ClockThứ Năm, 12/07/2012 06:29

Vị thế của dệt may

TTH - Trong bối cảnh nền kinh tế hồi phục chậm, hoạt động sản xuất kinh doanh chung trên địa bàn tỉnh khá im ắng… Lễ khánh thành nhà máy dệt may có tổng vốn đầu tư 21.000.000 USD của Công ty Tokyo Style Vietnam Hue trong tuần qua là một sự kiện đáng quan tâm. Đây là doanh nghiệp đầu tư nước ngoài thứ 5 trong lĩnh vực dệt may hiện diện trên đất Huế.

Chưa bao giờ ngành dệt may Huế sôi động như bây giờ. Tại nhiều khu công nghiệp phía Bắc, phía Nam của tỉnh, một loạt nhà máy dệt may của các doanh nghiệp lớn trong nước và quốc tế liên tiếp ra đời. Trên lĩnh vực đầu tư nước ngoài, tiếp sau sự thành công của các nhà đầu tư đến từ Hungari (Dệt kim và May mặc Huế-Việt Nam), Mỹ (HBI), Pháp (Scavi)... năm ngoái, Công ty Tokyo style Vietnam Hue đã chính thức nhập cuộc. Đây là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài thuộc Công ty Cổ phần Tokyo Style có trụ sở chính đóng tại Tokyo - Nhật Bản. Doanh nghiệp chuyên sản xuất kinh doanh hàng quần áo may sẵn; gia công sản phẩm sợi và nhiều dịch vụ khác.

Chỉ hơn 1 tháng sau khi nhận giấy chứng nhận đầu tư, ngày 24/8/2011, Công ty Tokyo style Vietnam Hue đã làm lễ động thổ xây dựng nhà máy may tại KCN Phú Bài (Hương Thuỷ). Chỉ 10 tháng sau - tháng 5 năm nay, nhà máy đã hoàn thành việc thi công xây dựng, lắp đặt thiết bị máy móc và chính thức đi vào sản xuất. Bước đầu, nhà máy có công suất 500.000 sản phẩm mỗi năm và sẽ nâng công suất lên 1 triệu sản phẩm/ năm vào năm 2015. Sản phẩm của công ty sẽ xuất khẩu từ 95%-70% và trong tương lai sẽ mở rộng từng bước việc bán hàng trong nước từ 5%-30%. Động thái trên cho thấy quyết tâm, tính kế hoạch hóa trong hoạt động đầu tư và cả cách sử dụng đồng vốn của doanh nghiệp. Sự nhập cuộc một cách quyết liệt của doanh nghiệp này cùng với các nhà đầu tư trong nước và quốc tế khác cũng cho thấy sức hấp dẫn của ngành dệt may trên đất Huế.
 
Theo số liệu chưa đầy đủ, hiện trên địa bàn tỉnh có trên 12 cơ sở dệt may công nghiệp, thu hút trên 12.000 lao động. Sự xuất hiện của các DN thuộc nhiều thành phần kinh tế không chỉ tạo nên sự đa dạng của các loại sản phẩm dệt may; mà còn tăng doanh thu và kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Trong 6 tháng đầu năm nay, dệt may là ngành có tốc độ tăng trưởng cao nhất; kim ngạch xuất khẩu đạt trên 158,5 triệu USD, tăng 23% so với cùng kỳ và chiếm đến 75% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.
 
Dẫu chưa phải là ngành kinh tế mang lại hiệu quả cao và có lợi nhuận lớn; tuy nhiên, cái được của ngành dệt may là đã tạo được thêm nhiều việc làm cho người lao động tại địa phương, góp phần quan trọng vào hoạt động xuất khẩu và đã khẳng định được vị thế của mình trong bối cảnh nền kinh tế chung đang bị suy giảm.
 
Hoàng Thành
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top