ClockThứ Năm, 20/03/2014 11:21

Vì một “Thành phố bền vững...”

TTH - Vào lúc Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân về “tên gọi của thành phố, các quận và phương án tổ chức các đơn vị hành chính của thành phố trực thuộc Trung ương” để trình lên Chính phủ, Quốc hội, thông tin từ Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên & Môi trường) đề cử TP Huế tham dự Giải thưởng Thành phố Bền vững về môi trường của ASEAN lần thứ 3 vừa công bố là một tin vui, đồng thời là một định hướng quan trọng liên quan đến nhiều lĩnh vực trong việc xây dựng và phát triển thành phố Huế hiện nay cũng như tương lai.

Chúng ta đều biết, lâu nay trong đua tranh và để quảng bá cho một đơn vị, địa phương nào đó, người ta có thể đặt ra nhiều loại danh hiệu (hay “thương hiệu”, kỷ lục); nhưng thiết nghĩ không phải danh hiệu nào cũng có giá trị, có vẻ đẹp đáng phấn đấu để đạt được; ví như có nơi công bố “kỷ lục” làm chiếc bánh to nhất, hay đắp con rồng dài nhất, có trụ sở cao nhất… (những “danh hiệu” này có ý nghĩa gì khi xu hướng phát triển của thế giới hiện đại lại là những thiết bị tinh xảo, những vi mạch và công nghệ na-nô siêu nhỏ…); thậm chí, nếu là một thành phố đạt danh hiệu “giàu nhất hành tinh” nhưng không khí lại ô nhiễm, bụi bặm đến mù trời đến mức phải luôn “báo động” như thành phố Bắc Kinh gần đây thì đó chẳng phải là thứ con người đáng mơ ước. Dẫn giải như thế để thấy rằng, nếu Huế đạt được Giải thưởng “Thành phố bền vững về môi trường” của ASEAN thì đó là một danh hiệu, đồng thời là một “thương hiệu” tạo thêm sức hút đối với du khách, rất đáng để tự hào, để nỗ lực phấn đấu hơn nữa cho xứng đáng với danh hiệu đó.

Chúng ta cần thấy việc thành phố Huế được đề cử tham dự giải thưởng nói trên, một phần quan trọng là do tạo hóa ban tặng cho một dòng sông trong lành với đồi núi xanh tươi bao quanh, đồng thời cũng nhờ tầm nhìn và công sức bao thế hệ đã xây dựng nên một đô thị hài hòa với cảnh quan, một “đô thị tuyệt tác” như giám đốc UNESCO từng nhận xét. Tuy vậy, cuộc sống luôn phát triển và không phải ai cũng quan tâm đúng mức đến sự hài hòa với cảnh quan, nhất là khi con người bị lợi ích vật chất chi phối. Chính vì vậy, những chủ nhân ông thực sự có trách nhiệm với Huế, trong mấy chục năm qua đã kiên quyết đấu tranh ngăn chặn các dự án đưa các “khối bê tông” ra “ốp” đôi bờ sông Hương như trụ sở một Công ty xi măng hay khách sạn trên đồi Vọng Cảnh… Xin được chú ý, trong cuộc đấu tranh này, có sự đồng tình và trợ sức tích cực của nhiều cơ quan thông tin đại chúng và bạn bè yêu Huế ở khắp miền đất nước. Điều đó, một lần nữa chứng tỏ, những giá trị của Huế là tài sản chung Việt Nam, là “di sản văn hoá của nhân loại” nên đồng thời luôn được cả “thiên hạ” để ý, bình phẩm, phán xét.

