ClockThứ Năm, 13/02/2014 06:13

Trung thực

TTH - Tính trung thực biểu hiện trước hết và chủ yếu là ý thức coi trọng sự thật, trung thành với sự thật.Người trung thực dám bảo vệ sự thật. Cho dù có bị thiệt hại về lợi ích cá nhân, thậm chí tính mạng bị đe dọa, song cũng không vì thế mà họ bóp méo, xuyên tạc sự thật và chân lý. Người trung thực biết phân biệt đúng, sai, nhận rõ phải, trái, thiện, ác, đâu là chân chính, bịp bợm, dối trá. Người trung thực nói và làm những điều hay, lẽ phải, tuân theo đạo lý và chuẩn mực tốt đẹp của cộng đồng và xã hội.

Người trung thực sống ngay thẳng, thật thà, không bao giờ chấp nhận những sự giả dối dưới mọi “sắc màu”. Khi có khuyết điểm, họ chân thành tự nhận, không giấu giếm, đổ lỗi cho người khác và thành tâm khắc phục, sửa chữa, không bao giờ tự bằng lòng, thỏa mãn với chính mình và luôn có ý thức phấn đấu vươn lên. Người trung thực là người biết liêm sỉ, có nhân cách, có lòng tự trọng cao. Họ thực sự là những người luôn tuân thủ và xử lý khéo léo, hài hòa phương châm sống “mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”.

Trong cuộc sống, người trung thực sống thư thái, ung dung, luôn đàng hoàng, chững chạc, không phải ra luồn vào cúi, nịnh bợ, ton hót người khác, nhất là đối với cấp trên, để cầu mong hưởng lợi lộc, công danh, phú quý cho bản thân, tâm hồn luôn thanh thản. Họ xa lánh, căm ghét mọi thứ phù phiếm, tô vẽ, đắp điếm, điêu trác. Dĩ nhiên, trung thực đến mức vô tư quá, không để ý đến những diễn biến xung quanh mình cũng không hẳn là tốt. Thậm chí, đó là thái độ vô trách nhiệm. Nhưng dẫu sao, người trung thực là những người không hại ai, không có tà tâm ác ý, nên ở đâu, họ cũng thực sự là trung tâm đoàn kết của một tập thể nhất định nào đó.

Đối với cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, đức tính trung thực là tiêu chí hàng đầu để đánh giá tư cách đạo đức. Đa số cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức, lối sống cách mạng trong sáng, trung thực được nhân dân tin tưởng, yêu mến, ủng hộ và giúp đỡ. Tuy nhiên, trong thực tế hiện nay, không ít cán bộ, đảng viên, kể cả những người đứng đầu, có những biểu hiện thiếu trung thực đối với đồng chí, đồng đội của mình, đối với tổ chức, đơn vị, gây ra những trở ngại nhất định tới việc hoàn thành nhiệm vụ của người cán bộ, đảng viên và toàn đơn vị, địa phương. Mặt khác, còn trực tiếp hoặc gián tiếp dung dưỡng cho chủ nghĩa cá nhân tồn tại và phát triển. Cá biệt, có những người đứng đầu vì lợi ích riêng tư của cá nhân mình, mà khi nhận xét, đánh giá cán bộ thuộc quyền chủ yếu kể ra nhiều khuyết điểm, hoặc sai lầm và đề cập rất ít về ưu điểm, mặt mạnh của cản bộ đó. Khi đơn vị, ngành, địa phương có thành tích, thì cho rằng đó là công lao của riêng mình; khi có khuyết điểm, hoặc sai lầm thì lại đỗ lỗi cho người khác, cho nguyên nhân khách quan.

Những hiện tượng mất đoàn kết, gây bè kéo cánh, cục bộ, địa phương, tham nhũng, lãng phí…có nguyên nhân bắt nguồn vừa sâu xa, vừa trực tiếp do bệnh thiếu trung thực.

Tình hình thiếu trung thực ở một bộ phận cán bộ, đảng viên thông thường biểu hiện nghiêm trọng nhất là khi báo cáo lên cấp trên, chủ yếu khuếch trương thành tích và giấu giếm khuyết điểm của cá nhân, đơn vị, địa phương mình. Vì bệnh thành tích, người ta nói dối. Báo cáo không trung thực theo hướng “tô hồng” làm cho cấp trên đánh giá sai tình hình và dẫn tới thiếu những chủ trương, chính sách chính xác. Đảng ta đã chỉ rõ: phải nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật thì mới đề ra được những chủ trương, biện pháp đúng. Nói dối có nhiều cách, nhiều dạng, trong nhiều trường hợp là thủ đoạn. Bản chất của nói dối là che giấu sự thật, mục đích là để vụ lợi, phô trương, đề cao “uy tín” và “danh dự”. Nói dối còn để tham nhũng, che giấu việc vi phạm nguyên tắc sinh hoạt Đảng và vi phạm pháp luật. Cho đến nay, vẫn chưa có một chế tài nào để ngăn chặn có hiệu quả, cho nên cứ tha hồ nói dối, làm thì ít báo cáo thì nhiều, làm dở báo cáo thì hay, làm xiêu vẹo kỷ cương, phép nước.

Thiếu trung thực, nói dối là căn bệnh của những kẻ cơ hội đã và đang làm suy yếu đất nước trên thực tế, phải được từng bước ngăn chặn, đẩy lùi và chữa trị tận gốc. Cần tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa XI, về xây dựng Đảng gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị; tăng cường hơn nữa công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và mọi người dân, giúp họ nhận thức sâu sắc tác hại và tính chất nguy hiểm của bệnh đó; đồng thời kết hợp chặt chẽ với cơ chế kiểm tra, giám sát và có chế tài xử lý nghiêm khắc đối với cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, thiếu trung thực; biểu dương, khen thưởng kịp thời, thỏa đáng những cán bộ, đảng viên và quần chúng dám nói sự thật, nói đúng sự thật; ra sức xây dựng trong cơ quan, đơn vị, địa phương một môi trường sống và làm việc lành mạnh, văn minh, trong đó mọi người thực sự đoàn kết, trung thực, giúp đỡ lẫn nhau cùng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Chiến Hữu - Văn Thanh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top