ClockThứ Năm, 27/10/2011 05:55

Trí thức & câu lạc bộ trí thức

TTH - Khi bàn về trí thức, ai cũng nghĩ ngay đến những người học hành cao, có bằng cấp, học hàm, học vị. Thế nhưng trong thực tế cuộc sống, lao động sản xuất, kinh doanh... có nhiều người bằng cấp không cao nhưng do say mê lao động, say mê nghiên cứu, chịu học hỏi, tìm tòi ngay chính trong công việc cụ thể của mình nên có nhiều sáng tạo được xã hội tôn vinh, ghi nhận trong lĩnh vực chuyên môn nhất định. Lịch sử ghi công nhiều tên tuổi lừng danh khi chưa học hết bậc đại học nhưng đã có những đóng góp xuất sắc cho khoa học – kỹ thuật, văn hóa – xã hội, quản lý kinh tế - xã hội như Bill Gates ở Hoa Kỳ, Shakespeare ở Anh Quốc, nhà văn Nguyên Hồng có những sáng tạo để đời với “Những ngày thơ ấu”, “Bỉ Vỏ”...

Năm nay, trên lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp đang xuất hiện ngày càng nhiều những công nhân, nông dân “chân lấm tay bùn” đã dám tìm tòi, dám nghĩ, dám làm, họ đã chế tạo, cải tiến các loại máy cày, máy cấy, máy thu hoạch nông sản... ứng dụng vào thực tiễn sản xuất có hiệu quả trong công cuộc lao động sản xuất, phát triển kinh tế. Ngược lại với điều nêu trên là có không ít người có bằng cấp cao nhưng đã chuyển sang làm những công việc hết sức bình thường, ít có ý tưởng sáng tạo trong công việc. Nhiều người có học hàm, học vị nhưng chưa có công trình, dự án gì thiết thực trong công việc chuyên môn mà họ đang công tác, có khi cả cuộc đời chỉ nghe cái mác học hàm học vị của họ. Như vậy có thể hiểu trí thức không nhất thiết là người có bằng cấp cao và ngược lại, người có bằng cấp cao chưa hẳn đã là trí thức. Nhiều người có chung quan niệm trí thức là người có hiểu biết sâu rộng về một hoặc một số lĩnh vực khoa học – công nghệ, văn hóa – nghệ thuật, quản lý kinh tế - xã hội, biết vận dụng những hiểu biết đó để phát hiện và giải quyết những vấn đề lý luận và thực tiễn nảy sinh trong lĩnh vực hoạt động của mình vì lợi ích chung của cộng đồng và nhu cầu nhận thức của bản thân.

 

Nói chung, trí thức là người ham học, ham đọc. Do ham học, ham đọc mà người trí thức tiếp cận được cái mới, trình độ lý luận của họ ngày càng được nâng cao. Khi vận dụng vào thực tiễn người trí thức luôn sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm, họ ít khi chịu rập khuôn theo công thức sẵn có. Chính nhờ vậy mà trí thức đóng vai trò nhân tố quan trọng thúc đẩy khoa học – công nghệ, văn hóa – nghệ thuật, kinh tế - xã hội phát triển.

Trí thức có đặc điểm luôn lật lại vấn đề, họ muốn tranh luận, đưa ra những ý tưởng mới, muốn phản biện để tìm giải pháp cho vấn đề được nêu. Là người quản lý, chấp nhận và cùng với trí thức thảo luận, trao đổi luôn đem lại lợi ích cho công việc chung. Hãy lắng nghe, cần ghi nhận và tôn vinh họ. Trong lịch sử có biết bao tấm gương chính trực, khảng khái của người trí thức. Xã hội tôn vinh, trọng vọng trí thức không chỉ vì trí tuệ của họ mà còn vì phẩm chất cao quý này.

Thừa Thiên Huế là vùng đất có nhiều trí thức tên tuổi, lao động sáng tạo, cống hiến hết mình cho công việc, cho lợi ích của xã hội, sẵn sàng hiến dâng điều họ có cho cái chung. Ở lĩnh vực nào cũng dễ nhận thấy, trí thức Thừa Thiên Huế vang danh không chỉ trong nước mà cả quốc tế. Trên các lĩnh vực hoạt động như văn hóa – nghệ thuật, giáo dục đào tạo, y học, dịch thuật... Thừa Thiên Huế có nhiều trí thức tên tuổi mà xã hội tôn vinh. Đặc biệt là trên lĩnh vực y học, giáo dục, kinh tế. Nếu hiểu trí thức là người có bằng cấp cao thì Thừa Thiên Huế là một trong những tỉnh có lực lượng trí thức đông đảo. Là trung tâm giáo dục đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, Thừa Thiên Huế có đội ngũ cán bộ quản lý là tiến sĩ, giáo sư, phó giáo sư khá đông. Làm sao và làm gì để “kích cầu” sự đóng góp của lực lượng này vào công cuộc xây dựng và phát triển nền kinh tế - xã hội... của tỉnh nhà, tránh tình trạng trí thức hoạt động âm thầm, khoanh vùng trong từng lĩnh vực. Để rồi ý tưởng, công trình của họ ít ai biết đến hoặc có biết đến thì mới khu trú trong không gian hẹp. Thời gian qua các cơ quan thông tấn báo chí phát hiện và thông tin khá nhiều về tên tuổi, công trình của các nhà trí thức.

Để biến những sáng tạo của trí thức lan tỏa trong cộng đồng cần có động thái tập hợp trí thức lại, tôn vinh họ, tạo “sân chơi” cho họ. Một cầu thủ bóng đá giỏi, anh ta phải ra sân thể hiện mình trước đồng đội và đối phương trên sân bóng. Trí thức cũng cần có “sân bóng” của họ. Nhiều ý kiến cho rằng cần thành lập câu lạc bộ trí thức, tạo sân chơi cho họ tranh tài. Có câu lạc bộ trí thức chung và có câu lạc bộ bộ trí thức riêng. Riêng là riêng cho trí thức ngành, lĩnh vực cụ thể. Tại các câu lạc bộ, trí thức tranh luận, đưa ra ý tưởng, đưa ra giải pháp, công trình mới của mình cùng đồng sự tạo nên đột phá mới.

Sẽ là một sân chơi lý thú, hấp dẫn khiến đội ngũ trí thức “chuyển động đều” – đó là cảm nhận chung khi chúng tôi đặt vấn đề này với nhiều trí thức. Tại câu lạc bộ này, chúng ta có thể hiểu thêm trí thức đang cần gì, thiếu gì, đề xuất gì cho hoạt động của họ, hoạt động của tỉnh, hoạt động của từng ngành, từng lĩnh vực...

Tôn vinh trí thức, tạo sân chơi cho họ là sự tập hợp những ý tưởng mới, sáng tạo, tạo ra sức mạnh vì lợi ích của cộng đồng xã hội.

Chiến Hữu

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top