Nhấn mạnh điều này để thấy cái khó - cũng có thể gọi là sự ràng buộc, gò bó - trong mọi dự án phát triển Huế, nhất là trong cuộc thi đua với các đô thị ở miền Trung trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Một điều không thể tránh né là quá trình phát triển đô thị và công nghiệp hóa bao giờ cũng ảnh hưởng đến môi trường, ít nhiều phá vỡ sự cân bằng sinh thái đã được tạo lập qua lịch sử hình thành cả một vùng đất. Một điều nữa cũng không thể tránh né là trong dư luận lâu nay vẫn có ý kiến nhận xét - nói đúng hơn là “chê trách”- rằng Huế thiếu năng động nên phát triển chậm hơn các đô thị khác trong vùng. Đây là một vấn đề có thể gây tranh cãi, vì Huế có đặc thù riêng, đưa Huế phát triển nhanh, ồ ạt xây các cao ốc, mở nhiều đường lớn chưa hẳn đã là phương án tối ưu và thích hợp…

Dù sao, những tình hình vừa nêu cùng với xu thế đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa và công nghiệp hóa là không tránh khỏi. Vấn đề đặt ra là những chủ nhân của Huế phải thật sự có trí tuệ và thận trọng khi chọn lựa những dự án xây dựng mới, nhất là những công trình lớn, sao cho vừa có hiệu quả tăng nguồn thu cho địa phương, đem lại lợi ích cho cộng đồng, vừa bảo vệ được môi trường, sinh thái, cảnh quan. Thiết nghĩ, đối với Huế, giữ gìn “môi trường bền vững” có lẽ phải đặt lên vị trí đầu tiên, không phải vì danh hiệu hay giải thưởng này nọ mà chính vì đặc trưng của Huế, vì lợi ích lâu dài của cộng đồng. Như thế, cần phải tránh xây dựng loại công trình, xí nghiệp quá đồ sộ, phá hủy nhiều đất đai, cây rừng mà chất thải lại nhiều. Tốt nhất là chọn phát triển loại công nghệ cao, những xí nghiệp ít thải chất độc hại, mà sản phẩm có giá trị lớn như ở đặc khu Thâm Quyến (Trung Quốc). Mặc dù Huế có thuận lợi để phát triển du lịch - một loại “công nghiệp không khói”, nhưng vẫn phải xây dựng thêm những công trình, những xí nghiệp ít nhiều đều ảnh hưởng đến môi trường. Đây quả một bài toán khó, nhiều khi chúng ta chỉ chọn được phương án tương đối tốt chứ không phải là tối ưu, vì phải chiếu cố lợi ích khác. Ví như công trình hồ Tả Trạch, ít nhiều cũng ảnh hưởng đến môi trường sinh thái của sông Hương, nhưng vì nhiều lợi ích khác (như phục vụ nông nghiệp, ngăn lũ…) nên vẫn phải xây dựng…

Trên đây, chỉ mới bàn ở khía cạnh vĩ mô. Trong đời sống hàng ngày, trong mỗi gia đình, trên mỗi con phố, đều có những hành vi ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. Ở một khu phố đạt danh hiệu đơn vị văn hoá nhiều năm mà chỉ riêng việc chọn một “con đường kiểu mẫu” - không chiếm dụng lề đường, không vứt rác thải tùy tiện…- mãi vẫn không thực hiện được. Một di tích văn hoá quan trọng như Núi Bân, xung quanh vẫn còn…

Chỉ dẫn vài chi tiết như thế, để thấy việc gìn giữ môi trường bền vững phải có sự chung sức của mọi người, phải có sự vào cuộc kiên quyết và liên tục của cả hệ thống chính trị - trên cơ sở nhận thức giá trị nhiều mặt khi con người được sống trong một môi trường tốt đẹp.

Trong thời đại mà nhân loại phải luôn báo động về môi trường sinh thái đe dọa đến sự tồn vong của cả hành tinh, danh hiệu “Thành phố bền vững về môi trường” có giá trị nhân văn sâu sắc, đồng thời là một “thương hiệu” mang lại giá trị kinh tế cho những trung tâm du lịch; vì thế là mục tiêu rất đáng theo đuổi và gìn giữ lâu dài đối với Huế, chứ không chỉ để tranh giải thưởng trong một định kỳ nào…

Nguyễn Khắc Phê
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top