ClockThứ Tư, 14/11/2012 17:29

Tự phê bình theo tinh thần Nghị quyết T.Ư4

TTH - Toàn Đảng đang tiến hành đợt sinh hoạt chính trị quan trọng, các cấp ủy Đảng và từng cá nhân kiểm điểm, tự phê bình và phê bình. Mục đích của kiểm điểm tự phê bình và phê bình lần này là nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên và vai trò tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên; trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Do vậy, công tác chuẩn bị và tổ chức kiểm điểm phải được chuẩn bị kỹ lưỡng, tiến hành nghiêm túc, làm đến đâu chắc đến đó...

Kể từ khi có NQTƯ4, trên thực tế, Đảng ta đã và vẫn thường xuyên tiến hành công tác xây dựng Đảng. Tuy nhiên, như NQTƯ4 đã thẳng thắn nhìn nhận rằng, bên cạnh kết quả đạt được, công tác xây dựng Đảng vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, thậm chí có những yếu kém khuyết điểm kéo dài, qua nhiều nhiệm kỳ chậm được khắc phục, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng.

Là đảng viên, chúng ta rất phấn khởi khi Đảng ta ban hành NQTƯ4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Đợt sinh hoạt chính trị lần này nhằm nâng tầm lãnh đạo của Đảng cao hơn nữa, nâng sức chiến đấu mạnh hơn nữa. Và điều quan trọng là củng cố lòng tin của người dân đối với Đảng.

Sau khi Bộ Chính trị, Ban Bí thư tiến hành kiểm điểm hết sức thẳng thắn trên tinh thần xây dựng, cầu thị thì các Tỉnh ủy, Thành ủy và cấp tương đương cũng triển khai kiểm điểm, phê bình và tự phê bình theo tinh thần của NQTƯ4. Kết quả và ghi nhận bước đầu của đợt sinh hoạt chính trị này là sự nghiêm túc quán triệt và thực hiện theo tinh thần của Nghị quyết. Với kết quả trên, nó đặt ra một số vấn đề thực tiễn trong việc tự phê bình và phê bình. Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống đi từ nguyên nhân ý thức chủ quan của những cán bộ, đảng viên ở trong một bộ phận không nhỏ mà NQTƯ4 đã chỉ ra. Đó là sự thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu, quên đi trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước nhân dân. Nhìn từ nguyên nhân khách quan của tình trạng đó chính là sự cám dỗ của vật chất và chính bởi cơ chế đã tạo ra một bộ phận cán bộ lãnh đạo có quá nhiều quyền uy, có quá nhiều đặc quyền, đặc lợi. Trong bối cảnh quyền hành lớn mà kém rèn luyện, tu dưỡng thì chủ nghĩa cá nhân, vụ lợi, thực dụng đương nhiên có đất phát triển. Thương trường có lắm loại hình doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn tìm cách quan hệ, tiếp cận với cán bộ có chức quyền. Từ quan hệ ban đầu đến “sâu đậm tình cảm”, nó sẽ tiến đến cùng chia nhau lợi ích qua các công trình, dự án xây dựng, đất đai, tài nguyên của nhân dân. Nó len lỏi chạy chức, chạy quyền, chạy tội... Đó là khuyết tật lớn làm cho đảng viên có chức, có quyền sa sút đạo đức. Cho nên, phải sửa chữa khuyết tật ấy như thế nào. Biết rõ thực trạng ấy, nhóm giải pháp thứ ba về tự phê bình và phê bình, NQTƯ4 trực diện chỉ rõ: Các đồng chí ủy viên ban cán sự Đảng, Đảng đoàn, Đảng ủy trực thuộc Trung ương, lãnh đạo các ban của Trung ương Đảng, Ban Thường vụ các Tỉnh ủy, Thành ủy và cấp ủy các cấp nghiêm túc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình, nêu gương bằng hành động cụ thể, thực tế. Khi kiểm điểm cần liên hệ, gắn với xem xét việc thực hiện các quy chế, quy định; việc giải quyết những vấn đề về tổ chức, cán bộ; về giải quyết những vấn đề bức xúc của ngành, địa phương mình. Trong kiểm điểm, tự đánh giá về tư tưởng, đạo đức, lối sống phải gắn với chức trách, nhiệm vụ được giao. Không chỉ tự đánh giá cá nhân mình mà còn nêu rõ chức trách được giao quản lý đội ngũ cán bộ, đảng viên trong cơ quan, đơn vị mình đã thực hiện như thế nào, có khuyết điểm gì cần nhận rõ để có kế hoạch sửa chữa. Vấn đề tư tưởng, đạo đức của tập thể cán bộ, đảng viên mà mình được giao chỉ đạo, quản lý có vấn đề gì cần xem xét, tự phê bình?

Tự phê bình và phê bình nếu được gắn kết chặt chẽ với việc phê và tự phê trong chỉ đạo điều hành công việc sẽ góp phần giúp cho mỗi đảng viên thấy rõ mình hơn. Làm tốt công tác tự phê bình và phê bình là điều kiện tốt để chúng ta đấu tranh chống tham nhũng, chống các biểu hiện lợi ích nhóm đang len lỏi trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống.

Cấp trên làm trước, gương mẫu tự phê bình và phê bình để cấp dưới làm theo. Đây là vấn đề mới của NQTƯ4. Phê bình với tình thương yêu đồng chí, trung thực công tâm, không thiên vị, định kiến, không nghe thông tin một chiều, chân thành, giúp nhau sửa chữa khuyết điểm... Cần loại trừ mọi biểu hiện lệch lạc trong sinh hoạt tự phê bình và phê bình, mang lại sức sống mới trong xây dựng Đảng, đem lại sự tin yêu trong nhân dân.

Chiến Hữu-Văn Chính

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top