấp ủy, chính quyền các cấp, các đoàn thể quần chúng tạo mọi thuận lợi nhất và động viên mọi người nâng cao trách nhiệm tham gia kiểm tra, giám sát nghiêm ngặt cán bộ, đảng viên ở mọi lúc, mọi nơi, đoàn kết xây dựng và bảo vệ Đảng, chính quyền.
Gắn với phong trào quần chúng, dựa vào quần chúng, nhất định chúng ta sẽ thực hiện thắng lợi Nghị quyết TƯ 4, khóa XI, tạo bước chuyển biến mới trong công tác xây dựng Đảng, làm cho Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Chiến Hữu - Văn Chính