Những câu hỏi phải đặt ra đối với đảng viên cần được trả lời thật cụ thể trước chi bộ như: Giác ngộ chính trị, trung thành với lý tưởng xã hội chủ nghĩa đến mức nào? Có đặt lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân và của Đảng lên trên lợi ích của cá nhân hay không? Đạo đức và lối sống ra sao? Có thực sự gắn bó với quần chúng không? Đã gương mẫu trong mọi công tác chưa? Việc chấp hành Điều lệ Đảng, Quy định về những điều đảng viên không được làm và pháp luật của Nhà nước ra sao? Nói và làm có theo đúng chỉ thị, nghị quyết của Đảng không? Có đặc quyền, đặc lợi không? Có tham nhũng, đưa, nhận, môi giới hối lộ không? Có làm ô dù, bao che cho bọn tham nhũng, buôn lậu không? Với đồng lương còn khiêm tốn, tại sao làm được nhà cao cửa rộng với những tiện nghị sang trọng, đắt tiền, có con đi du học tự túc ở nước ngoài… và do nguồn thu nhập nào? Việc kê khai tài sản, thu nhập đã đúng với quy định chưa? Có giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng không? Có nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, chống âm mưu “diễn biến hòa bình” và sự phá hoại của các thế lực thù địch không?…
Đảng viên nghiêm túc tự phê bình kết hợp nhận xét của chi bộ, ý kiến tham gia của quần chúng nhân dân và sự kiểm tra của cấp trên. Bất kỳ đảng viên nào cũng đều phải chịu sự lãnh đạo, quản lý, kiểm tra của chi bộ và phải tự phê bình thành khẩn trước chi bộ. Mọi đảng viên, từ đảng viên bình thường đến các đồng chí lãnh đạo các cấp, các ngành từ địa phương đến trung ương đều bình đẳng trước chi bộ. Nhất thiết không để đảng viên nào với danh nghĩa cá nhân đứng trên chi bộ. Các đảng viên giữ chức vụ càng cao phải được lãnh đạo, quản lý, kiểm tra chặt chẽ của chi bộ, bởi lẽ, những đồng chí đó nếu phát huy được vai trò của mình sẽ có ảnh hưởng đến một phạm vị rộng lớn. Ngược lại, những sai lầm của các đồng chí đó tất yếu tác động đến toàn cục. Cần phải thống nhất với nhau rằng, việc đấu tranh chống “suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc…” và các khuynh hướng lệch lạc khác đều phải được tiến hành ở chi bộ.Tiếng nói của đảng viên ở chi bộ có một sức mạnh rất to lớn. Vai trò, trách nhiệm của đảng viên trong chi bộ là cực kỳ quan trọng. Chi bộ nào buông lỏng sự lãnh đạo, quản lý, kiểm tra đảng viên, chi bộ đó không thể hoàn thành nhiệm vụ.
Sinh hoạt của chi bộ là một chế độ đã được quy định trong Điều lệ Đảng, là một trong những hoạt động thường xuyên của Đảng. Từ thực trạng tình hình hiện nay, cần nâng cao chất lượng sinh hoạt của chi bộ, bảo đảm cho sinh hoạt của chi bộ đạt được tính lãnh đạo, tính giáo dục và tính chiến đấu, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng, nhất là các chi bộ theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI).
Nâng cao tinh thần chiến đấu của đảng viên, của chi bộ là yếu tố quan trọng trong xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh theo tinh thần mới hiện nay. Về lý thuyết, hầu như đảng viên, tổ chức cơ sở Đảng nào cũng quán triệt sâu sắc. Thế nhưng trong sinh hoạt Đảng tình trạng né tránh, im lặng giữ thế bình yên, ngại va chạm, sợ trù úm… vẫn là một thực tế. Có đảng viên khi sinh hoạt chi bộ chẳng có một ý kiến nào đóng góp trong nội dung sinh hoạt, còn góp ý thì chẳng bao giờ. Tại một cuộc học tập Nghị quyết T.Ư 4 của Đảng, có ý kiến nêu lên một thực tế rằng, trong tự phê bình và phê bình theo tinh thần mới, ở chi bộ Đảng có đảng viên là lãnh đạo nếu đồng chí ấy cởi mở, chân thành thì công tác phê và tự phê diễn ra dân chủ, thẳng thắn. Ngược lại, nếu đồng chí ấy “khép cửa” lại thì không khí phê và tự phê trở nên hình thức. Có ý kiến nói cụ thể là tính chiến đấu của đảng viên trong sinh hoạt chi bộ thường biểu hiện ở những đảng viên đứng tuổi, còn những đảng viên trẻ hãy còn ngần ngại lắm, vì họ là lớp cán bộ còn nằm trong diện quy hoạch, đào tạo, luân chuyển! Ai cũng hiểu được điều này trong tình hình hiện nay khi mà một số đảng viên có chức có quyền không gương mẫu, chưa liêm trong cuộc sống, tỏ ra gay gắt khi đồng chí, đồng đội góp ý. Đôi mắt lúc nào cũng lườm lườm làm cho tinh thần sinh hoạt Đảng trở nên hình thức, có khi căng thẳng.
Ở những tổ chức cơ sở Đảng có biểu hiện này rất cần tính chiến đấu của đảng viên. Nhiều đảng viên đồng tình và mạnh dạn góp ý, có ý kiến bảo vệ cái đúng, việc sai khi đồng chí mình nêu ra ắt hẳn hiệu ứng của sự góp ý sẽ mang lại hiệu quả, làm cho nội dung sinh hoạt chi bộ đạt chất lượng. Điều quan trọng là làm cho đảng viên có chức cần phải suy nghĩ lại tư chất và đạo đức cách mạng của mình. Tính chiến đấu của đảng viên khi đạt đến trình độ tập thể, góp ý khách quan, có phân tích, chính xác, không đao to búa lớn chắc chắn sẽ làm cho nội dung sinh hoạt chi bộ trở nên chất lượng. Sinh hoạt chi bộ có chất lượng sẽ góp phần làm cho chi bộ vững mạnh, chi bộ mạnh chắc chắn sẽ có nhiều đảng viên tốt. Nhiều chi bộ mạnh, nhiều đảng viên xuất sắc thì vai trò, vị trí, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng ngày càng được nâng cao.
Chiến Hữu - Văn Chính