ClockThứ Năm, 04/12/2014 06:56

Trên đỉnh Tam Thai

TTH - Dãy núi Tam Tầng nằm ở phía nam sông Hương thuộc địa phận phường An Cựu (TP Huế). Tương truyền, một năm sau khi đăng quang, vua Minh Mạng đã lên khu vực dãy núi này để “xem khắp hình thế Kinh thành”. Không chỉ phát hiện ra núi Ngự Bình, nhà vua còn thấy ở hai bên còn có 2 hòn núi thấp hơn nằm ở hai bên, tạo nên “Đệ nhất án sơn”, liền đặt cho hòn núi bên trái là Tả Phụ Sơn và bên phải là Hữu Bật Sơn.

Vị thế của núi Ngự Bình là điều không còn bàn cãi khi “núi Ngự, sông Hương” là biểu tượng của vùng đất. Theo “Đại Nam nhất thống chí”, núi Ngự Bình không cao, hình dáng giống cái bình phong, có tên gọi là Bằng Sơn hay Bình Sơn. Ngay từ thời Chúa Ngãi (Nguyễn Phúc Thái), núi Ngự Bình đã được lấy làm tiền án ở mặt chính nam của phủ Phú Xuân. Về sau, đó là một trong những ngọn núi rất quan trọng trong việc xây dựng kinh thành Huế của các vua nhà Nguyễn. Ngọn Hữu Bật Sơn cũng không xa lạ gì khi đó chính là núi Bân, nơi Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ đã cho lập đàn tế cáo trời đất lên ngôi hoàng đế lấy niên hiệu là Quang Trung và tiến quân ra Bắc đánh tan 20 vạn quân Thanh xâm lược.

Tả Phụ Sơn Tam Thai không có vị thế đặc biệt hay là chứng nhân của những sự kiện lịch sử trọng đại nhưng cũng gắn liền những giai thoại xao xuyến lòng người. Chuyện rằng, thuở xưa trên núi Tam Thai có nhiều cây xanh và ngôi chùa cổ. Thời Trịnh - Nguyễn giao tranh, chúa Nguyễn nhiều lần đưa cung quyến lên ẩn núp nơi chùa này. Lần nọ, bị quân của Hoàng Ngũ Phúc tấn công thình lình lúc nửa đêm, chúa Nguyễn và bà phi cùng cận thần bí mật bỏ trốn vào miền trong. Cung quyến còn lại bơ vơ, không nơi nương tựa. Một trong những câu ca dao Huế buồn thảm nhất ngày xưa gắn liền cảnh tình thê lương ảm đạm ấy: “Trông lên hòn núi Tam Thai/ Thấy đôi chim quạ ăn xoài chín cây/ Qụa kêu ba tiếng quạ bay / Để bầy chim én đêm ngày chắt chiu”.

Dưới chân núi Tam Thai bây giờ vẫn còn có nhiều ngôi miếu cổ, lăng mộ cổ. Tiêu biểu nhất là khu lăng mộ ba vua (Dục Đức, Thành Thái và Duy Tân), những nhân vật tiêu biểu cho một giai đoạn đau thương vào cuối thế kỷ 19 khi đất nước rơi vào tay của thực dân Pháp xâm lược, đã lấy núi Tam Thai làm hậu chẫm. Còn về phía đông bắc, chân núi Tam Thai được lấy làm bình phong cho trường tập bắn, thường gọi là Trường Bia. Rồi những tháng chiến tranh một thời vừa mới đi qua, núi Tam Thai là nơi diễn ra trận đánh ác liệt trong Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1968.

Như một cơ duyên, nhà tôi nằm ở khu dân cư Trường Bia, cách không xa trường bắn kia và ngọn núi Tam Thai. Con đường Ngự Bình, nơi có thể nhìn rõ tường tận Tả Phụ Sơn Tam Thai. Không quá cao, chỉ khoảng 70 mét, nhưng ngọn Tam Thai hợp cùng núi Bân “phò” núi Ngự trông giống như con phượng hoàng đang xòe cánh che chở cho đế thành. Và rồi, thỉnh thoảng tôi lại một mình lang thang lên núi. Ừ, chính ở khu vực này, một vùng không gian mênh mang và rộng lớn, vào buổi chiều tà gợi nhớ đến câu thơ Nguyễn Du trong phần mở đầu Truyện Kiều nổi tiếng “Ngày xuân con én đưa thoi”. Đây ngày xưa cũng là nơi dập dìu tới lui của các cặp tài tử giai nhân vào những tiết tốt như thanh minh, nguyên tiêu, trùng cửu. Đứng trên đỉnh Tam Thai hay núi Ngự, có thể thu vào tầm mắt toàn cảnh kinh thành Huế ẩn hiện những lâu đài thành quách, mái chùa cổ kính giữa một màu xanh của cây cối và sông Hương như dải lụa uốn lượn quanh co.

Đan Duy
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top